Ai về Mười tám thôn vườn trầu… | Tài chính – Kinh doanh

Đan dày ký ức lịch sử

Ngày trước, khi đọc trường ca Đường tới thành phố của nhà thơ Hữu Thỉnh, trong đó có câu: “Bởi nơi ta về có mười tám thôn vườn trầu/Mỗi vườn trầu có bao nhiêu mùa hạ/Chị đợi chờ quay mặt vào đêm…”, tôi lại thắc mắc mười tám thôn vườn trầu ở chốn nao? Hóa ra sau này, do sự di chuyển xê dịch, tình cờ lại được ở gần, trở thành “láng giềng” của hậu duệ bao người dân lưu tán đến nơi này vào đầu thế kỷ 17.


Ai về Mười tám thôn vườn trầu... - ảnh 1

Trầu cau của Mười tám thôn vườn trầu bày bán ở chợ Bà Điểm

Theo Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, vùng trồng trầu nổi tiếng xưa được mô tả: “Ở phía tây cách trấn 52 dặm rưỡi. Địa thế xung yếu, nằm ngay trên đường bộ thông suốt vào Cao Miên, đặt đạo Quang Oai ở đấy để canh giữ. Khi trước có 18 thôn phụ giữ nơi ấy, dân cư ở đây rất đông đúc, tạo thành một chợ lớn ở miền núi. Dân nơi đây đều có sản nghiệp, phần nhiều là vườn trầu, họ thường gánh trầu đi bộ từng nhóm 3, 4 mươi người xuống bán ở hai chợ Sài Gòn và Bến Nghé. Nơi đây còn nhiều rừng rậm, cọp dữ thường hay bắt người ăn thịt nên có câu: Hung dữ như cọp Vườn Trầu”.

Vào một dịp, khi được nhà văn Vũ Thanh, tác giả của bộ tiểu thuyết Tây Sơn tam kiệt (đồng thời cũng là tác giả bản nhạc Đắp mộ cuộc tình nổi tiếng) tặng cho bộ sách đồ sộ này, tôi đã bị… hấp dẫn ngay từ những trang đầu. Một bộ tiểu thuyết dã sử được xây dựng trên nền của chính sử, nhưng những chương hồi mô tả cuộc chiến gay cấn giữa nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn diễn ra ở đất Gia Định – Bến Nghé trong phần 2 có tựa Nhất thống sơn hà, với tôi là những chương thu hút nhất.

Hóa ra, cái miệt có cái tên dài dòng Mười tám thôn vườn trầu này lại là nơi xảy ra một trận chiến vô cùng quyết liệt. Đó là trận huyết chiến giữa Hữu tướng quân hộ giá Phạm Ngạn, một sủng thần của Thái đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc, với cánh quân Hòa Nghĩa do Nguyễn Ánh chiêu mộ, phần lớn là người Hoa (Minh Hương), do tướng Trần Công Chương chỉ huy. Bị phục kích ở cầu Tham Lương, Phạm Ngạn tử trận. Lúc ấy Nguyễn Nhạc vô cùng buồn bã và giận dữ.

Ai về Mười tám thôn vườn trầu... - ảnh 2

Dì Út Đảm, người bán trầu cau kỳ cựu ở chợ

Cơn giận này đã gây ra sự rạn nứt mâu thuẫn trong cách nhìn nhận cục diện chiến tranh giữa anh em Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ, vào năm 1782. Đồng thời khởi sự cho một giai đoạn uy thế của nhà Tây Sơn ở phương Nam dần bị suy yếu.

Rồi sau đó, cái tên Mười tám thôn vườn trầu, mà nhất là vùng trầu Bà Điểm (nay thuộc xã Bà Điểm, H.Hóc Môn) lại nổi danh trong lịch sử, khi nghĩa quân Trương Định đặt nơi đây làm trạm liên lạc đánh Pháp trong suốt 8 năm liền (từ 1859 – 1867). Tiếp đó là cuộc khởi nghĩa oanh liệt của Nguyễn Ảnh Thủ vào năm 1871. Hoặc sự kiên cường của 2 bậc tiền bối nay được đặt tên đường ở vùng vườn trầu là Phan Văn Hớn (một nông dân giỏi võ làm chức Hương quản, nên được người dân quanh vùng gọi là ông Quản Hớn) và Nguyễn Văn Quá cũng vang dội từ vùng đất này, khi nổi dậy khởi nghĩa vào năm 1885, vì không chịu nổi ách áp bức hà khắc của Pháp và bọn tay sai.

Giữ lại vườn trầu xưa


Theo nhà văn – nhạc sĩ Vũ Thanh (tên thật là Võ Thanh Quang, quê xứ Bình Định) viết trong bộ tiểu thuyết Tây Sơn tam kiệt thì tướng quân Tây Sơn Phạm Ngạn kéo quân từ hướng Vườn Trầu về cầu Tham Lương, bị quân của Trần Công Chương giật sập cầu và đổ ra đánh, bắt sống đem giết. Đoạn này tác giả viết: “Nguyễn Nhạc hay tin Phạm Ngạn bị bắt thì thất kinh vội hối quân tiến gấp. Khi Nhạc tiến đến cầu Tham Lương, nhìn thấy xác của Phạm Ngạn thì trợn mắt, hộc máu mồm ra cả búng. Các tướng xúm lại khuyên can, Nhạc nói: Phạm Ngạn cùng ta vào sinh ra tử từ lúc thiếu thời, tình như thủ túc, việc khổ cực nào hắn cũng thay ta hứng chịu. Nay ta vừa mới lên ngôi hoàng đế, hắn chưa kịp hưởng chút bổng lộc gì thì đã qua đời. Hỏi ta làm sao không thương xót” (trang 251, hồi thứ 14, tập 2, phần 2 Nhất thống sơn hà, tiểu thuyết Tây Sơn tam kiệt – NXB Hội Nhà Văn, 2.2017).

Content

Buổi sáng đẹp trời. Tôi rong ruổi về miệt Bà Điểm (H.Hóc Môn), vượt qua cầu Tham Lương, một địa danh khó quên. Băng qua phố xá vừa thức dậy bắt đầu nhộn nhịp, tôi lọt vào một vùng im ắng hơn. Từ đoạn đường Trường Chinh thuộc Q.Tân Phú, rẽ qua đường Phan Văn Hớn một quãng là đến chợ Bà Điểm. Đón tôi bằng nụ cười hồn hậu, dì Út Đảm vừa lăng xăng bán trầu, vừa cho biết ngồi bán trầu cau ở chợ này đã 50 năm, không nhớ đã sắp biết bao nhiêu mâm trầu cau se duyên cho đôi lứa. Kế bên là dì Tư Lượm, mà dì cứ phát âm ra là… Tư Lụm. “Lụm là lụm lặt, lụm mót đó mà. Cha mẹ tui đặt vậy từ thuở miệt này trầu còn xanh ngút ngàn khắp chốn kìa…”.

Xong, dì thoăn thoắt lấy lá trầu têm cho tôi coi cách têm trầu cánh phượng của người Nam, rất nhanh và thuần thục. Giơ miếng trầu đã têm, dì nói: “Ở xứ Bà Điểm chủ yếu là têm trầu kiểu bánh ú, ít ai têm trầu cánh phượng. Trầu cánh phượng người Nam têm đơn giản hơn, chỉ có 2 cánh. Chớ trầu cánh phượng kiểu người Bắc têm thì phải 9 cánh luôn đó nghen. Đẹp mà khó hơn nhiều!”. Dì cười nhỏn nhoẻn rồi chìa cánh trầu đã têm, nói: “Nè, chụp tấm hình về làm kỷ niệm”.
Rời chợ, tôi tạt vào một vườn trầu khá rộng của ông Năm Lắc (74 tuổi, tên thật là Lê Văn Lắc). Xanh um trầu, mát mẻ như không còn cái nắng đâu nữa. Ông Năm nhẩn nha kể: “Hồi trước vùng này chuyên trồng trầu bán về miệt Chợ Lớn. Dân ăn trầu người Việt hay Việt gốc Hoa mê trầu xứ này, vì cay mà dịu chớ không quá nồng. Trầu Bà Điểm nói riêng hay trầu các thôn khác vùng Hóc Môn là được chuộng nhất, vì xứ này có loại đất thích hợp với cây trầu. Dây trầu dẻo dai, lá trầu xanh ngắt. Gia tộc tui sống ở đây đã ba đời, đều trồng trầu mà sống. Nhiều nơi họ đã bỏ cây trầu, riêng tui vẫn giữ”.

Vườn trầu ông Năm hiện tại rộng khoảng 1.500 m2, trồng “1 thiên” trầu (1.000 gốc) và xen giữa là những hàng cau vút ngọn. “Ngày xưa 10 nhà thì đã có 9 nhà trồng trầu, một nhà trồng vài ba thiên là thường. Có nhà đất rộng trồng cả chục thiên. Trầu cứ vươn lên cao, hái hết lá thì kéo dây trầu xuống, vòng quanh trụ, vùi đất lên là mầm trổ ra, lại cứ leo lên miết vậy. Năm này sang năm khác, cứ tưới đều đừng để khô nước và làm sạch cỏ là có lá để hái quanh năm”, ông Năm chia sẻ.

Trồng trầu đơn giản vậy sao người ta bỏ hết vậy chú Năm? Tôi hỏi, ông cười nhẹ nhưng có vẻ ưu tư: “Đô thị hóa rồi. Xẻ đất cho con cái ra riêng, xây phòng trọ cho thuê thu nhập nhiều hơn, khỏi phải lo mưa nắng nên nhiều nhà bỏ nghề. Vậy thôi!”.

Sự ưu tư ấy của ông được bà Tư Lớn (tên là Nguyễn Thị Lớn), vợ ông Năm chia sẻ. Bà kể: “Xưa trồng trầu hay hái cho mấy bà lớn tuổi quanh xóm. Nay thì lớp ăn trầu cũng “đi” hết cả rồi. Nhiều khi hái nắm trầu cầm trong tay thấy lửng lơ buồn”. Cũng theo ông Năm, chính quyền cũng khuyến khích trồng trầu trở lại, nhưng hết đất rồi không biết trồng đâu, nên có quy hoạch một khoảnh rộng ở gần Ngã Ba Giồng, nơi có trường bắn xưa Pháp xây dựng, để trồng mấy khoảnh trầu cho con cháu đỡ nhớ nguồn cội. “Trầu ở trển vẫn lên xanh, nhưng trầu vườn như nhà tui đây gần với người trong gia đình nên vẫn cứ vươn lên mãi. Tui tuổi đã già nhưng vẫn nhắc nhủ sắp nhỏ dù khó khăn mấy cũng phải giữ vườn”.

Trong nắng, lẫn với tiếng gió xào xạc hàng cau, giọng ông Năm nghe đượm vẻ xa xôi hoài niệm!



Nguồn