[ad_1]
Dùng đất đá than thải làm vật liệu san lấp mang lại nhiều lợi ích, tuy nhiên địa phương cần tổ chức khai thác an toàn và có sự giám sát của Bộ Tài nguyên Môi trường, theo PGS.TS Nguyễn Phương.
Hàng năm loạt mỏ than trên địa bàn Quảng Ninh đổ ra các bãi thải khoảng 150 triệu m3 đất đá, chiếm dụng hàng nghìn ha đất ở TP Hạ Long, Cẩm Phả… theo thời gian, khối lượng đất đá tại các bãi thải rất lớn, có những bãi chứa vài chục triệu m3 đất đá, chất cao như núi. Tỉnh Quảng Ninh đang lên phương án khai thác những “núi than thải” này làm vật liệu san lấp mặt bằng các dự án, công trình trên địa bàn.
VnExpress phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Phương (Khoa Môi trường, Đại học Mỏ – Địa chất) xung quanh vấn đề nêu trên.
– Từ góc độ chuyên gia môi trường, ông nhìn nhận như thế nào về việc sử dụng đất đá thải ra từ mỏ than làm vật liệu san lấp mặt bằng?
– Các nghiên cứu cho thấy việc này mang lại nhiều lợi ích. Trước hết nó giải quyết nhu cầu về vật liệu san lấp đang rất lớn của tỉnh Quảng Ninh. Trong khi nhiều núi than thải ở tỉnh này ngày càng chất cao, không được sử dụng vào việc gì mà lại ảnh hưởng đến môi trường, thì nhu cầu sử dụng vật liệu san lấp để làm đường, lấn biển phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế, du lịch ở Quảng Ninh những năm vừa qua và thời gian tới là rất lớn, bình quân khoảng 130 triệu m3 mỗi năm.
Lâu nay để có vật liệu san lấp, nhiều ngọn núi, quả đồi đã bị xẻ dẫn tới mất cảnh quan, đây là một điều không nên nhất là với một địa phương có thể mạnh về cảnh quan du lịch như Quảng Ninh.
Như vậy sử dụng núi than thải làm vật liệu san lấp không chỉ giải quyết vấn đề nguồn vật liệu mà còn bớt đi được nguy cơ gây mất cảnh quan như đã nói ở trên.
Thứ hai, việc này sẽ hạn chế được vấn đề mất diện tích đất phục vụ đổ thải. Có thể thấy trên thực tế diện tích đất các bãi thải ở Quảng Ninh rất lớn, lên đến hàng nghìn ha. Diện tích này có thể làm được nhiều việc như xây công viên, khu du lịch, trồng rừng, quy hoạch sân golf…
Thứ ba, khi đất đá thải này được sử dụng, vận chuyển đi nơi khác sẽ chấm dứt mối lo về “quả bom” trên đầu các khu dân cư gần núi thải mỗi mùa mưa đến vì nguy cơ sạt lở. Trên thực tế đã có nhiều vụ sạt lở ở các núi thải than này, đặc biệt là trận lũ năm 2015, nước lũ cùng với chất thải tràn xuống khu dân cư khiến cuộc sống người dân đảo lộn.
Nhiều lợi ích như vậy, tuy nhiên không phải cứ thế múc đất đá thải này sử dụng là có thể đảm bảo an toàn, mà cần phải có những căn cứ về mặt khoa học, cũng như phương pháp vận chuyển đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.
– Như ông vừa nói có rất nhiều lợi ích, song vì sao lâu nay việc dùng đất đá thải than làm vật liệu san lấp không được thực hiện?
– Đất đá thải than hàng chục năm qua chưa được sử dụng làm vật liệu san lấp mà chỉ đổ thành từng núi, vì trước 2010, Luật Khoáng sản chưa đề cập đến việc sử dụng đất đá thải này nên không có cơ sở để thực hiện.
Sau năm 2010, luật cho phép UBND cấp tỉnh được cấp giấy sử dụng chất thải ở các mỏ, bãi thải đã ngừng hoạt động, còn Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép cho các bãi đang hoạt động. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các bãi thải đều đang hoạt động, vì mỗi bãi thải không chỉ là nơi chứa đất đá thải cho một mỏ mà thường từ ba bốn mỏ. Chính vì vậy, tỉnh Quảng Ninh đang đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường ủy quyền cho tỉnh cấp phép để đẩy nhanh tiến độ giải quyết các hồ sơ, thủ tục liên quan.
Tôi cho rằng không thể uỷ quyền cho tỉnh Quảng Ninh thực hiện việc lấy đất đá thải này, vì như thế sẽ trái với luật hiện hành. Ở đây cần cách tiếp cận thận trọng hơn. Các bên liên quan nên ngồi lại với nhau xây dựng cơ chế phối hợp giữa trung ương và địa phương để có phương án sử dụng tốt nhất, vừa giải quyết nhu cầu cấp thiết, vừa đảm bảo giám sát theo đúng tinh thần “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”.
– Làm thế nào để đảm bảo sử dụng đất đá thải mỏ than này an toàn về môi trường?
– Đất đá thải của quá trình khai thác than có thể còn than, Sunfua, Pyrit…, nếu chúng ta cứ thể sử dụng mà không khảo sát thì những chất này có thể gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là đối với hoạt động san lấp, lấn biển. Chất than sẽ khiến ô nhiễm nguồn nước, nước biến đổi màu; Sunfua, Pyrit khi gặp nước sẽ gây ra quá trình oxi hóa.
Theo các khảo sát trước đây thì đất đá thải than ở Quảng Ninh không có hoặc còn rất ít các chất trên. Tuy nhiên, không loại trừ một số khu vực các chất trên có chỉ số cao hơn, nếu để nguyên như vậy không sao nhưng cấp phép mang đi nơi khác san lấp thì việc đảm bảo an toàn môi trường phải được đặt lên hàng đầu
Vì vậy, việc đầu tiên cần làm để khai thác được các núi than thải là tiến hành đánh giá sơ bộ, phân loại. Việc đánh giá không nhất thiết phải bài bản như trong thăm dò mỏ khoáng sản làm vật liệu san lấp, nhưng cũng cần phải nắm được tổng trữ lượng bãi thải là bao nhiêu, khu vực này có phóng xạ, trong đất đá còn than, Sunfua, Pyrit hay không.
Người ta có thể khoan một vài lỗ vào bãi thải, lấy mẫu ở các mức khác nhau để phân tích. Việc đánh giá sơ bộ phải được thực hiện theo từng vùng, từng bãi thải để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Thực tế chi phí cho việc này không cao và dễ thực hiện nên triển khai không khó.
Khi xác định được bãi thải không có các chất trên thì có thể sử dụng san lấp như vật liệu bình thường. Với những điểm có các chất trên, cần phải sàng lọc để loại bỏ các chất này trước khi sử dụng.
– Cơ quan quản lý lo lắng việc vận chuyển đất đá từ bãi thải đến công trường san lấp sẽ gây bụi, ô nhiễm. Theo ông, giải pháp là gì?
– Phương án vận chuyển tốt nhất là dùng băng chuyền đưa đất đá thải từ bãi ra các tàu, sau đó đi bằng đường thuỷ đến nơi san lấp. Phương án này đảm bảo sẽ không gây bụi, mất an toàn với các khu dân cư. Tuy nhiên hạn chế của phương án này là mức đầu tư lớn, nếu chỉ khai thác một hai bãi thải ở quy mô nhỏ sẽ không hiệu quả kinh tế.
Ở Quảng Ninh các mỏ than đều gần biển, đường sông nên tôi nghĩ phương án này rất khả thi, chỉ cần cấp phép sử dụng ở diện tích lớn để khi đưa bài toán kinh tế vào sẽ không bị thua lỗ.
Phương án thứ hai với chi phí ít hơn là sử dụng ôtô vận chuyển bằng đường bộ, như đang thực hiện với việc vận chuyển than. Phương án này sẽ ít nhiều tác động đến các khu dân cư nhưng vẫn có cách để giảm mức ảnh hưởng. Đó là sử dụng phương tiện giao thông sẵn có ở các khu mỏ, khi xe ra ngoài đường cần phải che chắn, phun sương xe rửa đường để tránh bụi bẩn.
Gia Chính
[ad_2]