Ba mối đe dọa với các nền kinh tế mới nổi năm 2022

[ad_1]

Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ, kinh tế Trung Quốc chậm lại và biến thể Omicron là ba rủi ro lớn với các thị trường mới nổi năm sau.

Sự xuất hiện của biến thể Omicron đã làm dấy lên làn sóng bán tháo trên thị trường tài chính tuần qua. Giới đầu tư lo ngại chủng virus mới có khả năng lây nhiễm cao sẽ cản trở đà phục hồi của kinh tế thế giới.

Nếu may mắn, giới chức có thể kiểm soát Omicron. Tuy nhiên, sự gián đoạn do biến chủng mới của Covid-19 gây ra cũng chỉ là một trong 3 yếu tố đáng gờm có khả năng khuynh đảo các nền kinh tế mới nổi năm 2022. Hai mối nguy còn lại là chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ và tốc độ tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc.

Đầu tiên, hãy xét đến chính sách tiền tệ của Mỹ. Thị trường vừa trải qua cú sốc về Omicron thì tiếp tục nhận tin Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết Fed có thể đẩy nhanh kế hoạch giảm quy mô mua lại tài sản. Với vai trò của đồng USD và trái phiếu kho bạc Mỹ trong hệ thống tài chính toàn cầu, động thái của Fed có thể tác động đến tâm lý của nhà đầu tư với tài sản rủi ro. Theo đó, dòng vốn đổ vào các thị trường mới nổi sẽ có xu hướng giảm dần. Đồng USD sẽ mạnh lên, do vai trò của nó trong dòng chảy thương mại toàn cầu.

Để đánh giá xem nơi nào phải đối mặt với sức ép lớn nhất từ việc Fed đang thắt chặt chính sách, The Economist đã thu thập dữ liệu vĩ mô của 40 nền kinh tế mới nổi. Thâm hụt tài khoản vãng lai lớn, mức nợ cao (đặc biệt là nợ nước ngoài), lạm phát tràn lan và dự trữ ngoại hối thiếu hụt là những chỉ số có thể gây rắc rối cho các quốc gia, nếu dòng vốn đảo chiều do Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ.

Thang điểm 40 là tổn thương cao nhất, tương ứng với màu càng đỏ. Đồ họa: The Economist

Thang điểm 40 là tổn thương cao nhất, tương ứng với màu đỏ. Đồ họa: The Economist

Kết hợp các thông số này của các quốc gia sẽ tạo ra “chỉ số dễ bị tổn thương” (Vulnerability Index). Kết quả là một số thị trường sẽ gặp rắc rối nghiêm trọng. Ví dụ như Argentina, quốc gia đứng đầu danh sách về chỉ số này. Họ phải đối mặt với lạm phát trên 50% và khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng.

Các chỉ số cơ bản của Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ tốt hơn một chút, nhưng rủi ro của họ tăng thêm do chính phủ kiên quyết muốn hạ lãi suất khi giá cả tăng vọt. Đồng lira năm nay đã mất giá 45% so với đôla Mỹ.

Yếu tố nguy hiểm thứ hai đến từ nền kinh tế đang chậm lại của Trung Quốc. Khi Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, các nhà xuất khẩu trên thế giới sẽ thiệt hại. Nhìn chung, họ là nước tiêu thụ nhôm, than đá, bông và đậu nành lớn nhất thế giới. Không những vậy, Trung Quốc còn là nhà nhập khẩu chính của nhiều mặt hàng, từ thiết bị cơ bản đến rượu vang.

The Economist cũng tiến hành xếp hạng 40 nền kinh tế mới nổi như trên, theo tiêu chí GDP của họ phụ thuộc ra sao vào giao thương với Trung Quốc, để tạo ra chỉ số mức độ dễ bị tổn thương vì kinh tế nước này (China Vulnerability).

Nhiều nước xuất khẩu lớn sang Trung Quốc, như Việt Nam, đang là những mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, họ sẽ không gặp khó khăn khi Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, miễn là người Mỹ tiếp tục mua sắm và quan hệ thương mại Trung-Mỹ vẫn ổn định. Vì các nước này cung ứng nguyên vật liệu cho Trung Quốc sản xuất hàng đi Mỹ.

Trong khi đó, chịu rủi ro lớn hơn là những nước xuất khẩu sản phẩm cho tiêu thụ tại Trung Quốc. Đó có thể là thực phẩm hay nguyên vật liệu xây dựng.

Kết hợp hai thước đo mức độ dễ bị tổn thương do Mỹ thắt chặt chính sách và Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, chúng ta sẽ thấy các nền kinh tế mới nổi nào chịu rủi ro do biến động của một trong hai siêu cường này. Thậm chí, có vài nước nhiều khả năng chịu tác động lớn của cả hai, như Brazil và Chile.

Ví dụ, bất chấp mức nợ cao và lạm phát tăng vọt, giá hàng hóa nguyên liệu cao đã giúp Brazil duy trì niềm tin của nhà đầu tư. Nhưng nền kinh tế Trung Quốc đang suy yếu có thể tước đi lợi ích đó của Brazil. Trung Quốc là nơi thu mua nguyên vật liệu rất lớn cho Brazil. Vì vậy, nếu kinh tế Trung Quốc trật bánh, tiền tệ Brazil có thể lao dốc, lạm phát tăng tốc và kinh tế rơi vào khủng hoảng.

Thế giới từng phải đối mặt với sức ép tương tự. Vào giữa những năm 2010, các thị trường mới nổi mong manh chịu cú sốc đồng USD tăng giá, khi Fed rút hỗ trợ tiền tệ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu. Cùng lúc đó, sự yếu kém trong quản lý thị trường tài chính và thắt chặt tín dụng khiến Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Tăng trưởng ở các thị trường mới nổi, ngoại trừ Trung Quốc, giảm từ 5,3% năm 2011 xuống chỉ còn 3,2% năm 2015.

Sức ép tổng hợp lần này gần như chắc chắn sẽ tệ hơn. Điều đó một phần là do Fed được cho là sẽ thắt chặt chính sách nhanh hơn so với những năm 2010. Trung Quốc cũng có nguy cơ khó khăn hơn so với nửa thập kỷ trước. Hầu hết nhà kinh tế cho rằng tăng trưởng của họ sẽ chậm lại, còn 4,5-5,5%, trước cả khi Omicron xuất hiện. Nếu không tính năm 2020, thì đây sẽ là tốc độ tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1990.

Mối nguy hiểm thứ ba với các thị trường mới nổi năm sau chính là sự lây lan của Omicron và nguy cơ xuất hiện các biến thể khác nữa trong tương lai. Vẫn còn rất ít thông tin về mức độ nguy hiểm của Omicron. Nhưng thế giới mới nổi vẫn đặc biệt dễ bị tổn thương bởi sự bùng phát của Covid-19. Các nước nghèo vẫn có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn nước giàu.

Chỉ một phần mười dân số châu Phi đã được tiêm một mũi, ít hơn so với tỷ lệ người Mỹ đã đã tiêm mũi thứ ba. Trong nhóm 40 quốc gia mới nổi mà The Economist theo dõi, tỷ lệ tiêm chủng đặc biệt thấp ở Ai Cập và Pakistan. Đây cũng chính là hai quốc gia rất dễ bị tác động bởi việc thắt chặt tiền tệ của Mỹ.

Sự lây lan của một biến thể mới mà các loại vaccine hiện tại không có nhiều hiệu quả sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ cho các nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch. Nói rộng hơn thì ngân sách của các nước này không đủ khả năng chi tiêu thêm nhằm tiếp tục cứu ngành du lịch.

Sự kết hợp của 3 rủi ro nói trên sẽ khiến kinh tế các nước nghèo chật vật hơn nữa. Dòng vốn rút đi khi Fed thắt chặt chính sách có thể khiến các chính phủ thị trường mới nổi gặp khó khăn khi đối mặt với những đợt bùng phát mới.

Các đợt phong tỏa cục bộ do Omicron ở Trung Quốc có thể giáng một đòn nữa vào các nhà xuất khẩu ở thị trường mới nổi. Trong khi đó, các quốc gia phụ thuộc vào du lịch ở Đông Nam Á, từng là điểm đến nổi tiếng của du khách Trung Quốc, có thể sẽ còn đìu hiu thêm một thời gian nữa.

Phiên An (theo The Economist)

[ad_2]