[ad_1]
Mai Diễm Phương là ca sĩ châu Á đầu tiên được Dior tài trợ trang phục dòng Haute couture để biểu diễn.
Ngày 12/11, phim điện ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của Mai Diễm Phương ra rạp. Tác phẩm tái hiện nhiều khoảnh khắc thời trang của huyền thoại nghệ thuật Hong Kong. Trên trang Mings-fashion, ông Peter Cheung, từng là Giám đốc Quan hệ công chúng của Dior tại Châu Á – Thái Bình Dương, nói về sự hợp tác giữa minh tinh và nhà mốt, gọi đây là mối duyên hoa lệ. Dưới đây là bài viết của Peter Cheung.
“Năm 2001, tôi gia nhập Dior. Tôi nhớ thời đó, trong vòng nửa năm, tôi trải qua ít nhất 15 lần phỏng vấn mới được nhận. Sau khi vào nhà mốt, tôi có cơ hội gặp và làm việc với John Galliano (Giám dốc sáng tạo của Dior giai đoạn 1997-2011), thực hiện được ước mơ của mình.
Sáng tạo bay bổng, sự kết hợp độc đáo các yếu tố văn hóa của Galliano từng làm thay đổi diện mạo làng thời trang. Thiết kế của Dior trước đây cực kỳ trang nhã, thậm chí quá thanh tao, quá thục nữ. John Galliano nổi tiếng đình đám nhưng làn gió ông thổi vào thương hiệu từng gây không ít tranh cãi. Phong cách của Galliano đôi khi khiến khách hàng bối rối. Là giám đốc mới, tìm một ngôi sao nữ có thể làm chủ được phong cách của Galliano, không phải việc dễ.
Ít lâu sau, bạn tôi – Marianne Wong (bấy giờ là quản lý của Mai Diễm Phương) – liên lạc đề nghị hợp tác. Diễm Phương vốn là ngôi sao tiên phong trong thời trang, nhưng trước đó Dior chưa hợp tác với các ngôi sao châu Á. Lúc đó, Châu Á – Thái Bình Dương còn là thị trường nhỏ với nhà mốt. Tôi không dám chắc cấp trên có tán thành hợp tác.
Cấp trên của tôi bấy giờ không quen Mai Diễm Phương, cho rằng cô ‘không mấy xinh đẹp’, lại không trẻ trung. Tôi thuyết phục sếp để tôi thử, quan sát phản ứng xung quanh.
Lần đầu chúng tôi gửi trang phục cho Mai Diễm Phương là năm 2001, để cô dự tiệc của giới thượng lưu. Đó cũng là lần đầu tôi gặp ca sĩ. Bấy giờ, tôi hơi run trước Mai Diễm Phương nhưng cô ấy rất thân thiện, còn quay vòng để tôi ngắm nghía bộ đồ. Trang phục của Mai Diễm Phương ở sự kiện được truyền thông cùng nhiều khách hàng khen ngợi.
Không phải ai cũng có thể làm bật được vẻ đẹp thiết kế của Galliano. Mai Diễm Phương và Dior thực sự là sự kết hợp trời định. Kể từ đó, mỗi lần xuất hiện, trang phục của Mai Diễm Phương đều do chúng tôi tài trợ. Quá trình làm việc vô cùng thuận lợi. Vóc dáng Mai Diễm Phương không thua người mẫu, nhờ thế cô có thể mặc bất kỳ mẫu nào, thậm chí không cần sửa. Giai đoạn đó, thiết kế trong bộ sưu tập Street Chic rất hiện đại và gợi cảm, đi kèm nhiều nội y. Diễm Phương làm chúng trở nên độc đáo.
Sau một, hai mùa, trụ sở ở Paris bắt đầu để ý tới Mai Diễm Phương, đưa ảnh cô cho Galliano. Trước đây, ông ấy không có hứng thú tài trợ trang phục cho người nổi tiếng châu Á nhưng với Mai Diễm Phương, Galliano thấy tò mò.
Năm 2002, Mai Diễm Phương chuẩn bị làm show Đêm nhạc huyền diệu, Marianne nói với tôi họ đang thay đổi phong cách cho nữ ca sĩ. Tôi đưa tất cả thiết kế cho họ chọn. Nhưng Diễm Phương và Marianne đặt bài toán khó với tôi: Cô ấy muốn mặc Haute couture.
Cho nghệ sĩ mượn trang phục Haute couture độc nhất vô nhị, giá thành đắt đỏ là điều chưa có tiền lệ. Vậy mà họ không những muốn có một bộ mà là nhiều bộ. Từ trước đến nay, kể cả người nổi tiếng ở Hollywood, đều chưa từng mượn chúng tôi, đừng nói là mặc để diễn liveshow. Marianne giục giã liên tục còn tôi không dám chắc phía trụ sở chính ở Paris sẽ phản ứng thế nào.
Kết quả, nhà mốt đồng ý để Mai Diễm Phương mặc ba bộ Haute couture, đây là quả thực là điều vượt dự đoán của tôi. Đó là lần đầu một nghệ sĩ châu Á mặc đồ dòng Haute couture của Dior, mỗi chiếc chỉ có một trên thế giới. Bấy giờ, tôi xem liveshow của ca sĩ, cảm giác choáng ngợp. Cô ấy mang lại hiệu ứng tuyệt vời. Có bộ nặng khoảng 30 kg mà cô ấy có thể vừa đi vừa hát nhẹ nhàng, khoan thai trên sân khấu.
Phía nhà mốt, đặc biệt là Galliano, tán dương Mai Diễm Phương. Mỗi sự kiện của Dior, cô ấy đều ủng hộ. Năm 2003, Diễm Phương tới Paris xem show, gặp John Galliano. Cùng năm, chúng tôi giúp Mai Diễm Phương mượn nhiều bộ Haute couture cho show Kim khúc kinh điển. Các bộ váy khổng lồ, riêng hộp đựng đã đặt kín phòng làm việc và phòng trưng bày của hãng ở Hong Kong.
Trước đêm diễn tập, khoảng 2h sáng, tôi nhận cuộc gọi từ Marianne. Không bộ đồ Haute couture nào vừa với Mai Diễm Phương vì cô ấy gầy đi nhiều do điều trị ung thư cổ tử cung. Sau đó, tôi báo với hãng về tình trạng của Mai Diễm Phương. Cộng sự ở Paris nói cần hỏi ý kiến Galliano, hứa phản hồi nhanh nhất. Vài tiếng sau, họ nói lập tức gửi bảy, tám bộ Haute couture tới Hong Kong. Tôi vui không thể tả, bảo họ gửi tới nơi biểu diễn luôn để khỏi lãng phí thời gian.
Nhìn Mai Diễm Phương trên sân khấu, cảm giác xúc động của tôi không thể diễn đạt thành lời. Tôi cảm kích vì quen biết Mai Diễm Phương. Chỉ hợp tác với cô ấy gần ba năm, tôi học được thế nào là dấu ấn thời trang vĩnh cửu. Từ lần đầu hợp tác năm 2001 tới liveshow cuối cùng năm 2003, cô ấy hầu như chỉ mặc Dior. Chúng tôi làm việc với nhau, chẳng có hợp đồng nào, chẳng có bất kỳ giao dịch tiền bạc nào, nhưng chúng tôi luôn nghĩ tiếp tục hợp tác.
Kết thúc đêm diễn, Marianne gọi điện mời tôi ở lại mừng liveshow thành công, tôi từ chối vì phải đưa mẹ về nhà. Có giai đoạn, tôi rất nuối tiếc vì không ở lại để nhìn Mai Diễm Phương lần cuối. Nhưng bây giờ, tôi nghĩ, hình ảnh cuối cùng mà tôi muốn lưu giữ là khi Mai Diễm Phương mỉm cười trước vô vàn tiếng hoan hô dưới khán đài”.
Theo Madamefigaro, Mai Diễm Phương biến hóa trong thời trang. Cô từng nói: “Mỗi phút, tôi đều suy nghĩ về hình ảnh mới mẻ để gặp khán giả”.
Sinh thời, Mai Diễm Phương hoạt động sôi nổi hai lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh, gặt hái nhiều thành tựu và được khán giả gọi là “Con gái của Hong Kong”. Trong mảng điện ảnh, Mai Diễm Phương lưu dấu ấn với Bán sanh duyên, Đại náo phố Bronx, Túy quyền 2, Trường học uy long 3, Tế Công, Xẩm xử quan, Bản sắc anh hùng 3, Yên chi khâu… Cô từng đoạt danh hiệu Nữ diễn viên chính xuất sắc tại hai giải lớn nhất làng phim Hoa ngữ là Kim Mã, Kim Tượng. Minh tinh qua đời năm 2003 vì bệnh ung thư.
Nghinh Xuân (theo Mings-fashion)
[ad_2]