[ad_1]
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung sẽ trả lời chất vấn của các đại biểu, ngày 10/11.
Theo chương trình, ông Nguyễn Thanh Long đăng đàn vào sáng nay. Đây là lần đầu tiên ông Long trả lời chất vấn tại nghị trường.
Bộ trưởng Y tế sẽ giải trình, làm rõ các nội dung về công tác phòng, chống dịch Covid-19, chiến lược vaccine; việc bảo đảm nguồn cung và quản lý giá xét nghiệm, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế, sinh phẩm; giải pháp giảm thiểu sự chênh lệch chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các tuyến, các vùng, miền và nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là ở các vùng khó khăn; định hướng đào tạo, sử dụng và chế độ đặc thù cho đội ngũ cán bộ y tế.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng các Bộ: Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ; Tổng Thanh tra Chính phủ, Tổng Kiểm toán Nhà nước cùng tham gia trả lời chất vấn.
Người thứ hai đăng đàn lúc 14h20 chiều cùng ngày là Bộ trưởng Lao động, Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung. Ông Dung sẽ trả lời nhóm vấn đề về việc thực hiện các gói hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; công tác bảo vệ quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em mồ côi do đại dịch; thực trạng và nguyên nhân người lao động rời TP HCM và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam trong nhiều đợt.
Ông Đào Ngọc Dung cũng sẽ giải trình các giải pháp tháo gỡ những khó khăn của thị trường lao động theo diễn biến của dịch; chính sách thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc và giải pháp hỗ trợ, giải quyết việc làm đối với lực lượng lao động bị mất việc; việc chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan theo dõi, kiểm tra việc cứu trợ, thiện nguyện bảo đảm đúng chế độ, chính sách.
Tham gia trả lời các nội dung trên có Phó thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Trong ngày chất vấn thứ 2 (11/11), Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội và các thành viên Chính phủ liên quan có thêm 50 phút tiếp tục trả lời chất vấn. Sau đó, Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn là thành viên Chính phủ thứ 3 trả lời chất vấn.
Đây cũng là lần đầu tiên lãnh đạo ngành Giáo dục trả lời chất vấn trước Quốc hội. Nhóm vấn đề dành cho ông là việc bảo đảm chất lượng dạy và học, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo trong điều kiện dịch Covid-19; công tác dạy và học trực tuyến; việc giảm tải chương trình học cho học sinh; thu hẹp khoảng cách về giáo dục giữa thành thị và nông thôn, đặc biệt là vùng xa; công tác an toàn trường học, y tế học đường để học sinh, sinh viên có thể trở lại trường học; phương án tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia trong bối cảnh dịch bệnh.
Cùng tham gia giải trình có Phó thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Lao động, Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông.
Từ 14h55 ngày 11/11, Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Lĩnh vực ông phải giải trình gồm giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh tình hình mới; các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ông Dũng cũng sẽ trả lời về công tác chuẩn bị đầu tư, việc phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 và kế hoạch năm 2021; giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và các dự án trọng điểm quốc gia; tiến độ thực hiện các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển.
Các Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Theo chương trình, từ 9h50 đến 11h20 sáng 12/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là người điều hành toàn bộ các phiên chất vấn tại kỳ họp.
Hoạt động chất vấn thực hiện theo hình thức “hỏi nhanh, đáp gọn”. Mỗi lượt sẽ có 3-5 đại biểu đặt câu hỏi, mỗi đại biểu nêu chất vấn không quá một phút; người trả lời chất vấn sẽ giải đáp không quá 3 phút cho một câu hỏi, trường hợp đại biểu Quốc hội không đồng ý với câu trả lời thì có thể sử dụng bảng đăng ký tranh luận, thời gian tranh luận không quá 2 phút.
Thông tin tranh luận được yêu cầu “chính xác, đúng phạm vi chất vấn; không đăng ký tranh luận để đặt câu hỏi chất vấn và không tranh luận giữa các đại biểu với nhau”.
[ad_2]