BÊ TÔNG TRẦN, HOÀI VỌNG TỪ MỘT CHẤT LIỆU

 

 

 

 

Bê-tông trần biểu lộ tính chính xác, chân thực của khoa học, với những khoảng trống ngụ ý môi trường phóng khoáng cho sự sáng tạo.

Dường như đại dịch Covid -19 đã khẳng định quan điểm của chuyên gia dự báo hàng đầu thế giới Li Edlkoort: “Virus Corona tặng chúng ta trang giấy trắng cho khởi đầu mới”.

Với ngành nghề này có thể là tái xác định lại nguồn tài nguyên, dòng nhân lực để gượng dậy sau khủng hoảng; lĩnh vực kia định nghĩa xem giá trị của lợi nhuận hay tính mạng con người cao hơn; còn với những người làm nghề kiến trúc, có lẽ việc chậm rãi ngắm nhìn lại những tuyệt tác ghi dấu trong lịch sử kiến trúc thế giới sẽ khiến không ít nhà chuyên môn phải suy ngẫm về khái niệm “bền vững” không chỉ như một xu hướng gần đây được nhắc đến một cách thời thượng.

Bên cạnh vô số tiêu chí về kinh tế kỹ thuật để khẳng giá trị của một công trình xây dựng – kiến trúc, chất lượng và mỹ cảm của vật liệu xây dựng luôn là điều kiện cần và đủ. Và giữa “rừng” chất liệu từ truyền thống đến hiện đại, hãy thử cùng nhau quay về nhìn lại, chiêm ngắm từ những khối hình bằng bê tông trần của 2 trong số những kiến trúc sư hàng đầu thế giới, Louis I. Kahn và Pier Luigi Nervi, để rồi đặt ra không ít câu hỏi được hoài vọng đã lâu.

Cấu trúc mái bê-tông cốt thép liền khối che phủ 77,7m2, cao 57,9m. Đáng ngưỡng mộ bề mặt “hoạ tiết đan giỏ” này tưởng như nhằm “trang trí nội thất” nhưng kỳ thực là chi tiết của kỹ thuật thi công phần khung.

“Bê-tông là một sinh thể sống nhờ vào khả năng tự thích ứng vào bất kỳ hình dáng, yêu cầu, sức tải nào.” – Pier Luigi Nervi

Các giải pháp kết cấu mang đồng thời tính hợp lý của kỹ thuật tạo nhịp vòm lớn hoành tráng với nhận diện đặc trưng xử lý khối dáng trong thiết kế của Nervi.

Chắc chắn biên niên sử kiến trúc hiện đại phải dành chỗ trang trọng cho bê-tông (cốt thép) bởi nó góp phần hình thành những không gian mê hoặc, từ các tạo hình đơn giản nhất đến phức tạp nhất, phù hợp cho mọi hình khối, bề mặt mà kiến trúc sư có thể tưởng tượng được. Dẫu rắn chắc phẳng phiu hay uyển chuyển linh hoạt, từ hoành tráng vút bay đến tinh vi thâm trầm… thì dùng bê tông và khai thác đúng đặc tính của nó luôn đồng nghĩa với sự cân nhắc tinh tế khi thiết kế, quan tâm nhiều đến thẩm mỹ của công trình cả nội lẫn ngoại thất.

Cây thánh giá cao 16,7m bằng vàng được treo từ kết cấu mái. Luồng ánh sáng ấn tượng đổ trên đỉnh thánh giá là nguồn sáng nhân tạo duy nhất cảm nhận được bên trong thánh đường.

Pier Luigi Nervi (1891-1979) là một kiến trúc sư, kỹ sư, nhà xây dựng đa tài người Ý, được đánh giá một trong những nhà ứng dụng bê-tông cốt thép vào công trình sáng tạo bậc nhất của thế kỷ 20. Ông từng giảng dạy kỹ thuật tại Đại học Rome (1946-1961) và được biết đến trên toàn cầu là một kỹ sư – kiến trúc sư thiết kế công trình vượt nhịp lớn mang vẻ đẹp kết cấu ngoạn mục. Năm 1964, ông được Viện Kiến trúc sư Hoa kỳ trao huân chương vàng danh giá với các công trình tiêu biểu: cao ốc Pirelli, Milan; sân vận động Palazzetto, Rome; nhà ga George Washington Bridge, New York; Thánh đường Thánh Mary, California.

Không ít công trình dân dụng và công nghiệp khi phô diễn “hiệu quả bê tông trần” hiện nay đã… không hề khai thác đúng nghĩa bản chất và hiệu năng về cấu trúc chịu lực, chống thấm, cũng như mỹ cảm của vật liệu này. Khi người ta chỉ chăm chăm vào độ xám hay mặt sần mang tính tô vẽ, chất thô ráp hay vẻ mạnh mẽ bên ngoài của bê tông, người ta sẽ có thể làm mọi cách để che phủ dặm vá nhằm tạo ra hiệu ứng muốn có. Và khi đó, bản chất tương tác đúng đắn với chất liệu sẽ mất đi, chỉ còn là những màn “múa minh họa” giả tạo, mau chóng nhạt phai và bộc lộ đủ thứ khuyết điểm trước thời tiết và trong sử dụng.

Tạp chí Architectural Digest xếp Thánh đường này vào danh sách 10 công trình nhà thờ đẹp nhất Hoa Kỳ. Nhờ vào hiệu ứng ánh sáng “siêu thực” trên tranh kính và khung cửa, thiết kế mang đến cảm giác thánh thiện, với không gian phô bày kết cấu bê-tông trần cực kỳ giản dị.
Các bức tường nghiêng cho phép mỗi khối nhà đều có tầm nhìn ra biển; với ô cửa lùa và các tấm kính cố định trong khung gỗ teck.

“Thiết kế không phải là việc làm ra cái đẹp; cái đẹp tự nảy sinh từ sự chọn lọc, thấu cảm, hoà quyện, yêu thương.” – Louis I. Kahn

Kahn đã thử nghiệm với rất nhiều mẫu vật liệu để chọn loại ưng ý nhất. Bộ vật liệu hoàn thiện là sự tương phản giữa gạch có vân, bê-tông trần và các bề mặt mịn và màu sáng như là đá cẩm thạch traventine.


Các ô trống trên các tấm tường bê-tông để lọt ánh sáng tự nhiên đi vào ngụ ý ánh sáng trí tuệ dẫn đến những phát minh – khám phá mới…

Sau nhiều thập kỷ thử thách cùng khắc nghiệt của mưa nắng, những sản phẩm sáng tạo bền vững mang đến cảm xúc đẹp cho người sử dụng lẫn khách thưởng ngoạn đều là những tác phẩm của các bậc thầy trong sử dụng chất liệu, đặc biệt là bê-tông cốt thép để trần. Pier Luigi Nervi và Louis I. Kahn là hai “bậc thầy của những bậc thầy” như thế. Hai tác phẩm Thánh đường Thánh Mary và Viện nghiên cứu sinh học Salk ở California, Mỹ đáng để hậu duệ chiêm ngưỡng và rút tỉa nhiều bài học, ngay cả trong các thiết kế mang tính thời đại hôm nay.

Viện nghiên cứu sinh học Salk là một viện nghiên cứu phi lợi nhuận, nằm ở San Diego, California. Nó được thành lập năm 1960 bởi Jonas Salk, cũng xuất thân từ gia đình Nga gốc Do Thái như KTS Louis Kahn.


Tư liệu lưu trữ cho thấy vật liệu bê-tông ở công trình này được làm với bụi núi lửa dựa theo kỹ thuật Roman xưa; nó tạo nên một sắc màu ấm, ửng hồng nhạt. Hỗn hợp vật liệu này sau đó được rung nén để đảm bảo yêu cầu kết cấu; kết quả là bề mặt tường có những đường vân nhạt một cách tinh tế.

Louis I. Kahn (1901-1974) xuất thân từ gia đình gốc Do Thái, là một trong những kiến trúc sư người Mỹ gây ảnh hưởng bậc nhất từ những năm 1950. Trong thiết kế công trình, Kahn khởi sự tìm kiếm “Hình” của nó, cái cốt lõi bên trong mà ông xem là “phi đo lường”. Một khi “Hình” đã được thụ cảm, nó sẽ tiếp tục được gán các thuộc tính thực tiễn “đo lường được” thông qua “Thiết kế”. Thiết kế của ông thể hiện cụ thể các đặc điểm tích cực của kiến trúc hiện đại – tính minh bạch và biểu hiện cụ thể các chức năng”, tính chân thật của vật liệu và kết cấu. Tác phẩm của ông ghi dấu ấn vượt thời đại nhờ vào vẻ đẹp hoành tráng mà không áp chế người sử dụng, vẻ “nên thơ của ánh sáng,” và tính đa nghĩa ẩn dụ. Viện nghiên cứu sinh học Salk, California cùng các công trình nổi tiếng của ông như bảo tàng nghệ thuật Kimbell, Texas, nhà triển lãm Đại học Yale, Connecticut, trung tâm nghệ thuật Arts United ở Fort Wayne, Indiana… được Viện kiến trúc sư Hoa Kỳ trao huân chương vàng năm 1971, và Viện kiến trúc sư Hoàng gia Anh trao Huân chương vàng Hoàng gia năm 1972.

Bài và ảnh: ThS. KTS VÕ NGỌC LĨNH, HUÂN TÚ



Nguồn