Khởi công xây dựng cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây vào cuối tháng 9/2020


(VNF) – Ban Quản lý dự án Thăng Long, chủ đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây cho biết sẽ khởi công tuyến đường này vào cuối tháng 9/2020. Thời gian hoàn thành dự án dự kiến 24 tháng sau ngày khởi công.


https://www.stockbiz.vn/


Cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây là dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông có chiều dài khoảng 99km.


 


Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Quốc Hùng vừa có buổi khảo sát thực địa công tác giải phóng mặt bằng dự án cao tôc Phan Thiết – Dầu Giây.


 


Dự án đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây có chiều dài khoảng 99km, trong đó đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài 51,5km đi qua các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất và TP. Long Khánh. Để thực hiện dự án, Đồng Nai phải thu hồi diện tích đất khoảng 412ha.


 


Hiện nay công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn 3 địa phương gồm huyện Thống Nhất, Cẩm Mỹ và TP. Long Khánh đã cơ bản hoàn thành. Các cơ quan chức năng hiện cũng đang thực hiện công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật để bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư.


 


Riêng đối với huyện Xuân Lộc là địa phương có diện tích đất thu hồi lớn nhất cũng đã phê duyệt phương án đền bù đối với 723 trường hợp (521 trường hợp thuộc đợt 1 và 202 trường hợp thuộc đợt 2).


 


Hiện nay, UBND huyện Xuân Lộc đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho 531/723 trường hợp. Địa phương cũng đang tiếp tục thực hiện chi trả tiếp tiền bồi thường, hỗ trợ đối với 192 trường hợp còn lại.


 


Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu các địa phương và các đơn vị liên quan phải hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch trước thời điểm cuối tháng 9/2020 cho chủ đầu tư.


 


Theo ông Hùng, các địa phương cần tăng cường vận động người dân thực hiện bàn giao mặt bằng cho dự án. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường giải quyết nhanh các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.


 


Tại buổi khảo sát, Ban Quản lý dự án Thăng Long, chủ đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây cho biết sẽ khởi công tuyến đường này vào cuối tháng 9/2020. Thời gian hoàn thành dự án dự kiến 24 tháng sau ngày khởi công.


 


Được biết, dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây là 1 trong 3 dự án được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình chuyển đổi hình thức đầu tư từ đối tác công-tư (PPP) sang đầu tư công. Dự án được nhận định là cửa ngõ TP. HCM, nên việc chuyển đổi hình thức đầu tư dự án này được cho là sẽ tác động tích cực đến TP. HCM.


 


Chưa khởi công, chi phí GPMB dự án Phan Thiết – Dầu Giây đã tăng gần 1.300 tỷ


Trước đó, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vào tháng 7/2018. Đến tháng 10/2018, dự án được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi.


 


Theo khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt, tổng mức đầu tư cho công tác giải phóng mặt bằng của dự án đoạn qua tỉnh Đồng Nai là hơn 1.400 tỷ đồng.


 


Trong năm 2019, nguồn kinh phí đã bố trí phục vụ cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là hơn 545 tỷ đồng. Đối với năm 2020, nguồn kinh phí phục vụ cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án theo báo cáo của các địa phương là hơn 2.100 tỷ đồng.


 


Như vậy, tính đến nay, tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án Đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đoạn qua tỉnh Đồng Nai là gần 2.700 tỷ đồng. Con số này đã vượt gần 1.300 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu được phê duyệt.


 


Nhận định về nguyên nhân kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án tăng so với tổng mức đầu tư ban đầu, Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cho rằng do giá đất cụ thể để tính toán bồi thường cho các hộ dân có đất bị thu hồi tại địa bàn được áp dụng theo giá đất cụ thể năm 2020.


 


Kéo theo đó, giá đất để hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm cũng áp dụng bảng giá đất năm 2020. Ngoài ra, tại khu vực lõi nút giao tại xã các xã trên địa bàn cũng phát sinh phần diện tích ngoài phạm vi thu hồi của dự án nên phải thực hiện bồi thường cho phần diện tích này.


 


Bên cạnh đó, một số trường hợp người dân có một phần đất thuộc phạm vi dự án bị thu hồi nhưng có đề nghị thu hồi, bồi thường, hỗ trợ luôn cả phần diện tích đất còn lại nằm ngoài phạm vi thu hồi nhưng không thể tiếp tục sử dụng (bao gồm phần tài sản trên đất như nhà cửa, vật kiến trúc, cây trồng, tài sản khác…).


 


Do đó, hội đồng bồi thường dự án phải tính toán, bổ sung cho phần diện tích nằm ngoài phạm vi thu hồi và bổ sung các chính sách hỗ trợ dẫn đến tăng kinh phí bồi thường, hỗ trợ của dự án.


 




Nguồn