Tin tức giáo dục đặc biệt trên báo in ngày mai 20.7.2020 | Giáo dục

Trên báo in Thanh Niên ngày mai 20.7.2020 còn có các tin tức giáo dục đặc biệt được nhiều người quan tâm: Các địa phương cắt trợ cấp thâm niên của giáo viên trong tháng 7 khi bắt đầu thực hiện luật Giáo dục 2019, đúng hay sai?

Đề dễ, điểm cao nhưng vào công lập vẫn gian nan 

Đề thi dễ, điểm cao sẽ nhiều nhưng với đặc thù của kỳ thi tuyển sinh, trong khi số chỉ tiêu tuyển sinh vào trường THPT công lập không tăng nên sức cạnh tranh vào lớp 10 năm nay cũng không vì thế mà hạ nhiệt.
Học sinh các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng vừa kết thúc kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập với tâm lý chung là “thở phào nhẹ nhõm” khi mức độ khó của đề thi năm nay ở tất cả các môn đều giảm so với các năm trước.

Đồng loạt giáo viên của cả 3 môn toán, văn, ngoại ngữ đều dự báo điểm thi năm nay sẽ cao hơn. Tuy nhiên, thầy cô và học sinh đều hiểu rằng “dễ người, dễ ta”. Đề dễ, điểm cao thì đương nhiên điểm chuẩn sẽ phải nâng lên. Đây là kỳ thi tuyển sinh chứ không phải đánh giá tốt nghiệp nên sẽ chọn lọc học sinh có kết quả từ cao xuống thấp để tuyển đủ chỉ tiêu quy định. Chính vì vậy, việc đề thi dễ hay khó thì mức độ cạnh tranh để giành suất vào trường công lập hầu như không vì thế mà hạ nhiệt.

Một chuyên đề trong tin tức đặc biệt trên báo in Thanh Niên ngày mai (20.7) sẽ giúp cho phụ huynh và thí sinh dự đoán được điểm chuẩn của các nhóm trường cũng như mức độ cạnh tranh suất lớp 10 vào trường công.

Bộ GD-ĐT nói gì khi hàng ngàn giáo viên bị ngưng phụ cấp thâm niên?


Tin tức giáo dục đặc biệt trên báo in ngày mai 20.7.2020 - ảnh 1

Theo luật Giáo dục 2019, chính sách tiền lương của giáo viên sẽ được xây dựng theo vị trí việc làm, không còn phụ cấp thâm niên

Từ đầu tháng 7, hàng ngàn giáo viên bị ngừng chi phụ cấp thâm niên mặc dù chưa có hướng dẫn cụ thể về việc hưởng lương mới theo luật Giáo dục 2019. Việc này đúng hay sai ?

Khoảng hơn 2.000 giáo viên toàn H.Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế từ 1.7 đã bị tạm ngừng nhận phụ cấp thâm niên khiến không ít giáo viên tâm tư. Tương tự, hầu hết các trường tại TP.HCM cũng tạm ngưng chi trả trợ cấp thâm niên khi trả lương tháng 7 cho giáo viên. Tính ra, tùy theo số năm công tác và bậc lương đang hưởng, thu nhập của mỗi giáo viên trong tháng này giảm từ gần 500.000 đồng cho đến 2 triệu đồng.

Theo luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực từ ngày 1.7.2020), chính sách tiền lương của giáo viên sẽ được xây dựng theo vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp, tính chất, mức độ phức tạp, đặc thù công việc của nhà giáo. Theo chính sách mới, nhà giáo không có bảng lương riêng và phụ cấp thâm niên như hiện nay.

Tuy nhiên, để thực hiện quy định mới về chính sách tiền lương của nhà giáo thì cần có các văn bản hướng dẫn dưới luật. Thế nhưng một số địa phương đã cắt phụ cấp thâm niên của giáo viên.

Bộ GD-ĐT nói gì về việc làm này của các địa phương? Câu trả lời sẽ có trong tin tức giáo dục đặc biệt trên báo in Thanh Niên ngày mai.




Nguồn