5 bộ phát Wi-Fi hỗ trợ Mesh giá rẻ

Các thiết bị của Tenda, TP-Link, Mercusys, Viettel hay VNPT có thể kết nối với thiết bị cùng loại để tạo ra mạng Mesh Wi-Fi có tốc độ ổn định.

Tenda Nova MW3 (500.000 đồng mỗi node)

Nova MW3.

Nova MW3.

Nova MW3 có hình vuông cùng mức giá trung bình 500.000 đồng cho mỗi node. Đây là phiên bản giá rẻ của MW3 với chi phí bằng một nửa. Sản phẩm hỗ trợ chuẩn phát AC với tốc độ 1.200 Mb/giây, hỗ trợ MU-MIMO, quản lý thiết bị và cài đặt thông qua ứng dụng trên điện thoại.

Nhược điểm của bộ phát này là cổng WAN/LAN chỉ hỗ trợ tốc độ kết nối 100 Mb/giây.

TP-Link Deco E4 (800.000 đồng mỗi node)

Deco E4.

Deco E4.

Deco E4 là bộ phát Wi-Fi hỗ trợ Mesh bán chạy nhất của TP-Link với mức giá khoảng 1,5 triệu đồng cho bộ 2 node. Mỗi node có giá trung bình 800.000 đồng nếu mua lẻ.

Mỗi node đều có khả năng hoạt động như một modem độc lập hoặc như bộ phát Wi-Fi thông thường. Phần mềm điều khiển trên điện thoại có thể phân quyền, chặn truy cập hoặc lên danh sách hạn chế truy cập theo giờ với từng thiết bị. Theo nhà sản xuất, một bộ tiêu chuẩn 2 node của Deco E4 có thể phủ sóng Wi-Fi trong diện tích 260 m2. Tốc độ hỗ trợ tối đa 1.167 Mb/giây.

Viettel HomeWi-Fi (700.000 đồng mỗi node)

Bộ phát Mesh Wi-Fi mới ra mắt của Viettel hỗ trợ băng tần kép 2,4 GHz và 5 GHz. Sản phẩm sử dụng công nghệ beamforming nhưng vẫn dùng Wi-Fi 5 chuẩn 802.11 ac. Bộ sản phẩm có ít nhất hai trạm (node) phù hợp nhà tầm 200 m2 hoặc hai tầng, bộ ba trạm dùng với nhà tầm 300 m2 hoặc 3 tầng.

Giá trung bình mỗi node khoảng 700.000 đồng.

Mercusys Halo S3 (350.000 đồng mỗi node)

Mercusys Halo S3.

Mercusys Halo S3.

Mercusys Halo S3 có giá bán cho bộ ba node chưa tới một triệu đồng, nếu mua lẻ cũng chưa tới 400.000 đồng cho mỗi node.

Sản phẩm được quảng cáo là có nhiều tính năng tương tự Nova MW3. Tuy nhiên, nó không hỗ trợ băng tần 5 GHz và cường độ sóng được nhiều người dùng đánh giá không mạnh bằng modelMW3 của Tenda.

VNPT iGate EW12S (880.000 đồng)

Giống sản phẩm của Viettel, iGate EW12S của VNPT có giá từ 880.000 đồng mỗi node, nhưng phải mua tối thiểu hai node.

Sản phẩm cũng hỗ trợ băng tần kép 2,4 GHz và 5 GHz, ăng-ten MIMO 2×2, cho phép kết nối cùng lúc 40 thiết bị. Ứng dụng quản lý và cài đặt trên thiết bị là OneLink có sẵn trên cả iOS và Android. Tuy nhiên, thiết bị chỉ có duy nhất một cổng WAN hỗ trợ làm modem nhưng không có cổng LAN.

Hệ thống Whole Home Wi-Fi hay còn gọi là Wi-Fi Mesh được phát triển để đáp ứng nhu cầu mở rộng độ phủ sóng Internet cũng ổn định các kết nối không dây. Một bộ Wi-Fi Mesh gồm hai hoặc nhiều module đơn lẻ, gọi là các trạm hoặc nút (node), có kiểu dáng giống hệt nhau. Trong đó, chỉ có một bộ định tuyến chính cần kết nối với đường mạng Internet. Điểm đặc biệt là chúng có thể giao tiếp liên tục với nhau. Thông thường, mỗi node sẽ dành một nửa tổng băng thông hỗ trợ để “liên hệ” với các node còn lại giúp mở rộng vùng phát sóng và đảm bảo tốc độ truyền ổn định. Đây là ưu điểm so với cách mở rộng phát sóng cũ, bởi repeater chỉ có thể đảm bảo chất lượng “tạm ổn” khi được kết nối với router chính.

Tuấn Hưng