VinGroup giới thiệu công nghệ AI cho camera ẩn dưới màn hình

VCam Kristal là công nghệ nhiếp ảnh AI cho camera ẩn dưới màn hình vừa được Viện Nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo VinAI Research phát triển.

VCam Kristal giúp xử lý hình ảnh cho điện thoại có camera ẩn dưới màn hình.

VCam Kristal giúp xử lý hình ảnh cho điện thoại có camera ẩn dưới màn hình.

Đây là một trong hai công nghệ AI được VinGroup giới thiệu cuối tuần qua, trong khuôn khổ sự kiện trực tuyến Ngày AI 2020 – Vươn tầm đón nhận thách thức. Bên cạnh VCam Kristal, tập đoàn này còn được giới thiệu công nghệ lọc tiếng ồn sử dụng AI là VSound Alto. Cả hai sẽ được áp dụng cho mẫu điện thoại với màn hình vô khuyết mới của hãng là Aris Pro. VinSmart đang là một trong số ít các công ty đầu tiên trên thế giới sở hữu điện thoại thông minh có camera ẩn dưới màn hình.

Do sự phức tạp của cấu tạo của camera ẩn dưới màn hình, ánh sáng phải đi qua một lớp màn hình trước khi đến hệ thống thấu kính và cảm biến. Vì vậy, các model như Aris Pro sẽ đòi hỏi một thuật toán mạnh để xử lý các trở ngại vật lý gây ra, như ánh sáng sẽ bị hao hụt khi đến cảm biến so với camera thông thường.

VCam Kristal kết hợp các thuật toán và mô hình AI trong thị giác máy tính, nhiếp ảnh điện toán và kiến trúc mạng nơ-ron đặc biệt giúp hạn chế các rào cản quang học của camera ẩn dưới màn hình. Công nghệ giúp loại bỏ các hiện tượng ảnh mờ, thiếu, nhiễu và loé sáng, màu sắc thiếu trung thực… để tạo ra những bức ảnh selfie sắc nét với độ phân giải 4K. Để ứng dụng VCam Kristal, VinAI đã hợp tác với VinSmart để đưa lên mẫu điện thoại đầu tiên có camera ẩn dưới màn hình là là Aris Pro.

Trong khi đó, VSound Alto là công nghệ lọc tiếng ồn dựa trên mô hình học sâu (Deep Learning) trong việc xử lý giọng nói và âm thanh. VSound Alto hoạt động tương tự như đôi tai con người, có thể nắm bắt chính xác và duy trì chất lượng giọng nói, đồng thời triệt nhiễu tiếng ồn với hiệu quả. So với phương pháp lọc tiếng ồn truyền thống, công nghệ lọc được cả tiếng ồn cố định và tiếng ồn đột ngột (như tiếng còi của phương tiện giao thông, tiếng trẻ nhỏ nô đùa hay tiếng gõ bàn phím), đồng thời tiết kiệm tiêu thụ năng lượng của phần cứng.

Công nghệ VSound Alto sẽ được ứng dụng trên điện thoại di động, loại bỏ tiếng ồn khi người dùng thực hiện cuộc gọi. Tính năng mới giúp cải thiện chất lượng giọng nói, khiến hội thoại trở nên rõ ràng và liền mạch hơn. Trong tương lai gần, Vsound Alto sẽ được ứng dụng để loại bỏ ô nhiễm tiếng ồn cho các hệ thống hội nghị từ xa, microphone, tai nghe thông minh, thiết bị trợ thính, hệ thống lọc tiếng ồn trong xe hơi…

Tiến sĩ Bùi Hải Hưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo VinAI Research.

Tiến sĩ Bùi Hải Hưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo VinAI Research.

Theo Tiến sĩ Bùi Hải Hưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo VinAI Research (thuộc VinGroup), VCam Kristal và VSound Alto là nỗ lực của người Việt nhằm đưa trí thông minh nhân tạo AI đến gần cuộc sống hơn. “Chúng tôi sẽ cố gắng hỗ trợ doanh nghiệp tăng năng suất và hiệu quả kinh doanh bằng những công nghệ tầm cỡ quốc tế được phát triển bằng chính trí tuệ Việt”, ông Hưng nói.

Trước đó, VinAI Research đã giới thiệu công nghệ VFace – nhận diện chính xác khi dùng khẩu trang. Đặc biệt, hệ thống nhận diện do VinAI phát triển chỉ sử dụng thông tin từ camera thường, không cần đến các cảm biến phụ (như hồng ngoại hoặc cảm biến chiều sâu). Đây là yếu tố quan trọng giúp tiết kiệm giá thành sản phẩm, dễ dàng tích hợp vào các hệ thống camera có sẵn.

Tuấn Hưng

Ngày Trí tuệ nhân tạo 2020 – Vươn tầm đón thách thức được tổ chức trực tuyến vào các ngày 12 đến 13/9 với 4 chủ đề chính: Phát triển trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, Tầm nhìn và thách thức; Trí tuệ nhân tạo trong đổi mới kỹ thuật ở các lĩnh vực giao thông vận tải, thị giác máy tính, y tế và sức khỏe; Đào tạo Trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam và Trí tuệ nhân tạo trong xử lý ngôn ngữ tự nhiên và tiếng nói tiếng Việt.

Sự kiện dự kiến thu hút khoảng 2000 người tham gia online – với sự tham gia của các diễn giả, các tham luận viên nổi tiếng thế giới như Jeff Dean (Giám đốc Google AI); Nemanja Djuric (Trưởng nhóm nghiên cứu về Học máy, Uber ATG); Giáo sư Michael Brown – trường Đại học York (Giám đốc Trung Tâm AI của Samsung Toronto), Anandan (CEO Wadhani AI); Vũ Hà (Giám đốc kỹ thuật viện nghiên cứu AI The Allen); Giáo sư Bhiksha Raj (Đại học Carnegie Mellon), Giáo sư Karin Verspoor (Đại học Melbourne)… cùng nhiều chuyên gia AI nổi tiếng người Việt đang làm việc ở khắp nơi trên thế giới.

Trung Văn