Về cơ bản, quy chế tuyển sinh năm 2020 giữ ổn định như thời gian qua, kể từ năm 2017. Nét mới nổi bật của quy chế là các trường có đào tạo ngành giáo viên sẽ không tuyển sinh trình độ trung cấp với ngành này nữa; ngay cả với trình độ cao đẳng, cũng chỉ tuyển sinh ngành giáo viên mầm non.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục – Đào tạo), quy định này được dự thảo quy chế đưa vào nhằm phù hợp với Luật Giáo dục 2019, có hiệu lực từ ngày 1.7.2020. Ngoài ra, có một số quy định tuy đã được áp dụng từ các năm qua, nhưng trong dự thảo quy chế này đã được diễn đạt chặt chẽ, tường minh hơn.
Bộ Giáo dục – Đào tạo quy định “điểm sàn” của khối ngành sức khỏe, sư phạm
Theo dự thảo quy chế, các trường chỉ tuyển sinh khi đáp ứng đủ các điều kiện được phép đào tạo theo quy định hiện hành.
Căn cứ phương thức tuyển sinh mà trường lựa chọn, các trường xác định và công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (thường gọi là “điểm sàn”) trong đề án tuyển sinh, trừ nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề và nhóm ngành đào tạo giáo viên do Bộ Giáo dục – Đào tạo quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.
Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do các trường quy định phải đảm bảo chất lượng nguồn tuyển sinh. Các trường chịu trách nhiệm giải trình với Bộ Giáo dục – Đào tạo và xã hội về chất lượng đầu vào do trường quy định.
Trong đề án phải nêu rõ quy định chỉ tiêu tuyển sinh theo các hình thức tuyển sinh khác nhau (nếu có); ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào phù hợp với quy định của Bộ Giáo dục – Đào tạo; quy định rõ về việc trường có sử dụng hay không sử dụng kết quả miễn thi bài thi môn ngoại ngữ, điểm thi được bảo lưu theo quy định tại quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT để tuyển sinh.
Công bố công khai chỉ tiêu cho từng phương thức tuyển sinh
Các trường sử dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh cho một ngành phải xác định và công bố công khai chỉ tiêu cho từng phương thức tuyển sinh; thực hiện các quyền và nhiệm vụ tương ứng với từng phương thức mà Bộ Giáo dục – Đào tạo đã quy định.
Mỗi tổ hợp tuyển sinh đều phải có ít nhất 1 môn văn hoặc toán
Dù tuyển sinh theo phương thức nào thì trường đều phải thực hiện việc lựa chọn tổ hợp các bài thi/môn thi để xét tuyển theo các nguyên tắc sau:
Sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó có ít nhất một trong 2 bài thi/môn thi toán hoặc ngữ văn để xét tuyển;
Các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp bài thi/môn thi để xét tuyển cho một ngành (những tổ hợp chỉ thay đổi các ngoại ngữ khác nhau được coi là một tổ hợp);
Đối với các trường, ngành năng khiếu, sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó, có ít nhất một bài thi toán, ngữ văn kết hợp với kết quả thi năng khiếu để xét tuyển.
Tùy theo yêu cầu của ngành đào tạo, các trường có thể quy định bài thi/môn thi chính được nhân hệ số khi xét tuyển.