Trung Quốc hay Mỹ giám sát dân bằng camera an ninh nhiều nhất thế giới? | Công nghệ

Ở Mỹ cứ 100 người dân thì có 15,28 camera giám sát, cao hơn một chút so với tỉ lệ này của Trung Quốc là 14,36, kế đến là Anh, Đức và Hà Lan, theo một báo cáo vừa được đưa ra bởi trang web bảo mật máy tính Precisesecurity.com. Tuy nhiên, tính tổng số camera quan sát được lắp đặt thì Trung Quốc vẫn là số 1 là 200 triệu, so với 50 triệu ở Mỹ. Các quốc gia khác nằm trong top 5 về số lượng camera an ninh được lắp đặt là Đức, Anh và Nhật Bản.

Trung Quốc có 8 thành phố nằm trong top 10 thành phố hàng đầu thế giới sử dụng camera giám sát bình quân đầu người, hai thành phố còn lại trong top là London của Anh và Atlanta của Mỹ ở vị trí thứ 6 và 10. Thành phố số 1 trong nhóm này là Trùng Khánh nằm phía tây nam Trung Quốc. Ngoài giám sát người dân, camera an ninh cũng được thiết kế để giám sát giao thông, chống trộm cắp vặt trong các nhà hàng và siêu thị; giám sát an toàn công cộng trong công viên và trung tâm mua sắm.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc năm 2017, hệ thống giám sát quốc gia, được gọi là dự án Skynet, lắp đặt hơn 20 triệu camera giám sát và ghi hình trực tiếp; dự kiến hàng triệu chiếc nữa sẽ được bổ sung vào năm 2020. Chính quyền địa phương cũng triển khai hệ thống giám sát riêng ở một số khu vực như nhà trẻ, nhà bếp trong nhà hàng và thậm chí bên trong taxi. Công ty nghiên cứu IHS Markit ước tính Trung Quốc sẽ nâng con số camera an ninh lên 600 triệu vào 2020.

Yêu cầu giám sát an ninh ngày càng được quan tâm nhằm khống chế tội phạm ở Mỹ. Các nghi phạm trong vụ đánh bom Boston Marathon năm 2013 nhanh chóng được xác định nhờ camera an ninh, khiến dấy lên các cuộc kêu gọi lắp đặt nhiều camera giám sát công cộng. Trong khi các quốc gia tăng cường camera công cộng vì lý do an ninh, thì có làn sóng phản kháng từ công chúng liên tục nổ ra, cho rằng quyền riêng tư của công dân bị xâm phạm.

Một số công ty trí tuệ nhân tạo Trung Quốc đã vượt ra ngoài chiếc camera an ninh thông thường khi phát triển chúng thành thiết bị đặc biệt có thể quét khuôn mặt và xác định ”động thái” của người bị theo dõi. Việc này gặp phải sự phản đối của phương Tây và các nhà hoạt động nhân quyền, cáo buộc giám sát nhóm tộc thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi giáo khác ở Tân Cương.



Nguồn