Trung Quốc có giấy phép công nghệ lõi về chip từ công ty Mỹ

Công ty CIP của Trung Quốc đang sở hữu giấy phép sử dụng kiến ​​trúc chip của MIPS Technologies của Mỹ.

Cuối năm 2018 đầu 2019, khi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung bùng nổ, các công nghệ cốt lõi của tập đoàn công nghệ MIPS bắt đầu được cấp phép chuyển giao cho một công ty Trung Quốc có tên CIP United, trụ sở tại Thượng Hải. Việc cấp phép này được thực hiện qua một loạt giao dịch phức tạp liên quan đến các công ty ở quần đảo Cayman và Samoa. Hiện nay công ty CIP nắm đầy đủ quyền chuyển giao công nghệ chip cho các khách hàng ở Trung Quốc lục địa, Hong Kong và Macau. Công ty này còn có thể phát triển công nghệ mới theo kiến trúc của MIPS.

Chi tiết về hợp đồng cấp phép của MIPS cùng các giao dịch của công ty này vừa được tiết lộ trong thủ tục phá sản của Wave Computing Inc, công ty mẹ của MIPS. Cùng với đó, sự miêu tả của hai mươi người trong Wave Computing đã cung cấp cái nhìn sơ lược về cách các công ty nước ngoài tiếp cận những công nghệ quan trọng, chiến lược của Mỹ.

Dù bị ngăn chặn, Trung Quốc vẫn hợp tác được với MIPS Technologies của Mỹ. Ảnh: MIPS.

Dù bị ngăn chặn, Trung Quốc vẫn hợp tác được với MIPS Technologies của Mỹ. Ảnh: MIPS.

Theo Reuters, trong một bài thuyết trình dành cho nhà đầu tư năm 2019, công ty CIP cho biết sẽ sử dụng công nghệ lõi của MIPS để giúp Trung Quốc bắt kịp Mỹ trong ngành công nghệ bán dẫn tiên tiến. Công nghệ bán dẫn rất quan trọng đối với nhiều lĩnh vực, từ điện thoại thông minh đến vũ khí tiên tiến. Giấy phép của MIPS hứa hẹn sẽ cung cấp “công nghệ cốt lõi” giúp Trung Quốc “thực hiện mục tiêu tham vọng Made in China 2025” – chương trình tự cung tự cấp trong các ngành công nghiệp mới chiến lược.

Cảnh giác trước một lệnh trừng phạt nữa từ phía Mỹ, chính quyền Bắc Kinh bắt đầu đi đường vòng với “Made in China 2025”. Vì Washington thắt chặt các hoạt động đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào lĩnh vực công nghệ, nên Bắc Kinh chọn giải pháp tìm hợp đồng cấp phép và các công ty ở nước ngoài để được chuyển giao công nghệ của Mỹ. Đây cũng là đường đi được áp dụng để có được MIPS.

Ủy ban Đầu tư Nước ngoài của Mỹ (CFIUS) có nhiệm vụ xem xét các giao dịch thâu tóm hay đầu tư để đảm bảo chúng không gây hại cho an ninh Mỹ. Tuy nhiên, các giao dịch cấp phép kiểu chuyển giao công nghệ thường ít được CFIUS để ý tới và được coi là hợp pháp miễn là chúng tuân theo các quy định về xuất khẩu của Mỹ.

Michael Brown, một giám đốc công nghệ kỳ cựu, hiện đang đứng đầu một đơn vị tại Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết “Trung Quốc đang sử dụng các liên doanh hoặc các thỏa thuận cấp phép để chuyển giao công nghệ cho nước này thay vì làm việc lâu dài với một đối tác Mỹ. Trong tương lai, cần phải kiểm tra các hợp đồng như vậy chặt chẽ hơn để đảm bảo sự an toàn cho các công nghệ Mỹ”.

Giao dịch phức tạp

Theo tài liệu của tòa án, sau khi Wave Computing buộc phải trả lại 40 triệu USD cho nhà đầu tư do giao dịch tài trợ không thành công liên quan đến việc mua lại MIPS, Wave đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào cuối tháng 4 năm nay.

Tuy nhiên, theo một kỹ sư từ Sinolink, thỏa thuận giao dịch giữa Wave và Sinolink ở Trung Quốc vẫn còn hiệu lực và nhiều công ty Trung Quốc bao gồm Huawei đã nhận được ủy quyền công nghệ MIPS từ Sinolink. Huawei xác nhận với Reuters rằng Huawei là khách hàng trả phí cấp phép, nhưng từ chối tiết lộ thêm chi tiết.

Con đường từ Mỹ tới Trung Quốc của MIPS bắt đầu từ năm 2017 bằng động thái công ty Canyon Bridge mua lại Imagination Technologies, một công ty sản xuất chip đồ họa của Anh lúc đó đang sở hữu MIPS. Theo Reuters, Canyon Bridge được tài trợ một phần bởi chính phủ Trung Quốc.

Việc thâu tóm MIPS là giao dịch cần phải được xem xét bởi CFIUS. Tuy nhiên cuối cùng cơ quan này lại quyết định tách MIPS ra khỏi phần còn lại của tập đoàn. Sau khi tách khỏi công ty Imagination, MIPS đã nhiều lần đổi chủ và cuối cùng tham gia vào Wave Computing. Canyon Bridge và Alibaba Investments Limited lại là những cổ đông thiểu số của Wave Computing. Hiện vẫn không rõ liệu Alibaba và Canyon Bridge có biết trước về kế hoạch cấp phép công nghệ MIPS cho một công ty Trung Quốc của Wave hay không.

James Lewis, Giám đốc hoạch định chính sách khoa học và công nghệ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nói rằng ông hy vọng CFIUS sẽ có cách tiếp cận cứng rắn hơn trong việc quản lý đầu tư công nghệ. Ông đã hỗ trợ soạn thảo một phần dự luật tăng cường giám sát đầu tư trực tiếp nước ngoài vào năm 2018, nhưng không giải quyết được vấn đề giao dịch giấy phép theo quy định của Mỹ.

“Khi bạn đóng một con đường, không có gì ngạc nhiên khi người Trung Quốc sẽ cố gắng tìm một con đường khác”, Lewis nói khi đề cập đến việc đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào các công ty khởi nghiệp công nghệ.

Đăng Thiên (theo Reuters)

Nguồn