Tổng thống Putin kêu gọi xuống thang căng thẳng Armenia – Azerbaijan | Thế giới

Hãng AFP ngày 27.9 đưa tin Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi xuống thang căng thẳng giữa Armenia và Azerbaijan, sau khi quân đội 2 bên xung đột tại vùng Nagorno-Karabakh.

“Điều quan trọng là cần nỗ lực để ngăn chặn căng thẳng leo thang trong vụ đối đầu, quan trọng hơn, cần chấm dứt thù địch”, Tổng thống Nga nói trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan.

Cũng trong ngày 27.9, vùng Nagorno-Karabakh cho hay có 16 binh sĩ thiệt mạng và hơn 100 người bị thương trong các vụ đụng độ với lực lượng của Azebaijan trước đó vào cùng ngày.

Theo Reuters dẫn lời cơ quan phòng vệ vùng Nagorno-Karabakh, lực lượng của vùng này đã tiêu diệt 4 trực thăng, 15 máy bay không người lái và 10 xe tăng trong vụ xung đột.

Sau khi nổ ra xung đột, Armenia tuyên bố thiết quân luật và động viên nam giới tham gia quân đội. Xung đột gây lo ngại về bất ổn tại vùng Nam Caucasius, hành lang của các đường ống dẫn dầu khí đến các thị trường trên thế giới.

Cùng ngày, Arzerbaijan cũng tuyên bố thiết quân luật và áp dụng giới nghiêm tại thủ đô Baku và nhiều thành phố khác.

Liên minh châu Âu, Giáo hoàng Francis và nhiều nước trong đó có Pháp và Iran kêu gọi các bên lập tức chấp dứt xung đột. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích Armenia, khiến Thủ tướng Pashinyan lo ngại và kêu gọi cộng đồng quốc tế đảm bảo rằng Thổ Nhĩ Kỹ không can dự vào xung đột.

Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng nhân đạo của xung đột leo thang và kêu gọi các bên có “mọi biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo tính mạng của người dân cũng như bảo vệ cơ sở hạ tầng”.

Hai quốc gia từng thuộc Liên Xô lâu nay có xung đột tại vùng Nagorno-Karabakh và những vụ đụng độ biên giới gia tăng trong những tháng gần đây.

Người dân tộc thiểu số Armenia ở Nagorno-Karabakh đã tuyên bố độc lập khỏi Azerbaijan trong một cuộc xung đột bùng nổ vào thời điểm Liên Xô tan rã hồi năm 1991, khiến khoảng 30.000 thiệt mạng.

Tuy đạt được thỏa thuận ngừng bắn vào năm 1994 nhưng Azerbaijan và Armenia thường xuyên cáo buộc lẫn nhau về các cuộc tấn công xung quanh Nagorno-Karabakh và dọc theo biên giới hai bên.




Nguồn