Tiền điện tử – cuộc phiêu lưu vui vẻ của giới trẻ

[ad_1]

Đối với giới trẻ châu Á, DeFi biến hoạt động đầu tư tẻ nhạt thành những cuộc phiêu lưu hấp dẫn giống như trong game.

Châu Á được đánh giá là một trong những thị trường lớn nhất toàn cầu về game và mới đây là tiền điện tử. Trong đó, DeFi – tài chính phi tập trung – đang thổi luồng gió mới cho việc tự chủ tài chính của giới trẻ, khi hoạt động này mang tính cộng đồng tương tự chơi game.

Một ví dụ là SushiSwap, sàn giao dịch tiền điện tử DeFi có trụ sở tại Tokyo. Khi truy cập, người dùng có cảm giác như bước vào một quán sushi với những hình ảnh hoạt hình và đèn neon phát sáng nhiều màu sắc, khác xa website ngân hàng hay các tổ chức tài chính điển hình.

Các nền tảng DeFi như SushiSwap đang kết hợp thế giới trò chơi và tài chính lại với nhau. Ảnh: SushiSwap

Giao diện của SushiSwap. Ảnh: SushiSwap

Bên cạnh giao diện thân thiện và bắt mắt, SushiSwap cung cấp nhiều tính năng cho phép quản lý tiền điện tử một cách trực quan. Người dùng có thể giao dịch các loại tiền số, gửi để kiếm lãi, thực hiện cho vay…

Khả năng giữ chân người dùng trên các nền tảng như SushiSwap phụ thuộc vào sự gắn kết giữa những người tham gia, như các cộng đồng game trước đây. Hiện nay, người đam mê tiền điện tử bắt đầu hình thành cộng đồng trên các nền tảng nhắn tin và truyền thông xã hội, như Twitter, Discord, Telegram và YouTube. Họ chia sẻ bí quyết đầu tư, công nghệ của token cũng như chiến thuật giao dịch giống các game thủ vẫn thực hiện.

Sự hội tụ giữa tài chính và game cũng xuất hiện trong một số sản phẩm trò chơi điện tử, như Axie Infinity, trò chơi dựa trên blockchain của Sky Mavis – công ty có trụ sở tại Việt Nam. Với hơn 2 triệu người dùng, game được xem như là nơi để làm việc, thậm chí là một thị trường chứng khoán ảo. Hàng chục nghìn người Đông Nam Á đang tham gia mô hình chơi game kiếm tiền (play-to-earn) thông qua việc lai tạo thú cưng và làm nhiệm vụ trong trò chơi để đổi lấy token SLP, sau đó đưa lên sàn giao dịch để đổi lấy tiền thật. Tổng doanh thu NFT trên Axie Infinity đã vượt qua 2 tỷ USD.

Giao diện game Axie Infinity. Ảnh: iMoney

Giao diện game Axie Infinity. Ảnh: iMoney

Đứng trước làn sóng mới, các công ty châu Á bắt đầu sử dụng trò chơi để đẩy nhanh việc áp dụng blockchain. Chẳng hạn, Animoca Brands, một công ty giải trí kỹ thuật số tại Hong Kong và là nhà đầu tư của Axie Infinity, đã công bố mục tiêu “đưa một tỷ người dùng tiếp theo tham gia vào blockchain” thông qua trò chơi.

Nhiều chuyên gia nhận định, nếu không có những trò chơi như Axie Infinity, công nghệ blockchain sẽ khó tiếp cận được người trẻ ở nông thôn Philippines, Việt Nam hay các quốc gia đang phát triển khác sớm như vậy.

Các nhà đầu tư trẻ châu Á đang bị tiền điện tử thu hút. “Ở đây, các lợi thế của giới tinh hoa tài chính, khuôn khổ về phân tích và dự đoán thị trường không còn quá quan trọng nữa”, một chuyên gia nhận xét trên Nikkei Asia.

Môi trường tiền điện tử giống như “miền Tây hoang dã” đầy bong bóng sắp vỡ và cạm bẫy. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư trẻ tuổi cho biết ít nhất chúng cũng minh bạch và công bằng với tất cả, do mọi thứ được công khai trên hợp đồng thông minh của blockchain.

Trong khi các chuyên gia tài chính truyền thống còn đang đặt câu hỏi về giá trị thực của tài sản kỹ thuật số, nhiều nhà đầu tư trẻ đã mạnh tay chi tiền cho vật phẩm ảo. Một nhà đầu tư trẻ tại Hong Kong cho biết đã bỏ công việc lương cao để tập trung toàn thời gian cho bất động sản ảo trong những trò chơi dựa trên blockchain như Decentraland hay Cryptovoxels. Hiện anh sở hữu số đất ảo có giá trị hàng triệu USD.

Cách tiếp cận khác biệt

Giới phân tích đánh giá người trẻ châu Á đang có cách tiếp cận và đầu tư khác hẳn một thập kỷ trước. Các tổ chức tài chính truyền thống cần chuẩn bị cho sự thay đổi. Dù vậy, rào cản lớn đối với những tổ chức này không phải công nghệ blockchain, mà là văn hóa của thế giới tiền điện tử.

Trong thế giới đó, các nhóm cộng tác theo cách phi tập trung và cởi mở. “Để trở thành một phần của quá trình, tổ chức tài chính truyền thống phải điều chỉnh cách làm và từ bỏ rất nhiều hệ thống phân cấp và bức tường ngăn cách vô hình”, Nikkei bình luận. “Họ cũng cần những nhân tài rất khác biệt – những người trẻ không chỉ hiểu các con số mà còn hiểu về meme, không chỉ nắm các quy tắc thị trường mà còn cả cơ chế trò chơi”.

Ngoài ra, giới chuyên gia cũng cảnh báo các tổ chức truyền thống nên tìm cách thích nghi với xu hướng mới, nếu không sẽ đánh mất phần lớn khách hàng và nguồn vốn tương lai trước xu thế tiền điện tử.

Bảo Lâm (theo Nikkei Asia)

[ad_2]