Thủy điện xả lũ ‘gây ngập’ ở Phú Yên

[ad_1]

Nhà máy thủy điện sông Ba Hạ, huyện Sơn Hòa, nâng lượng xả lũ từ 4.000 m3/s lên 9.000 m3/s trong 7 giờ liền, khiến nước đổ dồn dập gây ngập lụt nhiều nơi.

Những ngày qua, mưa lớn cộng với nhà máy thủy điện ở thượng nguồn xả lũ lưu lượng lớn làm cho vùng hạ lưu sông Ba Hạ (Đà Rằng) bị ngập sâu, ảnh hưởng đời sống người dân. Nhiều người cho rằng nước lũ lên nhanh, một phần do thủy điện xả lũ nhưng không thông báo, khiến họ bị động, không kịp trở tay.

Thủy điện sông Ba Hạ ở Phú Yên xả lũ, hôm 30/11. Ảnh: An Phước

Thủy điện sông Ba Hạ ở Phú Yên xả lũ, hôm 30/11. Ảnh: An Phước

Ông Trần Lý, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy điện sông Ba Hạ nói những ngày qua xảy ra mưa lớn ở Tây Nguyên nên 2 thủy điện phía phía trên thủy điện sông Ba Hạ xả lũ và chảy qua tràn quá lớn với tổng lượng xả đạt 10.000 m3/s. Thủy điện sông Ba Hạ là thuỷ điện cuối cùng trong bậc thang nên khi thượng nguồn xả nước quá lớn, nhà máy này phải xả theo.

Trong ngày 30/11, thủy điện sông Ba Hạ nâng mức xả từ 4.000 m3/s lên đến 9.000 m3/s, kéo dài trong khoảng 7 giờ. Điều này để điều tiết lượng nước trong hồ chứa khi hai thủy điện trên cao xả lũ, nước đổ về dồn dập.

Theo ông Lý, việc hồ thủy điện sông Ba Hạ xả lũ với công suất lớn, liên tục tăng lưu lượng phần nào gây ngập nhà dân dưới hạ du. Tuy nhiên, việc xả lũ “do UBND tỉnh quyết định và thông báo cho người dân”. Trước mắt, công ty ghi nhận các trường hợp bị ảnh hưởng, thiệt hại trong lũ để có hướng xử lý.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND Phú Yên Trần Hữu Thế cho biết, hôm 30/11 địa phương mưa rất lớn, cùng với việc thủy điện Đắk Srông và Krông Hnăng – khu vực Tây Nguyên xả lũ khiến lượng nước đổ về khu vực thuỷ điện Ba Hạ hơn 10.000 m3/s, trong khi hồ chứa nhà máy thuỷ điện này khoảng 150 triệu m3. Điều này đồng nghĩa nếu không kịp thời điều tiết, nước trong hồ sẽ đầy trong vài giờ, gây mất an toàn cho hồ chứa.

Thủy điện xả lũ 'gây ngập ở Phú Yên'

Thủy điện sông Ba Hạ ở Phú Yên xả lũ, chiều 30/11. Video: An Phước

Khi nước trên thượng nguồn đổ về sông Ba Hạ quá lớn, khó kiểm soát, UBND tỉnh liên lạc Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, đề nghị áp dụng nguyên tắc vận hành liên hồ để cắt bớt nguồn nước, giúp địa phương điều tiết xả lũ. Việc này nếu không làm kịp thời, để nước phía thượng nguồn tràn xuống, khả năng gây ra trận lũ lịch sử như năm 1993.

Sau đó, chính quyền tỉnh chỉ đạo thủy điện sông Ba Hạ xả lũ linh hoạt, xả nhiều khi triều cường chưa cao, và thấp khi triều cường đạt đỉnh để giảm bớt áp lực, ngập lụt, cũng như đảm bảo an toàn hồ đập.

Sớm 30/11, thủy điện Sông Hinh và Ba Hạ đã xả khoảng 6.000 m3/s, tới gần trưa tăng lên 9.000 m3/s, đến 15h cùng ngày tổng lượng xả của hai thủy điện về hạ du khoảng 11.000 m3/s. Việc xả lũ chỉ dừng lại sau 16h, ở mức 6.400 m3/s, rồi giữ ổn định tới sáng hôm sau tiếp tục điều tiết.

“Chúng tôi nắm tình hình thủy triều đạt đỉnh lúc 19h trở đi, nên đã chủ động điều tiết lượng xả lũ về hạ du, giúp cân bằng lượng nước, tránh đột biến, gây lũ lớn vào ban đêm rất nguy hiểm cho người dân”, ông Thế nói.

Sáng 2/12, nhiều nhà dân ở TP Tuy Hoà vẫn còn ngập. Ảnh: An Phước

Sáng 2/12, nhiều nhà dân ở TP Tuy Hoà vẫn còn ngập. Ảnh: An Phước

Theo ông Thế, trước mắt địa phương khắc phục các sự cố mưa lũ, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống. Về lâu dài, tỉnh cần có nhiều hồ thủy lợi nhỏ, theo lối bậc thang để vừa tích nước, chống hạn và giảm lũ cho mùa mưa bão. Nếu không, ngập lụt tương tự tái diễn trong nhiều năm nữa.

5 ngày qua, Phú Yên xảy ra mưa lũ lớn, hậu quả 4 người chết, 6 người mất tích. Gần 3.000 nhà chìm trong nước, có nơi ngập cao nhất gần 3 m, hàng chục nghìn người phải di dời. Nhiều tuyến giao thông hư hỏng; hàng nghìn hoa màu bị thiệt hại; nhiều ha tôm trong hồ bị vỡ, nước cuốn trôi.

Xuân Ngọc

[ad_2]