Sea Group mua ngân hàng ở Indonesia để đẩy mạnh fintech

[ad_1]

Sea Group đã mua lại Ngân hàng Kesejahteraan Ekonomi của Indonesia. Sea Group xuất thân từ một startup công nghệ, giờ đây trở thành công ty giá trị nhất Đông Nam Á, là công ty mẹ của sàn thương mại điện tử Shopee, nền tảng giao thức ăn Now, ví điện tử AirPay và hãng game Garena.

Nguồn tin riêng của Bloomberg cho biết, startup đến từ Singapore đã giành toàn quyền kiểm soát nhà băng có trụ sở tại Jakarta, hay còn gọi là Ngân hàng BKE, sau khi mua cổ phần từ các cổ đông hiện hữu gồm Danadipa Artha Indonesia và Koin Investama Nusantara. Công ty mẹ của Shopee thực hiện giao dịch trên thông qua công ty con Turbo Cash Hong Kong. Đại diện Sea Group và Ngân hàng BKE đều từ chối bình luận về việc này.

Trụ sở Ngân hàng BKE tại Jakarta trong ngày kỷ niệm 27 năm thành lập vào tháng 2/2019. Ảnh: Ngân hàng BKE.

Trụ sở Ngân hàng BKE tại Jakarta trong ngày kỷ niệm 27 năm thành lập vào tháng 2/2019. Ảnh: Ngân hàng BKE.

Ngân hàng BKE bắt đầu hoạt động vào năm 1992 với mục tiêu chính là hỗ trợ phúc lợi của công chức. Gần 95% cổ phần của ngân hàng này thuộc sở hữu của một công ty tên là Danadipa Artha Indonesia.

Có rất ít thông tin công khai về cổ đông, nhưng Danadipa Artha Indonesia có một giám đốc tên là Intan Apriadi. Vị này cũng là thành viên hội đồng quản trị của Lentera Dana Nusantara. Đáng nói, Lentera Dana Nusantara lại là một công ty fintech điều hành ShopeePay. Đây là một ví điện tử lưu trữ tiền từ các khoản hoàn lại và nạp tiền của thành viên sàn thương mại điện tử Shopee. Sau đó, tiền này có thể sử dụng để thanh toán cho đơn hàng tiếp theo hoặc giao dịch ngoại tuyến.

Do đó, trang KrASIA đặt nghi vấn, vốn dĩ Sea Group có thể liên quan trực tiếp đến Ngân hàng BKE thông qua cổ đông Danadipa Artha Indonesia. Nếu giả thuyết trên đúng, đây chỉ là một thương vụ hợp nhất khoản đầu tư liên kết.

Tham vọng dẫn đầu mảng tài chính công nghệ

Bloomberg đánh giá, động thái mua lại ngân hàng đã làm rõ nét hơn tham vọng của Sea Group, trở thành công ty dẫn đầu về công nghệ và dịch vụ tài chính trên toàn khu vực. Mục tiêu vẫn giống như những gì họ đã làm với trò chơi di động và mua sắm trực tuyến. Lĩnh vực dịch vụ tài chính và thanh toán kỹ thuật số của công ty dự kiến sẽ trở thành đơn vị tạo ra doanh thu không hề nhỏ từ phí giao dịch và dịch vụ tài chính.

Sea Group đã thay thế DBS trở thành công ty Singapore lớn nhất theo vốn hóa thị trường vào tháng 7/2020. Công ty cũng đã có lãi trong hai quý liên tiếp vào năm 2020 trên cơ sở thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao (EBITDA) đã được điều chỉnh. Startup này đã huy động gần 3 tỷ USD trong một đợt chào bán cổ phiếu vào tháng trước. Hội đồng quản trị thống nhất sẽ dành số tiền trên cho việc mở rộng kinh doanh.

Sea Group là công ty mẹ của sàn thương mại điện tử Shopee. Ảnh: KrASIA.

Sea Group là công ty mẹ của sàn thương mại điện tử Shopee. Ảnh: KrASIA.

Trang KrASIA thông tin thêm, Sea Group có khả năng đã mua lại một công ty cho vay địa phương để thành lập hoạt động kinh doanh ngân hàng của riêng mình. Theo trang web tuyển dụng của Shopee, công ty hiện đang thuê một đội ngũ địa phương làm việc tại Ngân hàng SeaMoney ở Jakarta và Bandung. Đội ngũ này đảm nhận các vai trò bao gồm quản lý nhân sự, thuế và quản lý quan hệ nhà đầu tư.

Sea Group từ chối xác nhận thông tin này với KrASIA. Công ty cũng không bình luận về việc tuyển dụng dồn dập ở Jakarta và Bandung. Trong khi đó, thông tin tuyển dụng lại tiết lộ, nhân sự mới sẽ làm việc trong nhóm “SeaMoney – Ngân hàng BKE (một phần của Sea Group), nằm ở Menteng, khu vực Trung tâm Jakarta”.

Hiện vẫn chưa rõ ngân hàng số của Sea Group sẽ hoạt động ra sao, có những dịch vụ nào. Trang web tuyển dụng của Shopee chỉ đề cập rằng SeaMoney “cho phép và khuyến khích sự đổi mới bằng cách cung cấp nhiều loại sản phẩm và dịch vụ tài chính cho các cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ trên toàn khu vực”.

Tuy nhiên, KrASIA dự đoán ngân hàng mới có khả năng cung cấp các khoản vay cho người bán trong hệ sinh thái của Shopee. Ví dụ, người bán trên sàn thương mại điện tử này đang muốn vay để nhập hàng hoặc thậm chí là vay mua nhà ở, bấy giờ ngân hàng của Sea Group sẽ cung cấp các gói vay phù hợp với năng lực tài chính của họ.

Đích đến cho fintech là ngân hàng số

Các công ty Internet lớn nhất Đông Nam Á đều đang tranh giành thị phần trong lĩnh vực ngân hàng số đang phát triển. Tháng trước, Sea Group đã nhận được giấy phép để thành lập một ngân hàng số ở Singapore. Theo đó, doanh nghiệp này cũng chính thức cạnh tranh trong cùng lĩnh vực với Grab Holdings và Singtel.

Tháng trước, Gojek cũng chi khoảng 160 triệu USD để tăng cổ phần của mình trong Ngân hàng Jago lên 22,16%. Đây là khoản đầu tư lớn nhất vào các dịch vụ tài chính cho đến nay. Sau khi nhận vốn đầu tư từ Facebook và PayPal Holdings, Gojek liền đẩy nhanh tiến độ việc cho phép người dùng mở tài khoản ngân hàng với Jago và quản lý tài chính thông qua ứng dụng của họ.

Đồng thời, đối thủ hàng đầu của Grab cũng dồn lực cho ví điện tử GoPay. Tech In Asia nhận xét, bước đi này giúp Gojek mở rộng dịch vụ tài chính kỹ thuật số cho người bán và tài xế, cạnh tranh với ví điện tử ShopeePay của Sea Group và Ovo của Grab và Tokopedia.

Khách hàng đang sử dụng ví điện tử tại một sạp bán rau củ ở Jakarta. Ảnh: Asian Nikkei Review.

Khách hàng đang sử dụng ví điện tử tại một sạp bán rau củ ở Jakarta. Ảnh: Asian Nikkei Review.

Bên cạnh Singapore, Indonesia – nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á – cũng là một thị trường nóng cho fintech và ngân hàng số. Theo KrASIA, ngân hàng số ở Indonesia phát triển khác với Singapore. Trong khi ở đảo quốc sư tử, các công ty fintech mới đang xin giấy phép để mở ngân hàng, thì ở Indonesia, các ngân hàng số đầy tham vọng đang mua lại các ngân hàng địa phương đã có giấy phép. Cách làm này khiến ngân hàng số đơn giản hóa mọi thủ tục kinh doanh.

Khi lĩnh vực fintech ngày càng chín muồi, ngân hàng số sẽ là đích đến, nhất là ở thị trường Indonesia. Các công ty công nghệ khác đã định vị mình trên thị trường theo hướng đi trên. Động thái thâu tóm Ngân hàng Jago gần đây của Gojek là một ví dụ. Ngoài ra, vào năm 2019, công ty fintech Akulaku đã mua lại Ngân hàng Yudha Bhakti. Năm ngoái, nhà băng này được đổi tên thành Neo Commerce, tập trung phục vụ cho mảng mua hàng trả góp trên ứng dụng Akulaku và đang mở rộng thêm nhiều dịch vụ tài chính khác.

Tất Đạt (theo Bloomberg, Tech In Asia, KrASIA)

[ad_2]