SCIC mong manh cơ hội đầu tư vào Vietnam Airlines
Lan Nhi
(TBKTSG Online) – Luật Đầu tư công không quy định đầu tư công trong các ngành mua, bán trái phiếu, công cụ tài chính hoặc ủy thác cho các tổ chức tài chính, quỹ đầu tư… Do đó, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) khó có thể đầu tư vốn vào hãng hàng không này.
Vietnam Airlines đang trông chờ các khoản đầu tư nhưng bị “trói buộc” bởi các quy định của nhiều luật. Ảnh: Lê Anh |
Trung tuần tháng 6 vừa qua, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC, Nguyễn Đức Chi, công bố với báo chí về kế hoạch mong muốn tham gia đầu tư vốn vào Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines).
Vietnam Airlines đang thiếu hụt dòng tiền lớn với mức dự kiến 16.000 tỉ đồng trong năm nay do dịch bệnh và dự kiến sẽ lỗ khoảng 15.000 tỉ đồng khác nhưng chưa có lối ra.
SCIC đã gửi văn bản lên các cơ quan quản lý nhà nước xin báo cáo về khoản đầu tư này, bằng cách mua cổ phần, trở thành cổ đông của Vietnam Airlines. Hình thức này sẽ giúp Vietnam Airlines được đầu tư vốn, được tham gia tái cấu trúc tài chính trên nhiều phương diện để cân bằng tài chính. Bằng không, hãng hàng không này sẽ cạn tiền, mất thanh khoản từ tháng 8 tới.
Tuy nhiên, với khoản đầu tư 12.000 tỉ đồng hoặc hơn thế nữa mà SCIC dự kiến rót vào Vietnam Airlines, dẫn chiếu theo Luật Đầu tư công thì sẽ thuộc quy mô dự án nhóm B trong ngành mua, bán trái phiếu, công cụ tài chính hoặc ủy thác cho các tổ chức tài chính, quỹ đầu tư và các lĩnh vực đầu tư tài chính khác.
Do vậy không có cơ sở dẫn chiếu từ Luật Đầu tư công để xác định mức quyết định đầu tư dự án từ Hội đồng thành viên của SCIC, theo khoản 8, điều 27, Nghị định số 148/2017/NĐ-CP về điều lệ tổ chức và hoạt động của SCIC và khoản 8, điều 1, Nghị định số 147/2017/NĐ-CP của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của SCIC.
SCIC muốn thực hiện được khoản đầu tư góp vốn thì phải đề nghị Bộ Tài chính sửa các quy định nói trên, mở rộng quy mô và lĩnh vực đầu tư công qua hình thức đầu tư tài chính. Bằng không, do SCIC quản lý tiền của Nhà nước, hiện hội đồng thành viên chưa được phép thực hiện, trừ trường hợp Chính phủ cho cơ chế đặc thù để đầu tư.
Trao đổi với báo chí cách đây một tuần, Trưởng ban Kế hoạch – tài chính của Vietnam Airlines, Dương Thanh Hiền, cho biết ông chưa rõ SCIC muốn đầu tư vào Vietnam Airlines như thế nào, vì hai bên chưa có bàn bạc gì chi tiết. Tuy nhiên, ông Hiền nhận định, đề xuất này khó thực hiện vì SCIC muốn đầu tư phải được sự chấp thuận, rồi thẩm định, thuê tư vấn đánh giá phương án đầu tư, góp vốn tái cấu trúc Vietnam Airlines… theo đúng quy định về góp vốn, mua cổ phần. Những việc như này nhanh nhất cũng phải mất từ sáu tháng trở lên, qua cơ hội “cấp cứu” cho Vietnam Airlines.
Theo đề xuất của Vietnam Airlines, Ủy ban Qản lý vốn nhà nước (CMSC) đã trình lên Chính phủ đề nghị giải cứu bằng cách cho hãng vay ưu đãi 12.000 tỉ đồng, lãi suất 0%. Trường hợp không thực hiện được phương án trên, đề nghị Nhà nước cho phép hãng vay vốn của các ngân hàng thương mại với lãi suất 0% trong thời hạn ba năm.
Phần Nhà nước hỗ trợ cho Vietnam Airlines thông qua bù lãi suất sẽ được tính thành vốn nhà nước bổ sung tại hãng, chuyển đổi sang cổ phiếu theo mệnh giá 10.000 đồng.
Mời xem thêm: