Sản phẩm của startup khó lên kệ siêu thị

[ad_1]

Đưa được hàng lên kệ siêu thị nhưng các startup lại không dễ mở rộng thị phần khi quy mô còn nhỏ, chưa đáp ứng đủ các quy chuẩn kỹ thuật.

Nhận xét này được ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Công Thương nêu tại hội thảo kết nối tiêu thụ sản phẩm doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo (startup) vào hệ thống phân phối bán lẻ, ngày 18/11.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, tỷ lệ hàng Việt vào hệ thống phân phối bán lẻ không ngừng tăng những năm qua, ở các siêu thị trong nước là 90% còn hệ thống phân phối nước ngoài là 70%.

Năm năm qua làn sóng khởi nghiệp lan rộng trong nhiều lĩnh vực, không ít doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng nhanh, thực phẩm… được thành lập, bước đầu thâm nhập vào hệ thống phân phối hiện đại như Lotte, Vinmart, Co.opmart.

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Công Thương phát biểu tại hội thảo kết nối sản phẩm startup vào siêu thị, kênh phân phối, ngày 18/11. Ảnh: Viên Chung

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Công Thương phát biểu tại hội thảo kết nối sản phẩm startup vào siêu thị, kênh phân phối, ngày 18/11. Ảnh: Viên Chung

Nhưng việc tham gia của họ vào chuỗi phân phối bán lẻ hiện đại không dễ khi quy mô còn nhỏ lẻ; chưa đáp ứng được những tiêu chí cơ bản như giấy tờ pháp lý, chứng nhận chất lượng, bao bì mẫu mã sản phẩm khi muốn đưa hàng lên kệ siêu thị.

Ở khía cạnh này, ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Khoa học & Công nghệ cũng nói, thị phần dành cho sản phẩm của các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại các kênh siêu thị, kênh phân phối hiện đại khá khiêm tốn, khi tập trung chủ yếu ở mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng nhanh.

“Doanh nghiệp khởi nghiệp ngành hàng tiêu dùng, thực phẩm muốn tìm chỗ đứng trong kênh bán lẻ hiện đại, siêu thị là chuyện không dễ dàng”, ông nhận xét.

Từ thực tế chọn lựa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ, ông Majima Fumihiro, Giám đốc khối Kinh doanh Công ty Acecook Việt Nam chia sẻ, định hướng khách hàng, mẫu mã, bao bì hay chất lượng sản phẩm là những yếu tố doanh nghiệp khởi nghiệp cần nắm vững khi đưa hàng vào siêu thị.

“Các doanh nghiệp cũng không nên bỏ qua những phản hồi từ khách hàng, vì đó là những đóng góp quý để họ cải tiến, thay đổi sản phẩm phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của thị trường”, ông nói.

Lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam tăng trưởng rất nhanh, với quy mô thị trường dự báo đạt 180 tỷ USD trong 3 năm tới. Cơ hội thị trường bán lẻ với các starup được đánh giá là rất lớn, ông Tùng cho rằng, các doanh nghiệp nên có những điều chỉnh kịp thời về cơ cấu, năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường trong, ngoài nước.

Ngoài hỗ trợ từ nhà quản lý, các doanh nghiệp cũng chủ động xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ bền vững tại doanh nghiệp. Bà Trần Kim Nga, Giám đốc đối ngoại MM Mega Market nhận xét, giải pháp này giúp giá bán ổn định, doanh nghiệp chủ động nguồn cung, chất lượng sản phẩm. Việc này có thể giải quyết bài toán về chất lượng nông sản, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng nông sản trong nước, nâng cao được giá trị gia tăng, từ đó hướng tới phát triển thị trường xuất khẩu.

Trong khi đó, bà Lại Đỗ Phương Vi, Giám đốc hợp tác chiến lược Smarlog Việt Nam góp ý, trong bối cảnh người dùng các sản phẩm kỹ thuật số tăng mạnh như hiện nay, thương mại điện tử cũng là hướng đi bền vững cho chuỗi cung ứng trong bối cảnh mới. Các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nên tập trung phát triển, xây dựng một nền tảng logistics phục vụ đưa hàng hóa vào hệ thống kênh siêu thị, mở thị trường, tăng trưởng doanh thu tốt hơn.

Về phía Bộ Công Thương, cơ quan này cho biết ngoài các chương trình kết nối giữa người sản xuất trong nước – nhà bán lẻ để đưa hàng hoá tới tay người tiêu dùng cuối cùng vẫn thường xuyên được tổ chức, cơ quan này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp nâng cao nhận thức về các tiêu chuẩn, quy chuẩn hàng vào hệ thống phân phối.

Anh Minh

[ad_2]