Các nghiên cứu dịch tễ cho thấy suy dinh dưỡng bào thai là yếu tố góp phần làm tăng các bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh thận và bệnh tim mạch khi trẻ trưởng thành. Người mẹ bị thiếu ăn hoặc ăn uống không hợp lý là nguyên nhân của suy dinh dưỡng bào thai (trẻ đẻ ra có cân nặng < 2.500g).
Theo kết quả điều tra toàn quốc năm 2015 cho thấy 32,8% phụ nữ có thai (PNCT), 25,5% phụ nữ tuổi sinh đẻ (PNTSĐ), 27,8% trẻ em (TE) dưới 5 tuổi bị thiếu máu. Tỷ lệ thiếu máu cao nhất ở te dưới 24 tháng tuổi (42.7- 45%). PNTSĐ khu vực miền núi có tỷ lệ thiếu máu cao nhất (27.9%), khu vực nông thôn và thành phố có thiếu máu thấp hơn với tỷ lệ tương ứng là 26.3 và 20.8%. Thiếu máu do thiếu sắt chiếm tỷ lệ 63,6 % TE; 54,3% PNCT và 37,7% PNTSĐ các trường hợp thiếu máu. Thiếu sắt chiếm tỷ lệ 50,3% TE; 47,3% PNCT và 23,6% PNTSĐ.
Phụ nữ dễ bị thiếu máu thiếu sắt hơn nam giới vì dự trữ sắt của họ thấp do mất máu trong các kỳ kinh nguyệt. Khi có thai, dự trữ sắt trong cơ thể phụ nữ không đáp ứng đủ việc tạo hồng cầu, do sự tăng thể tích máu ngày càng nhiều để nuôi thai nhi. Bệnh thiếu máu ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cả mẹ lẫn con.Người mẹ thiếu máu thường mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, khó thở khi gắng sức, khi đẻ có nhiều rủi ro, tỷ lệ tử vong khi đẻ ở những người mẹ thiếu máu cao hơn so với bà mẹ bình thường.Người ta đã coi thiếu máu là một yếu tố nguy cơ trong sản khoa.
Đối với thai nhi, thiếu máu thường gây tình trạng đẻ non và tử vong sơ sinh cao. Thiếu máu dinh dưỡng ở trẻ sơ sinh thường là do mẹ bị thiếu sắt nên lượng sắt dự trữ của cơ thể trẻ thấp. Khi mang thai tổng lượng sắt cần > 1.000mg hay nhu cầu sắt hàng ngày là 59,2mg sắt nguyên tố (so với 39,2mg/ngày ở phụ nữ không có thai).
Cần phải bổ sung sắt, acid folic bằng đường uống
Ở nước ta, những kiến thức về chăm sóc sức khỏe bà mẹ khi mang thai đã được phổ biến rộng rãi. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều phụ nữ không được tiếp cận đầy đủ những thông tin về dinh dưỡng hợp lý để chuẩn bị cho việc đón đứa con chào đời thông minh và khỏe mạnh. Theo kết quả của một số nghiên cứu, để hỗ trợ thai nhi phát triển tối ưu, các vi chất dinh dưỡng như sắt, acid folic, kẽm, canxi… và các vitamin đóng một vai trò hết sức quan trọng. Đây là vấn đề đang được quan tâm ở Việt Nam, vì tình trạng thiếu vi chất ở bà mẹ mang thai chưa được quan tâm đầy đủ. Bổ sung sắt, acid folic đầy đủ sẽ giúp cải thiện sức khỏe bà mẹ và thai nhi.
Sắt trong cơ thể có vai trò rất quan trọng vì đây là yếu tố cần thiết để tạo hồng cầu.Sắt có nhiệm vụ vận chuyển oxy và CO2 trong quá trình hô hấp, có vai trò quan trọng trong sự phát triển trí não ở trẻ nhỏ.Sắt còn giúp bảo vệ cơ thể không bị nhiễm khuẩn vì sắt tham gia vào thành phần của một enzym trong hệ miễn dịch, sắt giúp biến đổi betacaroten thành vitamin A, giúp tạo collagen (giúp gắn kết các mô cơ thể).Nếu sắt không được cung cấp đủ sẽ đưa đến thiếu máu thiếu sắt. Lượng sắt ở trẻ sơ sinh là 250mg, ở trẻ 1 tuổi khoảng 420mg và ở người trưởng thành khoảng 3.500mg – 4.000mg.
Acid folic (hay còn gọi là folat, vitamin B9) rất cần thiết cho sự phát triển, phân chia tế bào và cho sự hình thành tế bào máu.Nhu cầu acid folic trung bình ở người trưởng thành 400µg/ngày. Nhu cầu này tăng lên trong thời kỳ mang thai (600µg/ ngày) để đáp ứng cho sự phân chia tế bào cũng như sự tăng kích thước của tử cung.
Acid folic rất cần cho quá trình tổng hợp nhân tế bào acid deoxyribo nucleic (AND), acid ribo nucleic (ARN) và protein; cho sự hình thành nhau thai; sự tăng trưởng của bào thai. Do số lượng tế bào hồng cầu gia tăng theo sự gia tăng của khối lượng máu và do tăng thải folate qua nước tiểu trong khi mang thai, nên phụ nữ mang thai thường hay thiếu acid folic. Sự thiếu hụt này sẽ làm thiếu máu hồng cầu; nguy cơ sẩy thai cao; sinh non, sinh con nhẹ cân.
Đặc biệt, việc thiếu acid folic có thể gây khuyết tật ống thần kinh của thai nhi, gây nứt đốt sống và não úng thủy (não có nước). Nứt đốt sống là một khuyết tật, trong đó một bộ phận của một hay nhiều đốt sống không phát triển trọn vẹn, làm cho một đoạn tủy sống bị lộ ra.Nứt đốt sống có thể xảy ra ở bất cứ đốt sống nào nhưng thường gặp ở dưới thắt lưng và mức độ nghiêm trọng tùy vào số mô thần kinh bị phô bày. Sự hoàn thiện của việc khép ống thần kinh kết thúc vào ngày thứ 28 của thai kỳ. Cho nên, bổ sung acid folic trước khi thụ thai mới có hiệu quả dự phòng khuyết tật ống thần kinh cho thai nhi.
Mỗi phụ nữ mang thai đều có nguy cơ tiềm ẩn sinh ra những em bé bị nứt đốt sống, cho dù họ bao nhiêu tuổi, con so (lần đầu) hay con rạ (từ lần hai) mặc dù lần mang thai trước đó bà mẹ đã sinh ra đứa trẻ khỏe mạnh. Tuy vậy, một số trường hợp phụ nữ cần phải bổ sung acid folic (theo chỉ định của nhân viên y tế) sau:
– Tình trạng dinh dưỡng kém, bị sụt cân, ăn ít, khẩu phần ăn không cân đối, thiếu vi chất dinh dưỡng.
– Có giai đoạn không ăn được do mệt mỏi, chán ăn hay lo lắng nhiều.
– Mới sẩy thai, hay thai chết lưu.
– Làm việc vất vả hoặc bị căng thẳng thần kinh.
– Phụ nữ đẻ dày, đẻ nhiều, có thể để lại hậu quả tình trạng dinh dưỡng kém, nên rất cần cung cấp đủ acid folic trước khi mang thai.
– Có tiền sử sinh con khiếm khuyết ống thần kinh.
– Nghiện cà phê, rượu hay thuốc lá.
Nhiều nghiên cứu lớn trên thế giới gần đây đã chỉ ra rằng, nồng độ acid folic đủ cao trong máu người mẹ rất cần thiết cho việc đóng ống thần kinh bình thường ở thai nhi. Có thể ngăn ngừa 70% – 80% số trẻ bị dị dạng ống thần kinh nếu trước và trong thời gian mang thai người mẹ được bổ sung acid folic đầy đủ.
Các giải pháp phòng chống thiếu sắt và acid folic
Ăn uống hợp lý, đa dạng các loại thực phẩm là biện pháp phòng chống thiếu vi chất tốt nhất. Trước và trong khi có thai, cần có khẩu phần ăn đủ số lượng và cân đối về chất lượng để đảm bảo cung cấp đủ vitamin, các khoáng chất và các yếu tố vi lượng. Để phòng thiếu acid folic và sắt, nên ăn các loại thịt có màu đỏ như thịt lợn, thịt bò, gan, các loại rau có màu xanh thẫm như bông cải, các loại đậu, ngũ cốc. Để tăng quá trình chuyển hóa và hấp thu sắt, cần tăng cường vitamin C, nên cần ăn đủ rau xanh và hoa quả chín.
Phụ nữ dự định mang thai, mang thai và cho con bú nên sử dụng thực phẩm có tăng cường sắt/acid folic để đảm bảo cung cấp đủ lượng sắt và acid folic hàng ngày, kết hợp với các vitamin và khoáng chất khác.
Bổ sung sắt, acid folic bằng đường uống: phụ nữ là đối tượng rất dễ bị thiếu sắt và acid folic và trong một số trường hợp, sự bổ sung hai chất dinh dưỡng này thông qua ăn uống là không đủ, do vậy, cần phải bổ sung bằng đường uống thuốc. Phụ nữ không mang thai bổ sung sắt/acid folic mỗi tuần 1 viên (60mg sắt nguyên tố, 2.800µg acid folic) trong thời gian 3 tháng, nghỉ 3 tháng, sau đó tiếp tục bổ sung 3 tháng.
PNCT cần uống bổ sung viên sắt/acid folic 1 viên/ngày (60mg sắt nguyên tố và 400µg acid folic) từ khi phát hiện có thai đến sau khi sinh 1 tháng. Để tránh tác dụng phụ (như buồn nôn, táo bón…) của viên sắt nên uống sau bữa ăn 1 – 2 giờ, sắt hấp thu tốt khi trong khẩu phần ăn sử dụng những thực phẩm có nhiều vitamin C. Không uống sắt cùng với chè, cà phê vì chất tanin trong chè, cà phê sẽ giảm hấp thu sắt.
Theo Suckhoedoisong.vn