Phát hiện manh mối sự sống ngoài hành tinh trên sao Kim | Công nghệ

Sao Kim là hành tinh nóng nhất của hệ mặt trời, với nhiệt độ bề mặt trung bình khoảng 462°C, đủ nóng để làm tan chảy kim loại chì, còn khí quyển chứa toàn C02.

Tuy nhiên, đội ngũ chuyên gia do Giáo sư Jane Greaves của Đại học Cardiff (Anh) dẫn đầu đã phát hiện sự tồn tại của phosphine, một dạng khí dễ cháy mà trên Trái đất thường xuất hiện trong quá trình phân rã chất hữu cơ.

Họ đã sử dụng kính viễn vọng James Clerk Maxwell ở tiểu bang Hawaii (Mỹ) và đài thiên văn vô tuyến ALMA ở Chile để quan sát tầng mây trên cùng của sao Kim, ở độ cao khoảng 60 km tính từ bề mặt.

“Tôi hết sức ngạc nhiên, nói đúng hơn là bất ngờ (trước phát hiện mới)”, Giáo sư Greaves đề cập đến báo cáo đăng trên chuyên san Nature Astronomy. Bà cho hay đây là lần đầu tiên phosphine được tìm thấy trên một hành tinh đá ngoài Trái đất.

Sự sống ngoài Trái đất luôn là một trong những lĩnh vực được đẩy mạnh nghiên cứu. Các nhà khoa học đã sử dụng phi thuyền, kính viễn vọng để tìm kiếm “các tín hiệu sinh học” trên các hành tinh và mặt trăng thuộc hệ mặt trời và xa hơn nữa.

“Với những gì mà chúng ta hiện biết về sao Kim, cách giải thích hợp lý nhất cho sự có mặt của phosphine chính là sự sống”, theo đồng tác giả báo cáo Clara Sousa-Silva của Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ).
Giám đốc NASA Jim Bridenstine vô cùng phấn khởi trước phát hiện đột phá trên và lập tức tuyên bố trên Twitter: “Đã đến lúc ưu tiên khám phá sao Kim”.

“Sự sống trên sao Kim? Việc phát hiện phosphine, phụ phẩm trong quá trình sinh học yếm khí, là diễn biến quan trọng nhất từ trước đến nay trong nỗ lực tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất”, ông Bridenstine cho biết.




Nguồn