Pháp siết mạng xã hội

Quốc hội Pháp vừa thông qua đạo luật buộc các mạng xã hội phải loại bỏ nội dung “bất hợp pháp” trong 24 giờ nếu bị gắn cờ vi phạm.

Có tên gọi là “Lutte contre la haine sur internet”, đạo luật yêu cầu các nền tảng kỹ thuật số phải xóa bình luận phân biệt đối xử, phát ngôn thù hận, lạm dụng tình dục… trong vòng 24 giờ sau khi người dùng gắn cờ. Trong khi đó, các nội dung mang tính chất nghiêm trọng hơn, như khủng bố, khiêu dâm trẻ em phải loại bỏ trong vòng một giờ sau khi được phát hiện.

Pháp vừa thông qua đạo luật về kiểm duyệt mạng xã hội để ngăn chặn các thông tin bất hợp pháp. Ảnh: Assemblee-nationale.

Pháp vừa thông qua đạo luật về kiểm duyệt mạng xã hội để ngăn chặn các thông tin “bất hợp pháp”. Ảnh: Assemblee-nationale.

Dựa theo đạo luật, nếu mạng xã hội nào không tuân thủ sẽ bị phạt 1,25 triệu euro. Tuy nhiên, nếu xóa nhầm nội dung không vi phạm, các nền tảng chỉ cần phục hồi lại mà không bị phạt.

Theo Forbes, dự luật được đệ trình lên Hội đồng Nhà nước Pháp từ 2019 và đã được tham vấn bởi 1.415 người. Tuy nhiên, nó không được thông qua cho đến khi Covid-19 bùng phát. Một số ý kiến cho rằng, những thông tin sai lệch về đại dịch lan truyền trên mạng xã hội là động lực thúc đẩy chính phủ Pháp thông qua đạo luật sớm hơn dự định.

Thực tế, chính quyền Pháp dường như đã lường trước được những nguy cơ liên quan đến tin giả về Covid-19. Trong tháng 3, nước này đã ra tuyên bố nhằm đính chính các thông tin sai lệch về virus corona đang lan truyền. Vào tháng 5, Pháp cũng ra website, trong đó tổng hợp các nội dung sai thực tế về đại dịch để người dân tham khảo.

Theo CNN, động thái siết chặt các thông tin sai lệch trên mạng xã hội của Pháp được đánh giá tích cực. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng đạo luật có thể cung cấp cho chính phủ khả năng kiểm duyệt các hoạt động trực tuyến “chưa từng có”. Thậm chí, đại diện La Quadrature du Net, một hiệp hội chống kiểm duyệt và giám sát Internet, lo ngại luật này có thể trở thành “công cụ lạm dụng quyền lực để kiểm duyệt Internet với mục đích chính trị” cho giới lãnh đạo Pháp, cũng như vi phạm quyền tự do ngôn luận của người dân.

Trước Pháp, Đức từng thông qua Đạo luật Thực thi Mạng (NetzDG) vào năm 2017, áp dụng đầu 2018. Đạo luật này cũng ngăn các nội dung gây thù hận, kích động, vi phạm pháp luật trên mạng xã hội, đồng thời yêu cầu xóa chúng trong 24 giờ cho đến 7 ngày tùy vào mức độ nghiêm trọng. Nếu không chấp hành, mạng xã hội sẽ phải nộp phạt 5 triệu – 500 triệu euro.

Tuy vậy, NetzDG ngay từ khi còn là dự thảo đã gây tranh cãi và bị phản đối. Wenzel Michalski, Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) tại Đức, cho rằng đạo luật này “mơ hồ”, có thể “biến các công ty tư nhân thành nhà kiểm duyệt nhiệt tình cho chính phủ để tránh bị phạt nặng”.

Trong khi đó, nhóm chuyên gia từ Đại học British Columbia và Đại học Amsterdam đã thống kê việc người dân chấp hành NetzDG và cho thấy nó “không hiệu quả, thậm chí phản tác dụng” khi số lượng các ngôn từ kích động trên mạng xã hội có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết cần thêm thời gian để phân tích dữ liệu lớn, trước khi đưa ra thông tin đầy đủ về các tác động từ đạo luật này.

Bảo Lâm

Nguồn