Nông dân Afghanistan sa bước đường cùng

[ad_1]

Vườn lựu của Abdul Hamid tiêu điều từ lâu vì bom đạn và hạn hán, buộc ông phải đốn sạch để trồng cây anh túc làm thuốc phiện.

Lựu, loài cây đặc sản của tỉnh Kandahar, giờ đây không đem lại lợi ích kinh tế cho nông dân trong vùng như trước. Sau 20 năm chiến sự triền miên, vùng đất nhiều biến động ở miền nam Afghanistan này tiếp tục lao đao vì hạn hán.

Gia đình Abdul Hamid tại quận Afghandab cũng không phải ngoại lệ. Không đủ nước tưới tiêu vì hạn hán, người đàn ông 80 tuổi cũng như nhiều nông dân trong vùng đã trải qua nhiều vụ mùa lựu thất bát.

Chiến dịch quân sự tổng lực của Taliban trong năm qua khiến khó khăn thêm chồng chất. Tháng này, ông bắt đầu tự tay đốn sạch cả khu vườn 800 gốc lựu đã kế thừa qua bao thế hệ, dành đất tìm lối thoát cho gia đình bằng anh túc.

Theo Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC), Afghanistan là nguồn cung cấp thuốc phiện lớn nhất thế giới, chiếm 80% sản lượng toàn cầu. Trong 20 năm hiện diện tại Afghanistan, Mỹ và đồng minh đã chi hàng tỷ USD để xóa bỏ anh túc nhưng không đạt tiến triển nào. Diện trích trồng anh túc năm 2020 khoảng 224.000 hecta, tăng 37% so với năm trước.

Người dân Afghanistan và giới phân tích lo ngại hiện tượng nông dân quay trở lại với “vòng tay anh túc” ở Arghandad sẽ lan rộng, đặc biệt khi quốc gia Trung Á đang loay hoay giữa khủng hoảng kinh tế và thiếu tiền mặt từ lúc Taliban lên nắm quyền.

“Năm tới bạn sẽ thấy nhiều cánh đồng hoa anh túc. Giờ chúng tôi chẳng còn gì khác”, Mohammed Omar, một nông dân 53 tuổi trong vùng, chia sẻ.

Cánh đồng hoa anh túc ở Maiwand, Afghanistan được thu hoạch vào tháng 11. Ảnh: NY Times.

Cánh đồng hoa anh túc ở Maiwand, Afghanistan được thu hoạch vào tháng 11. Ảnh: NY Times.

Cây lựu từng là niềm tự hào của Arghandab và là mặt hàng giá trị xuất khẩu tới Pakistan, Ấn Độ và các nước vùng vịnh Ba Tư. Tuy nhiên, cây lựu bị đe dọa khi biến đổi khí hậu khiến dòng sông Arghandab cạn nước qua từng năm.

Pakistan và Ấn Độ cũng kiểm soát biên giới nghiêm ngặt hơn từ khi Taliban lên nắm quyền, khiến đầu ra cho nông sản ngày thêm eo hẹp.

Vào tháng 10/2020, Taliban mở chiến dịch quân sự tấn công vào Arghandab, giữa lúc nông dân chuẩn bị thu hoạch lựu. Mìn tự chế được cài khắp nơi, khiến nhiều nông dân thiệt mạng khi cố thu hoạch hoặc canh giữ vùng đất của gia đình. Chiến dịch của Taliban còn cắt đứt nhiều tuyến đường trọng yếu, ngăn người dân đưa lựu đến nơi tiêu thụ.

Safiullah, một chiến binh Taliban 21 tuổi, vừa được biên chế vào lực lượng cảnh sát của chính quyền mới. Những khu vườn Arghandab không còn lạ lẫm gì với tay súng trẻ. Anh nói suốt năm qua đã nhiều lần len lỏi ở khu này để phục kích lực lượng an ninh của chế độ cũ.

“Nhiều khu vườn bị hủy diệt trong bom đạn. Tôi cũng buồn khi chứng kiến những mảnh đất xinh đẹp này bị tàn phá”, Safiullah chia sẻ.

Phải đến tháng 8, khi tỉnh Kandahar nằm hoàn toàn dưới quyền kiểm soát của Taliban, nông dân vùng Arghandab mới biết đến bình yên. Gần một năm chiến sự liên miên khiến những vườn lựu trở nên tiêu điều.

Cuộc khủng hoảng kinh tế sau khi Taliban lên nắm quyền khiến nỗ lực vay tiền khôi phục sản xuất trở thành ước mơ xa vời với nông dân trong vùng.

Lewanai Agha gần bước sang tuổi 80. Gần như cả cuộc đời ông gắn liền với cây lựu, chưa từng tính chuyện bỏ nghề dù đã chứng kiến nhiều biến động và vô số cuộc chiến tranh.

Nhưng đến năm ngoái, tình hình khắc nghiệt đến mức ông chấp nhận bỏ cuộc. Thu nhập của cả gia đình giảm còn 620 USD trong năm 2020, so với khoản thu 9.300 USD một năm trước. Gia đình ông có 6 người thiệt mạng trong những cuộc đụng độ giữa quân chính phủ cũ và Taliban. Năm nay, cả mảnh vườn chỉ còn hai cây lựu trổ quả. Dấu vết bom đạn vẫn hằn sâu trên thân cây. Agha nói năm sau ông sẽ trồng đan xen cây anh túc.

Theo giới quan sát, lợi ích kinh tế tính trung bình theo diện tích của hoa anh túc trong nhiều năm qua không bằng cây lựu ở Arghandab, nhưng người dân có thể trông cậy vào tính ổn định tài chính của nó. Loài cây này cần ít nước hơn, trong khi đầu ra và khâu vận chuyển được một mạng lưới buôn lậu bảo kê, nên người dân không sợ đóng biên.

“Tình cảnh này khiến nông dân Afghanistan phải cân nhắc. Họ thấy rõ rủi ro ngày càng lớn khi trồng cây lựu truyền thống”, David Mansfield, chuyên gia về những nền kinh tế ngầm, nhận định.

Nông dân Arghandab tự tay phá bỏ vườn lựu chuyển sang trồng hoa anh túc. Ảnh: NY Times.

Nông dân Arghandab phá bỏ vườn lựu để chuyển sang trồng hoa anh túc. Ảnh: NY Times.

Khái niệm cuộc sống “nông nhàn” trở nên quá xa lạ với người dân Arghandab. Hạn hán buộc họ đào giếng sâu hơn trước. Những cánh đồng lương thực hay vườn lựu cần được rà phá bom mìn, trong khi Taliban chưa có kế hoạch tháo gỡ những quả mìn mà họ đã cài trên mảnh đất.

Hamidullah, thương lái 35 tuổi, nói ông thu mua lựu từ Arghandab rồi chuyển đến khắp các thành phố Afghanistan trong 10 năm qua. “Nếu tình hình không thay đổi, tôi e là vài năm tới sẽ chẳng còn cây lựu nào nữa”, ông chia sẻ.

Hoa anh túc không phải lối thoát tuyệt đối an toàn cho người dân Afghanistan. Dù Taliban từng dựa vào loại cây này để sản xuất thuốc phiện, tạo nguồn thu cho cuộc chiến với Mỹ cùng đồng minh, họ đã gửi tín hiệu sẽ đoạn tuyệt với mua bán thuốc phiện sau khi lên nắm quyền, tương tự giai đoạn lãnh đạo cuối thập niên 1990.

Trả lời họp báo đầu tuần qua, người phát ngôn Zabihullah Mujahid nói Taliban chưa có ý định dẹp toàn bộ hoa anh túc trong tương lai gần. Ông thừa nhận người dân đang chật vật với khủng hoảng kinh tế và Taliban khó quyết định cắt nốt đường sống duy nhất của họ. Tuy nhiên, ông vẫn khuyến khích những nông dân đang trồng hoa anh túc cân nhắc hướng đi khác.

Thủ lĩnh Taliban ở Arghandab thời gian qua chấp nhận ngó lơ cho nông dân trồng anh túc vì hiểu rõ tình hình ngặt nghèo của địa phương. Tuy nhiên, giới lãnh đạo Kabul vẫn có thể đổi ý và ra lệnh xóa sổ loại cây này trong tương lai.

“Đây là hành động đáng hổ thẹn, chúng tôi biết, nhưng không còn cách nào khác”, Omar, một nông dân trồng anh túc ở Arghandab, nói khi đứng cạnh những gốc lựu bị chặt. “Ở đây ai cũng chặt hết cây lựu rồi”.

Trung Nhân (Theo NY Times)

[ad_2]