Xu hướng bán và mua hàng qua các kênh trực tuyến đang tăng khi Covid-19 bùng phát và chiến tranh thương mại Mỹ – Trung căng thẳng.
Mặc dù thương mại điện tử đã trở thành một phần của cuộc sống hiện đại trên khắp thế giới qua các kênh Amazon, Alibaba, doanh thu từ mua sắm trực tuyến vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng doanh số bán lẻ. Ngay cả ở Trung Quốc, doanh số bán hàng trực tuyến vẫn chỉ chiếm một phần tư tổng doanh số bán lẻ.
Tuy nhiên, con số này tại Trung Quốc và thế giới đang tăng nhanh. Nhiều doanh nghiệp đang tận dụng các nền tảng thương mại điện tử để bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng khắp thế giới, thay vì thông qua các hệ thống phân phối truyền thống.
Giám đốc công ty tư vấn Alvarez & Marsal, chuyên tập trung vào các hoạt động bán lẻ ở châu Á, cho biết, hiện nay các đơn vị bán lẻ ở Trung Quốc đang tăng cường bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng ở nước ngoài thông qua các trang web mua sắm trực tuyến quốc tế. Điều này giúp ngăn bớt đà sụt giảm xuất khẩu của Trung Quốc do chiến tranh thương mại và căng thẳng chính trị giữa nước này với các nước khác. Bằng chứng về xu hướng này là sự gia tăng của các trang web mua sắm trực tuyến quốc tế, như AliExpress và Globalsource.com.
Xu hướng mua sắm qua mạng đặc biệt tăng nhanh ở khu vực Đông Nam Á. Giá trị mua sắm trực tuyến của khu vực có 570 triệu dân này dự kiến sẽ tăng lên 300 tỷ USD vào năm 2025, theo báo cáo “e-Conomy SEA 2019” của Google. Đó là ước tính trước khi có đại dịch virus corona. Sự xuất hiện của đại dịch gia tăng nhanh hơn nhu cầu mua sắm trực tuyến do nhiều người phải cách ly ở nhà.
Tổng giám đốc Eyal Moldovan của Pyaoneer, một nền tảng thanh toán tài chính quốc tế cho biết, công ty của ông đã chứng kiến khối lượng giao dịch trong tháng 5 và tháng 6 tăng gấp ba so với năm ngoái. Bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng qua mạng Internet sẽ phát triển mạnh và người Trung Quốc đang chiến thắng lớn nhất do họ đã nhanh chóng thích nghi và sẵn sàng đáp ứng mọi phương thức mua sắm của người tiêu dùng.
Ví dụ chuỗi cửa hàng gia dụng và hàng tiêu dùng Miniso cho biết họ vẫn giữ kế hoạch ra mắt 100 sản phẩm mới mỗi tuần ngay cả khi đại dịch bùng phát. Miniso đã chuyển nhiều sang hoạt động bán hàng trực tuyến qua mạng. Ngay cả phải nhận cú sốc kinh tế do virus, người tiêu dùng Mỹ vẫn tích cực mua sắm. Vincent Huang, Phó chủ tịch bộ phận kinh doanh quốc tế của Miniso, cho biết, trước đây mỗi khách hàng thường chi 12 USD khi tới cửa hàng truyền thống, nay họ chi từ 60 đến 70 USD cho mỗi lần mua sắm qua mạng. Vincent Huang cho biết thêm công ty có kế hoạch mở rộng kinh doanh sau đại dịch và dự kiến sẽ giảm 20 đến 30% giá bán lẻ của hàng hóa nhờ vào việc cải thiện hiệu quả của chuỗi cung ứng. Hầu hết nhà cung ứng của Miniso đến từ Trung Quốc. Tính đến cuối năm 2019, công ty đã có hơn 3.900 cửa hàng và có mặt tại hơn 70 nước và khu vực khắp thế giới.
Tác động từ căng thẳng thương mại
Các nhà máy Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh việc bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng cá nhân theo mô hình “từ doanh nghiệp sản xuất đến người tiêu dùng” (B2C) thông qua các nền tảng thương mại điện tử, thay vì các nhà phân phối bán buôn. Nhờ đó, người mua có thể lựa chọn các phiên bản khác nhau của một mặt hàng, trong khi các nhà máy có thể giải quyết hàng tồn kho.
Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung đang thúc đẩy các doanh nghiệp Trung Quốc tìm tới các thị trường mới và các nền tảng thương mại khác.
Công ty sản xuất máy pha cà phê HiBrew có trụ sở tại Quảng Đông bắt đầu bán hàng thông qua AliExpress từ tháng 7/2019. Đây một phần trong nỗ lực tiếp cận thị trường châu Âu của công ty, theo Zeng Qiuping , Tổng giám đốc HiBrew. Trước đó, thị trường chính của công ty là Mỹ, nhưng thuế quan tăng cao khiến công ty không thể bán được hàng.
Môi trường thương mại quốc tế đang khiến việc bán buôn theo mô hình từ “doanh nghiệp sản xuất đến doanh nghiệp phân phối” (B2B) trở nên khó khăn hơn, trong khi mạng lưới dịch vụ hậu cần đã cải thiện, cho phép người bán tiếp cận nhiều khách hàng hơn. Phần lớn nhà máy vẫn cần dựa vào chuỗi cung ứng bán buôn truyền thống để tồn tại, Zeng nói. Tuy nhiên, mô hình tiêu thụ B2C sẽ tiếp tục phát triển mạnh.
Bán hàng trực tuyến thúc đẩy phát triển dịch vụ hậu cần
Theo công ty dịch vụ hậu cần Cainiao thuộc Alibaba, nền tảng thương mại điện tử Taobao của Alibaba đã ra mắt một “phiên bản đặc biệt” hồi tháng 3 tập trung hỗ trợ các nhà máy đang bị hoãn hoặc hủy đơn đặt hàng do virus corona. Trong lần ra mắt đầu tiên, nền tảng mới đã thu hút 300.000 nhà máy Trung Quốc đăng ký và thực hiện khoảng 110 triệu đơn đặt hàng. Tính đến tháng 7, ít nhất 1,2 triệu nhà máy đã tham gia vào nền tảng này, với doanh số tăng gấp sáu lần so với tháng 6, theo Cainiao.
Mua sắm trực tuyến gia tăng đang thúc đẩy nhu cầu về dịch vụ giao nhận hàng trên khắp thế giới.
Công ty DHL của Đức cho biết lợi nhuận tăng 16% trong quý II, so với cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 890 triệu euro. Kể từ cuối tháng 3, công ty đã ghi nhận sự tăng trưởng tích cực về khối lượng hàng hóa vận chuyển nhờ sự gia tăng mua sắm qua mạng của người tiêu dùng cả trong và ngoài nước Đức.
Công ty chuyển phát nhanh Trung Quốc SF Express cho biết số lượng đơn vận chuyển hàng hóa của họ đã tăng 84,22% sau một năm, từ 374 triệu đơn tháng 6/2019 lên 689 triệu tháng 6/2020.
“Quy mô dịch vụ hậu cần của Trung Quốc là lớn nhất”, ông Charles Guowen Wang, giám đốc Viện Phát triển Chính sách cho biết trong cuộc phóng vấn với CNBC.
Công nghệ sẽ cải thiện dịch vụ hậu cần
Một vài dự án khởi nghiệp của Trung Quốc đang tận dụng xu hướng này. Mingming Huang, đối tác sáng lập của Quỹ Future Capital Discovery tuyên bố: Virus khiến các đơn hàng tăng nhanh hơn buộc nền công nghiệp logistic phải phát triển công nghệ số hóa nhằm tăng tính hiệu quả. “Tương lai, một công ty logistic tốt nhất phải là một công ty công nghệ”, Huang nói.
Quỹ này đang đầu tư vào một số công ty, như Duckbill, Inteluck và Syrius. Duckbill phát triển chương trình trí thông minh nhân tạo để giúp các xe tải vận chuyển hiệu quả hơn. Inteluck xây dựng nền tảng dịch vụ hậu cần bên thứ ba ở Đông Nam Á và Syrius Robotics cung cấp dịch vụ kho bãi và dịch vụ hậu cần tự động hóa.
Nghĩa Lê (theo CNBC)