Nhân viên Apple Store bất lực trước sự ngược đãi

[ad_1]

Nếu ai đó hỏi Jimmy Bailey rằng điều gì đã giết người bạn thân nhất của anh, câu trả lời là: Apple.

“Không điều gì trong cuộc sống hàng ngày có thể khiến cậu ấy phải hành động như vậy, trừ công việc”, Bailey nói về Mark Calivas, từng làm tại Apple Store và đã tự tử vì trầm cảm.

Calivas bắt đầu làm tại Apple Store Southpoint ở Durham, Bắc Carolina từ tháng 3/2013. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, Calivas cảm thấy nơi đây như ngôi nhà thứ hai, mang đến cho anh sự an toàn cũng như nền tảng tương lai đang hướng đến.

Ảnh: The Verge

Ảnh: The Verge

Thế nhưng, khoảng thời gian đó không tồn tại lâu, khi cửa hàng có quản lý mới với tính cách độc đoán và luôn phạt nhân viên mỗi khi có thể. Theo những người làm việc tại Apple Store Southpoint, quản lý này không thích Calivas.

“Bà ấy ghét Mark, chỉ trích anh ấy không đủ giỏi, không có gì đặc biệt và không trao cơ hội, dù anh ấy rất cố gắng”. Sau nhiều năm, Calivas mất dần sự tự tin, bị mắc kẹt trong công việc. Đầu năm nay, anh xin nghỉ để điều trị trầm cảm, sau đó tự tử.

Nhiều nhân viên tại đây đã gửi đơn khiếu nại lên cấp cao hơn. “Chúng tôi đã nộp 3-4 đơn khiếu nại cùng 6 lần tố cáo, nhưng không ai giải quyết. Dần dần, chúng tôi mất hy vọng rằng có ai đó sẽ xử lý người phụ nữ kia”, một cựu nhân viên Apple nói.

Trong khi đó, Apple cho biết hãng luôn xem xét về quyền riêng tư và các quyền lợi khác của nhân viên, nhưng từ chối “thảo luận về các vấn đề cụ thể”.

Câu chuyện trên là ví dụ điển hình cho những áp lực vô hình có thể xảy ra với nhân viên làm việc theo ca tại Apple. Khi họ có một quản lý tồi, những lần trừ lương hay những cuộc tấn công dồn dập trong công việc, không ai đứng ra bảo vệ quyền lợi cho họ. “Công ty đưa ra quyết định dựa trên những gì xảy ra ở cửa hàng mà không cần nói chuyện với người làm việc trong đó để hiểu rõ vấn đề”, một cựu nhân viên Apple nói.

Những người từng làm tại trụ sở Apple ở Cupertino cũng phàn nàn nhiều lần rằng công ty chỉ quan tâm đến việc bảo vệ bản thân doanh nghiệp hơn là lực lượng lao động. Tuy nhiên, tình cảnh của nhóm người làm việc theo giờ tại đây còn tệ hơn thế.

Trong 5 tháng qua, lực lượng lao động theo ca của Apple đã lên tiếng yêu cầu sự minh bạch trong trả lương. Một số đã phát động các phong trào, như #AppleToo để kêu gọi công ty đưa ra điều kiện làm việc tốt hơn.

The Verge đã nói chuyện với 16 nhân viên và cựu nhân viên Apple trong nhóm bán lẻ, hỗ trợ và bán hàng. Họ cho biết ý kiến của họ về điều kiện làm việc và lương bổng hầu như bị công ty bỏ qua. Số khác thấy bị chi phối bởi các thuật toán và hệ thống máy tính hơn là người quản lý thực tế, khiến việc nhận sự trợ giúp toàn diện rất khó khăn. Tất cả thừa nhận bắt đầu làm việc tại Apple với niềm tin vào sứ mệnh của công ty, nhưng dần suy sụp theo thời gian.

“Apple nói linh hồn của công ty chính là những người như chúng tôi, nhưng tôi thực sự không cảm thấy như vậy”, một người nói.

Theo Glassdoor, nhân viên bán lẻ của Apple kiếm trung bình từ 19 đến 25 USD tại Mỹ. Đây là mức thu nhập tốt, nhưng một số nói, sau 6 năm ở công ty, họ vẫn chỉ kiếm được ít hơn 21 USD một giờ.

Vấn đề đánh giá nhân viên cũng được chú ý. Apple sử dụng thứ gọi là “điểm số của người quảng bá” để xem các cửa hàng hoạt động hiệu quả thế nào. Trước khi rời đi, đôi khi khách hàng sẽ nhận được một cuộc khảo sát yêu cầu đánh giá nhân viên cũng như trải nghiệm tổng thể tại Store.

Điểm thấp thường có thể do các yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của nhân viên, chẳng hạn thiếu hàng hoặc thời gian chờ đợi lâu. Dù vậy, không ít khách hàng vẫn chấm điểm kém trong khảo sát, khiến nhân viên bị khiển trách theo mức độ, dù lỗi không phải ở họ.

“Apple luôn đặt khách hàng trên nhân viên theo một cách có hệ thống”, một người từng làm việc tại Apple Store nói.

Có những vấn đề xuất phát từ Apple, nhưng nhân viên là người chịu trận. Năm 2017, công ty dính bê bối giảm hiệu năng iPhone sau khi có người phát hiện việc thay pin sẽ giúp smartphone nhanh hơn.

Để dập tắt sự phẫn nộ của công chúng, Apple cho biết sẽ thay pin iPhone miễn phí trong một năm. Theo một cựu nhân viên, công ty yêu cầu nhân viên bán lẻ hoàn thành việc thay pin trong vòng chưa đầy 10 phút.

Kết quả, nhân viên Apple Store cảm thấy như “một thảm họa” giáng xuống đầu, bởi việc thực hiện như vậy là không thể. “Bạn không thể liên tục thay pin trong 10 phút trong thời gian dài”, một cựu giám đốc bán lẻ của Apple nói.

Ảnh: The Verge

Ảnh: The Verge

Vào những ngày đầu tháng 3/2020 khi Covid-19 bùng phát tại Mỹ, Apple tạm thời đóng các cửa hàng. Tại Pennsylvania, một nhân viên được chọn để tư vấn online cho khách hàng muốn hỗ trợ kỹ thuật. Người này nghĩ việc có thể làm tại nhà dường như là giải pháp hoàn hảo để giữ an toàn và tiếp tục kiếm tiền.

Thế nhưng, công việc căng thẳng ngay từ đầu. Anh và những người khác phải dành 8 giờ mỗi ngày để giải quyết những thắc mắc nhỏ nhặt của khách hàng. Các cuộc gọi cũng được đánh giá dựa trên thời gian gọi và sự hài lòng, điểm số trở thành gánh nặng. Họ có thể được thăng chức, nhưng cũng bị đưa vào diện nguy hiểm dựa trên điểm số này.

Trong đại dịch, Apple không tăng lương cho nhân viên dù khối lượng công việc tăng. Điều công ty làm là gửi cho họ một chiếc áo sơ mi có số 14 lớn ở phía sau. Đó là những chiếc áo còn sót lại sau sự kiện WDC ra mắt iOS 14 hồi tháng 6/2020.

“Cái áo như cái tát vào mặt. Chúng tôi muốn tăng lương vì đã kiêm nhiệm 2, 3 công việc. Họ không biết chúng tôi phải đối mặt với sự la mắng mỗi ngày từ khách hàng – những người thậm chí không đối xử với chúng tôi như con người”, một cựu nhân viên bức xúc.

Vào tháng 9, Apple thông báo tất cả nhân viên bán lẻ làm việc tại công ty từ 31/3 về trước sẽ nhận được tiền thưởng 1.000 USD. Đối với một số người, đó là một bất ngờ thú vị, nhưng những người đã vất vả trong đại dịch tin rằng khoản tiền có động cơ khác. “Có vẻ họ không muốn bị kiện vì đã không trả thêm phúc lợi cho những người như chúng tôi vào năm ngoái”, nhân viên ở Pennsylvania nói.

Không chỉ tại Apple Store, những người làm ở bộ phận AppleCare cũng chịu áp lực tương tự. Một cựu nhân viên cho biết, anh nhận công việc chăm sóc khách hàng và xem đây là mơ ước thành hiện thực khi ra trường.

Thế nhưng, việc ngồi trước máy tính từ 8 đến 10 tiếng mỗi ngày khiến tinh thần suy giảm. Giữa năm nay, anh quyết định nghỉ việc để tập trung chữa bệnh. “Hoá đơn y tế ngày càng chồng chất, tôi phải bán đồ để thanh toán, cũng như cắt giảm những thứ khác như điều hòa hay máy giặt để tiết kiệm”, người này kể.

Tính đến tháng 5, mức lương của cựu nhân viên này là 23 USD mỗi giờ, không đủ trả thuê nhà và chữa bệnh. “Tôi đã dành những năm tháng tuyệt vời trong đời mình để làm việc cho Apple. Giờ tôi cần sự giúp đỡ, nhưng họ không có ở đó”, nhân viên này nói. “Không riêng tôi, rất nhiều người tại Apple không dư dả về tài chính”.

Khi The Verge liên hệ, đại diện Apple cho biết sẽ “xem xét lại” trường hợp này.

Một số khác nói được Apple hứa thăng chức nếu cống hiến đủ lâu. Trước đây, nhân viên chăm chỉ có thể được chọn vào vai trò trợ lý giám đốc nhóm, thay thế những người quản lý đang đi du lịch, nghỉ mát. Điều này khiến họ nghĩ sẽ sớm đứng ở vị trí quản lý. Nhưng thực tế, họ chỉ nhận thêm trách nhiệm nhưng không được trả thêm tiền lương.

Các nhân viên thừa nhận thấy tủi thân về sự chênh lệch trong thành công tài chính của Apple, thể hiện qua sự giàu có của các giám đốc điều hành. Năm 2015, CEO Tim Cook thông báo kế hoạch cho đi khối tài sản trị giá 800 triệu USD trước khi qua đời. “Khi nghe Cook nói vậy, tôi đã nghĩ ông ta nên bắt đầu ngay với nhân viên AppleCare'”, một người nói.

Vài tuần trước khi qua đời, Calivas gửi một email tới đại diện bộ phận nhân sự của Apple: “Trong hơn 7 năm, tôi là nạn nhân của sự đe dọa, sỉ nhục nơi công cộng, bắt nạt, vu khống, trả thù, nói dối. Tôi muốn trở lại làm cho Apple, muốn tiếp tục đóng góp cho công ty, nhưng không thể nếu môi trường đó vẫn tồn tại”.

Bailey nói Calivas đã mất hy vọng vì không ai quan tâm và bảo vệ mình. Sáng ngày 7/9, anh bước vào phòng của Calivas và thấy anh ta ngồi sụp xuống ghế, tay buông thõng. Theo báo cáo của nhân viên điều tra, Calivas chết vì khí nitơ.

Bảo Lâm (theo The Verge)

[ad_2]