[ad_1]
Tổ chức phòng chống ung thư thế giới khuyến cáo, mỗi người dân không tiêu thụ quá 70 gram thịt/ngày. Nhưng trung bình một người Việt đang tiêu thụ 134 gram thịt/ngày.
Sau 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020, Việt Nam đã đạt những thành tựu đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục, trong đó có thừa dinh dưỡng.
Hiện nay, trung bình một người Việt tiêu thụ 134 gram thịt/ngày, riêng người dân đô thị tiêu thụ 154 gram thịt/ngày. Trong khi đó, mức tiêu thụ thịt theo khuyến nghị dinh dưỡng là 50 – 80 gram/ngày. Tổ chức phòng chống ung thư thế giới khuyến cáo, mỗi người dân không tiêu thụ quá 70 gram thịt/ngày.
Thông tin trên được PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia chia sẻ tại Hội thảo tham vấn kỹ thuật xây dựng chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 sáng 30/3. Theo GS Mai, đây là thực trạng thừa dinh dưỡng đáng quan ngại.
Trong khi tiêu thị thịt đang thừa so với khuyến nghị, tiêu thụ rau củ quả quả tăng không đáng kể. Năm 2010, trung bình một người Việt tiêu thụ 190 gram rau/ngày và 60.9 gram quả/ngày thì tới nay tăng lên 230 gram rau/ngày và 127 gram quả/ngày. Tuy nhiên, chỉ có 65% người Việt đạt mức khuyến nghị về tiêu thụ rau quả.
Người Việt tiêu thụ thịt cao hơn rất nhiều so với khuyến nghị -Hình minh họa |
Theo GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, sau 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020, Việt Nam đã đạt những thành tựu đáng ghi nhận.
Trong đó, lần đầu tiên nước ta giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thấp còi xuống dưới 20% (giảm từ 29,3% năm 2010 xuống còn 19,6% năm 2020). Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng gầy còm giảm từ 7,1% năm 2010 xuống còn 5,2% vào năm 2019.
Chiều cao người Việt cũng đã có sự gia tăng đáng kể so với giai đoạn cũ. Năm 2020, chiều cao trung bình của nam giới đạt 168,1cm (tăng 3,7cm so với năm 2010: 164,4cm), chiều cao của nữ giới đạt 155,6cm (tăng 0,8cm so với năm 2010: 154,8cm), giúp Việt Nam tăng 2 bậc, đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á.
“Đây là bước bật nhảy lớn, cho thấy những nỗ lực trong vấn đề cải thiện dinh dưỡng người Việt. Dinh dưỡng là yếu tố ngoại cảnh quan trọng bậc nhất vào phát triển chiều cao”, GS Tuyên nhấn mạnh.
Bên cạnh những tín hiệu đáng mừng, thực trạng dinh dưỡng người Việt hiện còn tồn đọng rất nhiều vấn đề. Ngoài thừa tiêu thụ thịt như nói trên, theo GS Tuyên, một vấn đề đáng quan ngại khác là tại một số tỉnh miền núi, tình trạng suy dinh dưỡng vẫn là gánh nặng lớn dù tủy lệ suy sinh dưỡng ở trẻ em nói chung đã giảm.
Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi ở một số tỉnh còn khá cao (Hà Giang 31,7%, Cao Bằng 30,4%, Kon Tum 33,4%, Gia Lai 32,%,…)
GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia phát biểu tại Hội thảo tham vấn kỹ thuật xây dựng chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021 – 2030 – Ảnh: N.Liên |
Đặc biệt, vấn đề thiếu vi chất dinh dưỡng, thừa cân béo phì đang rất đáng quan ngại. Năm 2010, tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi là 5,6%, từ 5-19 tuổi là 8,5% thì hiện tại, con số này lên tới 7,4% ở trẻ dưới 5 tuổi, 19% ở nhóm tuổi 5-19 tuổi. Tình trạng này nghiêm trọng nhất ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng.
Một loạt bệnh không lây nhiễm ở người Việt đang gia tăng như tiểu đường, ung thư, đột quỵ,… là hệ quả của chế độ ăn uống không hợp lý.
GS Tuyên cho biết, Chiến lược dinh dưỡng quốc gia giai đoạn 2021-2030 là tổng hợp giải pháp cho những vấn đề dinh dưỡng cần giải quyết trong giai đoạn cũ, bao gồm các vấn đề nói trên.
Tháng 12/2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nghe Bộ Y tế và đại diện nhóm xây dựng chiến lược báo cáo một số nội dung quan trọng trong dự thảo Chiến lược Dinh dưỡng quốc gia giai đoạn mới. Hiện nay, nhóm xây dựng đang làm việc rất tích cực để hoàn thiện chiến lược theo đúng tiến độ được giao.
Hội thảo tham vấn kỹ thuật xây dựng chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021 – 2030 tổ chức trực tuyến tại Viện Dinh dưỡng Quốc gia với 63 điểm cầu đặt tại các Sở Y tế/ Trung tâm Kiếm soát và Phòng ngừa dịch bệnh tại 63 tỉnh/thành phố trên cả nước.
Buổi tham vấn được đánh giá rất quan trọng trong quá trình hoàn thiện chiến lược, bởi các địa phương sẽ cùng tham gia thảo luận để đưa ra hướng đi cụ thể tốt nhất.
Thời gian tới, khi chiến lược quốc gia về dinh dưỡng được phê duyệt, các tỉnh, thành phố sẽ lên kế hoạch hành động riêng để phù hợp với điều kiện, đặc điểm từng địa phương.
Nguyễn Liên
Các loại thực phẩm bác sĩ dinh dưỡng không chọn mua
Một số loại thực phẩm tưởng chừng bổ dưỡng như thanh ngũ cốc, sản phẩm ít chất béo, không đường lại không có lợi như bạn tưởng.
[ad_2]