Phát biểu tại Hội thảo Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành và quản lý không lưu diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, việc đầu tư xây dựng Cảng hành không quốc tế Long Thành, bên cạnh mục tiêu trước mắt là khắc phục tình trạng quá tải của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, về lâu dài sẽ dần hình thành một trung tâm trung chuyển hàng không lớn của quốc tế và của khu vực theo xu hướng phát triển chung của các cảng hàng không quốc tế lớn trên thế giới.
Thủ tướng Chính phủ đã giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi và đối với Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Sau đó ACV sẽ hợp tác với những doanh nghiệp có kinh nghiệm trên thế giới về lĩnh vực hàng không cũng như lĩnh vực bổ trợ quản lý sân bay để phát triển Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo mục tiêu, yêu cầu Quốc hội, Chính phủ đề ra.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, sân bay Long Thành có mức đầu tư lớn và đây là khoản đầu tư quan trọng trong tổng nhu cầu về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của Việt Nam trong giai đoạn tới.
Theo số liệu thống kê trong quá trình xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 thì trong 5 năm này tổng nhu cầu đối với nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng từ sân bay, cảng biển, đường sắt, đường cao tốc… khoảng 150-200 tỉ USD.
Đây là nguồn vốn rất lớn. Mặc dù Việt Nam đã có những chính sách để huy động các nguồn vốn của tư nhân trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, sự hỗ trợ của các Chính phủ nước ngoài, các đối tác phát triển của Việt Nam như Chính phủ Thụy Điển là rất quan trọng.
Bày tỏ vui mừng và hy vọng với “nhã ý” của Thủ tướng Thụy Điển trong việc khẳng định Việt Nam có thể tiếp cận khoản vốn vay để phục vụ cho ngành quản lý hàng không với những điều kiện vay rất thuận lợi, ông Thắng cho biết, trong thời gian qua, Việt Nam đã có những đánh giá ban đầu để nghiên cứu các điều kiện của khoản vay.
Do vậy, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn thông qua hội thảo, thông qua cá nhân Đại sứ, các doanh nghiệp, các quỹ của Thụy Điển sẽ có những chia sẻ, trao đổi về thông tin các điều kiện tiếp cận khoản vay. Từ đó các Bộ, cơ quan hữu quan của Việt Nam có thể xem xét các phương án hợp tác, tiếp cận các khoản vay.
Về phía Thuỵ Điển, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Ann Mawe cho biết, nhân chuyến thăm Thụy Điển của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 5/2019, hai Thủ tướng đã trao đổi về khoản vay để đầu tư cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành và ngành quản lý không lưu của Việt Nam.
“Thông qua Hội thảo này, các doanh nghiệp Thụy Điển có thể chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn để giúp các cơ quan Việt Nam thực hiện thành công việc xây dựng Cảng hàng không Long Thành. Hi vọng các định chế tài chính của Thụy Điển có thể hỗ trợ, góp phần thực hiện thành công mục tiêu này”, Đại sứ Ann Mawe nói.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được Quốc hội Việt Nam thông qua chủ trương đầu tư từ năm 2015 với định hướng xây dựng sân bay mang tầm cỡ quốc tế với tổng công suất khoảng 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Tổng vốn đầu tư của Dự án là 16 tỉ USD.
Đến nay, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 và trình Quốc hội phê chuẩn, triển khai thực hiện trong thời gian tới. Đây cũng là cơ sở để Chính phủ quyết định đầu tư và dự kiến được tổ chức triển khai vào năm 2020 và dự kiến được hoàn thành vào năm 2025.
Quy mô đầu tư giai đoạn 1 là xây dựng 1 cặp đường cất hạ cánh; 1 nhà ga hành khách với công suất 25 triệu hành khách/năm; nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm và các hạng mục phụ trợ. Tổng mức đầu tư Dự án giai đoạn 1 khoảng 5 tỉ USD.
* Quốc hội không chỉ định thầu làm sân bay Long Thành
* Đề xuất thuê tư vấn độc lập thẩm định vốn xây sân bay Long Thành
* Suất đầu tư sân bay Long Thành: Đại biểu nói cao, Chính phủ giải thích thế nào?
* ACV so sánh khập khiễng để chứng tỏ suất đầu tư Long Thành không cao?