Mỹ siết chặt các hạn chế với Huawei, ZTE

[ad_1]

Tổng thống Mỹ Joe Biden thông qua đạo luật “Thiết bị bảo mật”, cấm cấp phép thiết bị mới cho Huawei, ZTE vì lý do “an ninh quốc gia”.

Đạo luật mới được ký ngày 11/11, trước khi ông Biden và ông Tập Cận Bình tham gia một hội nghị thượng định trực tuyến đầu tuần tới. Trong đó, Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) được yêu cầu không xem xét hoặc phê duyệt bất kỳ đơn xin cấp phép nào đối với những thiết bị có nguy cơ gây rủi ro không thể chấp nhận được cho an ninh quốc gia.

Brendan Carr, uỷ viên FCC, cho biết cơ quan này đã phê duyệt hơn 3.000 đơn đăng ký từ Huawei tính từ năm 2018. “Luật mới nhằm đảm bảo những thiết bị không an toàn từ các công ty như Huawei ZTE không thể được đưa vào mạng truyền thông của Mỹ”, ông nói.

Đạo luật Thiết bị Bảo mật là nỗ lực mới nhất của chính phủ Mỹ nhằm trấn áp các công ty công nghệ và viễn thông Trung Quốc như Huawei và ZTE. Ảnh: Reuters

Các công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei và ZTE tiếp tục bị Mỹ trấn áp. Ảnh: Reuters

Hồi tháng 3, nhằm bảo vệ mạng lưới liên lạc của Mỹ, FCC đã liệt kê 5 công ty Trung Quốc là mối đe dọa an ninh quốc gia gồm: Huawei, Hytera, Hangzhou Hikvision Digital Technology, Zhejiang Dahua Technology và ZTE.

Đến tháng 6, FCC bỏ phiếu nhất trí thúc đẩy kế hoạch cấm duyệt thiết bị trong mạng viễn thông của Mỹ từ các công ty Trung Quốc. “Mỹ không có bất kỳ bằng chứng nào, nhưng vẫn lạm dụng an ninh quốc gia và quyền lực nhà nước để đàn áp các công ty Trung Quốc”, Zhao Lijian, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, khi đó nói.

Theo quy định đã được thông qua, FCC có thể thu hồi các giấy phép trước đó đã cấp cho công ty Trung Quốc. Huawei hồi tháng 6 gọi bản sửa đổi mà Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ đề xuất là “sai lầm và trừng phạt không cần thiết”. Tháng trước, FCC cũng bỏ phiếu thu hồi giấy phép của China Telecom tại Mỹ với lý do lo ngại về an ninh.

Từ 2019, Huawei hứng chịu hàng loạt lệnh cấm từ chính quyền Donald Trump. Hãng này và giới chuyên gia kỳ vọng, các lệnh trừng phạt có thể không sớm được gỡ bỏ nhưng sẽ nới lỏng hơn dưới thời Joe Biden. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chính quyền mới không hề giảm sức ép trong vấn đề thương mại và công nghệ đối với Trung Quốc.

“Công ty của chúng tôi không đủ sức để tham gia vào vòng xoáy chính trị này. Chúng tôi chỉ cố tạo ra những sản phẩm tốt và hy vọng Mỹ có chính sách cởi mở hơn vì lợi ích của các công ty cũng như sự phát triển của nền kinh tế Mỹ”, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi nói trong cuộc họp báo ở tỉnh Sơn Tây hồi tháng 2.

Khương Nha (theo Reuters)

[ad_2]