Microsoft cạnh tranh Amazon về dịch vụ đám mây kết nối vệ tinh | Công nghệ

Theo CNBC, tài liệu mà Microsoft trình lên Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) nhắc đến việc công ty này có kế hoạch kết nối một vệ tinh hình ảnh với hai trạm mặt đất – đặt ở bang Washington của Mỹ, nhằm thể hiện rằng họ có thể “tải trực tiếp dữ liệu vệ tinh đến Azure để cung cấp khả năng xử lý tức thời”. Trạm mặt đất, hay còn được gọi là trạm Trái đất, đóng vai trò như một liên kết quan trọng để truyền tải dữ liệu đến và đi từ các vệ tinh bay trên quỹ đạo hành tinh.

Vào ngày 2.9, FCC đã cho phép Microsoft tiến hành thực hiện demo thử nghiệm dịch vụ đó. Microsoft được cấp giấy phép 6 tháng để tải xuống dữ liệu truyền thông và hình ảnh. Vệ tinh nói trên tên là Deimos-2, được phóng lên quỹ đạo vào tháng 6.2014. Một chi nhánh của công ty hình ảnh vệ tinh UrtheCast sẽ điều hành Deimos-2, và nó sẽ có mặt “chỉ vài phút” trong phạm vi ăng-ten của trạm mặt đất do Microsoft quản lý.

Microsoft muốn thực hiện demo trước, trong và sau Hội nghị Ignite dành cho các chuyên gia CNTT, diễn ra từ ngày 22.9. Nếu demo thu hút sự quan tâm đáng kể từ thị trường, công ty sẽ nộp đơn đăng ký với International Bureau (IB) để hỗ trợ các hoạt động thương mại trong tương lai và cũng bao gồm đề nghị được triển khai Deimos-2 ở thị trường Mỹ.

Trong tài liệu gửi đi, gã khổng lồ phần mềm cho biết họ muốn các công ty kinh doanh vệ tinh thấy được lợi ích tiềm năng khi kết nối trực tiếp đến nền tảng đám mây Azure. Chiến lược này giống với những gì Amazon từng đề cập vào tháng 11.2018 khi ra mắt dịch vụ AWS Ground Station.
AWS Ground Station đánh dấu hoạt động kinh doanh đầu tiên của Amazon trong lĩnh vực phần cứng liên quan đến không gian. Công ty cũng thành lập bộ phận Giải pháp Hàng không vũ trụ và Vệ tinh, và đang phát triển mạng lưới internet riêng tên là Project Kuiper.

Mặc dù chưa tiết lộ tất cả khách hàng, Amazon nói AWS Ground Station đang được sử dụng bởi Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) và những công ty như Capella Space, Spire Global, Maxar Technologies, Myriota và Thales Alenia Space.

Amazon quảng cáo dịch vụ của họ có thể kết nối với nhiều vệ tinh bay theo quỹ đạo tầm thấp lẫn tầm trung của Trái đất. Công ty còn khẳng định thời gian xử lý và phân tích dữ liệu vệ tinh sẽ “từ hàng giờ xuống chỉ còn vài phút hoặc giây”, đồng thời khách hàng sẽ tiết kiệm “tới 80%” chi phí vận hành trạm mặt đất.




Nguồn