Màn hình gập cho smartphone: Chưa tìm ra loại vật liệu tối ưu | Công nghệ

Hiện tại, những cải tiến nhỏ ở các dòng smartphone mới không làm cho người dùng phải háo hức đón chờ, nên họ không nghĩ đến chuyện sắm cái mới. Đó là lý do tại sao doanh số tiêu thụ của những dòng smartphone mới nhất của Apple và Samsung không như mong đợi. Đây cũng là vấn đề làm các nhà sản xuất smartphone phải đau đầu.
Để tạo sự đột phá, các hãng sản xuất đã phát triển dòng điện thoại thông minh mới có thể gập lại được (foldable smartphone), khi mở ra sẽ trở thành một cái tablet nhỏ. Điều này giải quyết được yêu cầu có màn hình diện tích lớn mà không cồng kềnh như tablet. Nhưng từ ý tưởng cách tân này chuyển sang sản xuất thực tế là cả một thử thách cực lớn về phương diện kỹ thuật và vật liệu.
Tháng 2.2019, tại Triển lãm Di động Toàn cầu CES 2019 tổ chức ở Tây Ban Nha, Samsung giới thiệu chiếc smartphone gập Galaxy Fold (giá khoảng 2.000 USD), dự kiến tung ra thị trường vào tháng 4.2019. Một vài cây bút nổi tiếng chuyên về công nghệ di động đã được Samsung mời sử dụng thử smartphone này trước khi chính thức bày bán. Kết quả? Những người dùng thử Galaxy Fold cho biết cái bản lề của điện thoại rất dễ hỏng, màn hình bị vỡ sau khi gỡ lớp màng bảo vệ màn hình. Do đó, Samsung phải hoãn lại ngày ra mắt Galaxy Fold, mãi cho đến tháng 9 vừa qua, nó mới xuất hiện trên thị trường sau khi Samsung nỗ lực khắc phục những khiếm khuyết nói trên.
Cũng tại CES 2019, Huawei giới thiệu chiếc smartphone gập Mate X (giá bán dự kiến 2.400 USD), nhưng cũng vấp phải những khiếm khuyết giống như Galaxy Fold. Do đó, Huawei cũng phải hoãn lại ngày ra mắt của sản phẩm vào giữa tháng 11.2019. Hãng Levono – hiện sở hữu thương hiệu Motorola, đã đưa ra thị trường mẫu điện thoại màn hình gập Razr 2019 với ngoại hình khá giống với chiếc Motorola V3 Razr huyền thoại của thập niên 2000. Razr 2019 sẽ được chào bán ở Mỹ trong tháng 12 này với giá 1.500 USD.
Cuối năm ngoái, hãng Royole (Trung Quốc) đã đưa ra thị trường dòng smartphone gập tên Royole Flexpai với màn hình 7,8 inch gập ra phía ngoài, nhưng đến nay không thu hút được sự quan tâm của người dùng. Hồi đầu năm nay, Xiaomi và Oppo cũng công bố dự định phát triển smartphone gập, nhưng từ đó đến nay không thấy các hãng này đề cập đến việc chừng nào sản phẩm của họ sẽ có mặt trên thị trường. Còn ông lớn Apple dù đã đăng ký bản quyền một số sáng chế dành cho thiết bị di động gập lại được, nhưng cho đến nay vẫn không thấy họ đề cập gì về dự định sản xuất dòng smartphone gập như các đối thủ.


Smartphone Huawei Mate X - ẢNH: TECHRADAR

Theo tin của CNN, các chuyên gia về khoa học vật liệu cho biết, việc sản xuất một loại màn hình có thể gập lại nhiều lần mà không bị hỏng hóc là cực kỳ khó khăn. Màn hình gập đòi hỏi phải có những loại vật liệu mới nhưng công nghệ chế tạo vật liệu thì chưa theo kịp, những loại hiện có thì không đáp ứng được những yêu cầu rất cao của loại màn hình gập. Trong đó, điều quan trọng nhất là phải chế tạo được loại đi-ốt phát quang hữu cơ OLED (organic light-emitting diodes) cho phép các điểm phát quang có thể uốn cong nhiều lần mà không bị suy hao khả năng hoạt động. Đồng thời phải chế tạo được loại kính cường lực siêu mỏng, hơn cả sợi tóc người thì mới có thể sản xuất màn hình gập chịu được sự uốn lại và bung ra hàng trăm ngàn lần. Nan giải ở chỗ là lớp kính phải có độ dày cần thiết để chịu lực mà không vỡ, nhưng đồng thời nó phải đủ mỏng để có thể gập lại nhiều lần mà không bị rạn, không bị hằn nếp gấp và người dùng không phải tốn nhiều lực để gập/mở. Một khó khăn khác là phải chế được loại bản lề thích hợp giữ cho màn hình không bị bong ra khỏi trục bản lề.


Razr 2019 có ngoại hình tương tự chiếc Motorola V3 Razr huyền thoại của thập niên 2000 - ẢNH: MAILONLINE

Razr 2019 có ngoại hình tương tự chiếc Motorola V3 Razr huyền thoại của thập niên 2000

Hiện nay cả Samsung lẫn Huawei đều chưa tìm ra phương thức giải quyết triệt để, cả hai hãng đều dùng một lớp bảo vệ màn hình bằng nhựa polymer. Chất này tuy có thể uốn, gập nhưng lại không bền như kính, dễ bị trầy xước và có thể bị phồng dộp. Tuy trước mắt, có thể dùng nhựa polymer cho dòng điện thoại gập, nhưng về lâu dài không phải là giải pháp bền vững. Chỉ có cách dùng kính là hay nhất, nhưng đến nay vẫn chưa có loại kính nào đáp ứng được yêu cầu.


Mẫu smartphone thử nghiệm của Royole có màn hình gập ra ngoài - ẢNH: TOMSGUIDE

Mẫu smartphone thử nghiệm của Royole có màn hình gập ra ngoài

Hãng sản xuất kính cường lực hàng đầu thế giới Corning (Mỹ) cho biết đang nghiên cứu chế tạo một loại kính siêu mỏng dùng cho màn hình gập, Corning cũng cho biết đã bước đầu thử nghiệm thành công một số kính có độ mỏng khác nhau. Loại kính đang trong quá thử nghiệm của Corning có thể chịu được vài trăm ngàn lần xếp gập lại, và có thể giữ ở vị trí gập lại trong quãng thời gian khá lâu mà không bị xuất hiện nếp gấp. Tuy vậy, vẫn còn những giới hạn trong công nghệ chế tạo kính siêu mỏng có độ dẻo như nhựa polymer. Bởi vì loại kính của Corning đang thử nghiệm có thể gập lại nhưng không phải dễ dàng và nhẹ nhàng như việc gập một tờ giấy bạc.


 Chuyên gia công nghệ nổi tiếng Marques Brownlee đã cảnh báo người dùng Galaxy Fold đừng gỡ lớp phim mỏng dán trên màn hình, anh đã thử gỡ ra thì mản hình bị hỏng ngay sau đó. - ẢNH: MARQUESBROWNLEE/TWITTER

Chuyên gia công nghệ nổi tiếng Marques Brownlee đã cảnh báo người dùng Galaxy Fold đừng gỡ lớp phim mỏng dán trên màn hình, anh đã thử gỡ ra thì màn hình bị hỏng ngay sau đó

ẢNH: MARQUESBROWNLEE/TWITTER

Dù hiện nay các hãng điện thoại có thể đưa ra thị trường một số dòng smartphone có màn hình gập lại được, nhưng theo nhận xét của các chuyên gia, chúng đều có điểm chung là màn hình vẫn còn một số khiếm khuyết và rất mỏng manh nếu so với loại không gập. Có lẽ cũng phải mất một thời gian nữa, với sự tiến bộ về công nghệ chế tạo kính siêu mỏng và các vật liệu phụ trợ thì mới mong có được loại màn hình gập tốt và bền bỉ như mong đợi của các nhà sản xuất.



Nguồn