[ad_1]
Trung QuốcNhà quay phim Vương Sùng Thu của “Tây du ký” 1986 tiết lộ hậu trường quay long cung và hậu trường phim.
Từ đầu hè đến nay, ông Vương Sùng Thu, 78 tuổi, nhận nhiều sự chú ý của khi sử dụng mạng xã hội Douyin (Tiktok phiên bản nội địa Trung Quốc) để giao lưu khán giả. Ông còn lập mục hỏi – đáp trên ứng dụng Weixin, trả lời thắc mắc của người hâm mộ quanh tác phẩm. Dưới đây là một phần hỏi – đáp của Vương Sùng Thu và fan của Tây du ký 1986.
– Thầy Vương, vì sao mỗi lần xuất hiện, tạo hình Ngưu Ma Vương lại khác nhau?
– Tạo hình nhân vật dần dần được cải tiến trong quá trình quay tổng cộng sáu năm. Ngay cả tạo hình Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, ban đầu cũng không lý tưởng. Chuyên gia tạo hình Vương Hy Chung dần sửa đổi để hình dáng nhân vật đẹp hơn. Những cảnh về Ngưu Ma Vương được quay ở các năm khác nhau, vì thế có nhiều thời gian cho Vương Hy Chung phát huy sự sáng tạo, sức tưởng tượng.
– Tại sao các nhân vật không ướt quần áo khi quay phần phim về long cung (cung điện dưới lòng biển)?
– Haha, nếu thực sự quay dưới nước thì nguy hiểm lắm. Chúng tôi đặt một bể cá trước ống kính máy quay để tạo hiệu ứng như trong lòng đại dương. Nếu là ở thập niên 1980-1990, tôi sẽ không tiết lộ điều này đâu. Bây giờ đã gần 40 năm rồi, nhiều bí mật có thể tiết lộ. Đây là thủ pháp quay phim kết hợp giữa hư và thực.
– Thầy Vương, quả nhân sâm ăn có ngon không?
– Ở tập Ăn trộm quả nhân sâm, chúng tôi dùng ba thứ để tạo nên quả, gồm nhựa, bánh tráng làm từ tinh bột và củ đậu (củ sắn). Vị củ đậu thì cũng bình thường thôi, nó giòn, đạo diễn Dương Khiết (vợ Vương Sùng Thu) thích ăn lắm.
– Con trăn Trư Bát Giới ôm ở phần hai là trăn thật phải không đạo diễn?
– Tôi đọc nhiều bài viết trên mạng, mọi người nói đoàn phim dùng trăn thật nhưng không phải thế, nguy hiểm cho diễn viên lắm. Nhân viên ở tổ đạo cụ chế tác trăn, rắn phục vụ các cảnh quay, quả là nhìn như thật.
– Ngày xưa chỉ có một chiếc máy quay, vậy các video hậu trường quay phim từ đâu mà có?
– Khi làm phần một, chúng tôi chỉ có một chiếc máy để dùng. Có lần, đài truyền hình cử người đến đoàn phim làm phóng sự, nhờ đó mới có các video hậu trường Tây du ký. Phần hai của Tây du ký quay năm 1998, bấy giờ điều kiện khá hơn, video về quá trình thực hiện cũng nhiều hơn. Hiện nay, phần lớn video hậu trường các bạn thấy là từ trường quay Tây du ký phần hai.
– Ông có thể liệt kê tất cả địa điểm được đoàn phim dùng làm bối cảnh trong phim không, để khán giả có dịp tới xem khung cảnh bây giờ thế nào?
– Công việc này tôi đã và đang làm. Tôi và một số bạn bè thành lập nhóm Đi lại đường tây du, mỗi khi có điều kiện đều quay lại các địa điểm từng ghi hình. Hy vọng ngày càng nhiều người gia nhập nhóm của chúng tôi.
– Thầy Vương, có phải diễn viên Chu Lâm (đóng quốc vương Nữ Nhi Quốc) cả đời không lấy chồng vì yêu thầm Từ Thiếu Hoa (đóng Đường Tăng)?
– Tin đồn này buồn cười quá. Hai diễn viên đều đã kết hôn trước khi vào đoàn phim, theo tôi được biết, họ không yêu nhau ngoài đời. Mong mọi người không đoán mò, không lẫn lộn giữa phim và cuộc sống thực.
– Thầy Vương, vì sao bây giờ phim truyền hình được đầu tư hàng chục triệu USD, nhưng quay chẳng ra gì, vậy tiền đổ vào đâu vậy?
– Câu hỏi của bạn làm người khác thở dài. Một phần tiền được chi trả cho kịch bản, quá trình quay còn phần lớn trả cho các diễn viên, ngôi sao. Sao lưu lượng có thể nhận một nửa tiền trong tổng vốn đầu tư. Đây là hiện trạng của ngành phim. Khi quay Tây du ký, tiền chủ yếu dành cho các nhu cầu phục vụ nghệ thuật như đạo cụ, trang phục… Chi phí cho diễn viên rất thấp.
Tây du ký khởi quay năm 1982 và chiếu lần đầu năm 1986, do Dương Khiết (1929-2017) đạo diễn, Vương Sùng Thu quay phim cùng dàn diễn viên chính Lục Tiểu Linh Đồng, Mã Đức Hoa, Trì Trọng Thụy, Từ Thiếu Hoa… Trong bối cảnh giao thông, vận chuyển chưa thuận lợi, đoàn phim ghi hình tại nhiều nơi nơi hiểm trở như Hỏa Diệm Sơn ở Tân Cương, rừng sâu ở Cát Lâm, thác ở Cửu Trại Câu, chùa trên vách núi ở tỉnh Sơn Tây… Dù kỹ xảo thô sơ, Tây du ký thành tác phẩm kinh điển, giữ kỷ lục phim được phát lại nhiều lần nhất ở Trung Quốc – hơn 3.000 lần. Trên Xinhua, đạo diễn Dương Khiết từng nói tác phẩm thành công bởi “êkíp quay phim vì nghệ thuật, không làm vì tiền, vì danh hay lợi”.
Sau khi Dương Khiết qua đời, ông Vương Sùng Thu miệt mài với các công việc như viết sách, làm video giải đáp thắc mắc của khán giả, ghi hình chương trình truyền hình…
Nghinh Xuân
[ad_2]