Lễ trao giải Top 10 Lãnh đạo công nghệ trẻ 2021

[ad_1]


10h00

Tọa đàm: Chuyển đổi số là cơ hội sống còn với doanh nghiệp

Ông Võ Văn Khang – Phó Tổng giám đốc tập đoàn Hưng Thịnh: Chuyển đổi là quá trình liên tục của bất kỳ doanh nghiệp nào. Tuy nhiên hiện nay, chuyển đổi số rất đặc biệt, mang hơi thở của cả xã hội, cả nền kinh tế và không giới hạn trong vấn đề của một doanh nghiệp. Bài toán chuyển đổi số cấp thiết cho mọi doanh nghiệp. Từ 2018, Hưng Thịnh bắt đầu chuyển từ mô hình doanh nghiệp lên tập đoàn, bắt đầu từ đó đã chú trọng đến chuyển đổi số.

Chuyển đổi số có thể chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn đầu tiến hành các công tác liên quan đến số hoá. Giai đoạn hai bắt đầu số hoá, tự động hoá một số quy trình. Giai đoạn cuối cùng là chuyển đổi số hoàn toàn. Nếu xét theo chu trình này, chúng tôi đang đi được khoảng một nửa đoạn đường này.

Chuyển đổi số có nhiều thách thức. Chúng ta phải hiểu chuyển đổi số là “đưa hormone vào trong cơ thể”, tạo thành loại gen tiến hoá mới, giúp doanh nghiệp trưởng thành, thích nghi nhanh với sự thay đổi của doanh nghiệp. Nhưng hormone nào cũng có tác dụng phụ như thói quen, chi phí lớn, phương pháp luận để chúng ta tiến hành chuyển đổi số. Nếu chúng ta làm không đúng, chuyển đổi số sẽ thất bại.

Với Hưng Thịnh là tập đoàn bất động sản, chuyển đổi số đòi hỏi nỗ lực gấp bội so với các mô hình khác. Vì vậy chúng tôi tiến hành rất thận trọng. Có những lĩnh vực chuyển đổi rất nhanh như kinh doanh để thích nghi nhanh. Một số lĩnh vực khác phải làm rất thận trọng để chuyển đổi số đi đúng hướng đã đề ra.

Ông Hoàng Việt Anh – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn FPT: Trong 3-5 năm gần đây, doanh nghiệp Việt đã thay đổi rất nhiều nhận thức khi nói về chuyển đổi số. Một trong những lĩnh vực tiên phong là tài chính ngân hàng đã có thay đổi tích cực. Ngay trong cả câu chuyện vừa rồi anh Khang chia sẻ, bất động sản vốn là lĩnh vực truyền thống nhưng Hưng Thịnh cũng đã tiến hành chuyển đổi số.

24 tháng qua khi Covid-19 hoành hành, tất cả doanh nghiệp Việt Nam phải đương đầu với những khó khăn do đại dịch. Trong những cuộc trao đổi, đối thoại, có đến 70% lãnh đạo doanh nghiệp tin chuyển đổi số là chìa khoá cho việc sống sót, phục hồi, tăng trưởng. Đây là thay đổi tích cực, nhưng có một thực tế là nhiều doanh nghiệp muốn làm nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu, đi con đường nào phù hợp nhất với doanh nghiệp của mình.

Theo quan điểm của FPT, chuyển đổi số không chỉ thay đổi nền tảng công nghệ cho doanh nghiệp mà thay đổi đồng bộ nhất quán không tách rời ba yếu tố: Mô hình kinh doanh; Nền tảng công nghệ; Con người – nguồn nhân lực, văn hoá của doanh nghiệp. Điều kiện cần đầu tiên phải xuất phát từ lãnh đạo. Lãnh đạo có cam kết, hành động cụ thể để thúc đẩy chuyển đổi số thì mới có cơ may thành công. Chiều ngược lại, điều kiện đủ là các doanh nghiệp cần hiểu vấn đề nội tại. Thứ hai là phải mở rộng tầm nhìn để nắm bắt các cơ hội, đặc biệt cơ hội sau đại dịch. Chúng ta cũng phải hiểu rõ nền tảng công nghệ của mình đang ở đâu, cần trang bị những gì để đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng của doanh nghiệp trong thời gian tới. Cuối cùng là trang bị đầy đủ về tâm thế, kiến thức cho con người, từng bước hình thành văn hoá chuyển đổi số. Nếu hội tụ đầy đủ các yếu tố trên thì chúng tôi tin rằng chuyển đổi số của doanh nghiệp sẽ thành công.

MC Quốc Khánh: Trong quá trình chuyển đổi số, công nghệ mới đóng góp một phần không thể thiếu. Blockchain có thể mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp nếu muốn chuyển đổi số?

Ông Johnny Trí Dũng – Giám đốc Kinh doanh và chiến lược Kardiachain: Blockchain có ba đặc tính là an toàn, tự động và minh bạch. Bất cứ chuyển đổi số nào cần một trong yếu tố trên đều có thể ứng dụng blockchain vào việc thúc đẩy kinh doanh, tối ưu vận hành. Do đặc tính minh bạch, tự động nên có thể thấy dễ nhất là tiết kiệm nhân công, hạn chế sai sót. Ví dụ, nếu muốn chia nhỏ tài sản có giá trị lớn, cho phép mua chung, đầu tư chung hoàn toàn có thể ứng dụng blockchain. Hiện đã có một số tập đoàn nghiên cứu, áp dụng cho tài sản của mình. Một lĩnh vực khác là điểm thưởng. Thay vì mỗi sàn thương mại điện tử có điểm thưởng riêng, giờ đây người dùng có thể trao đổi điểm thưởng giữa các sàn một cách minh bạch, dễ dàng. Cuối cùng người dùng sử dụng nhiều sàn khác nhau, có nhiều điểm thưởng khác nhau có thể dễ dàng trao đổi qua sàn phi tập trung để sử dụng dễ dàng.

MC Quốc Khánh: Khó khăn khi ứng dụng công nghệ mới của doanh nghiệp?

Ông Võ Văn Khang: Thực tế, Hưng Thịnh cũng đang ứng dụng blockchain vào nhiều hoạt động, tương tự với AI, Big Data. Khi chúng ta ứng dụng cái mới vào môi trường rất truyền thống thì luôn luôn gặp nhiều khó khăn. Đầu tiên cần là ý chí lãnh đạo, từ ý chí biến nó thành đam mê và để nó lan tỏa đến từng tế bào của doanh nghiệp để chuyển đổi số thành công. Thậm chí, chúng ta còn cần biến những khó khăn, thói quen không tích cực thành động lực để chuyển đổi số. Ví dụ, trong quá trình chuyển đổi số tại một đơn vị, có nhiều cán bộ nhân viên không thích sử dụng công cụ số, nhưng hàng ngày vẫn dùng Facebook, xem YouTube, Netflix… Một số quan điểm cho rằng chúng ta cứ thiết kế làm sao giống Facebook để họ thấy quen thuộc, không còn sợ hãi, bước ra khỏi vùng an toàn. Vì vậy cái truyền đam mê, nhận thức đảm bảo một yếu tố rất quan trọng trong quy trình chuyển đổi số.

MC Quốc Khánh: Với doanh nghiệp chưa sẵn sàng, cần thuyết phục họ như thế nào?

Ông Hoàng Việt Anh: Không ai làm cho doanh nghiệp hiểu được chuyển đổi số để phát triển bằng chính ông chủ doanh nghiệp. Họ là người hiểu rõ nhất khách hàng, đối thủ và công nghệ đang thay đổi rất nhanh. Và chuyển đổi số đã và đang tạo ra khác biệt, lợi thế cạnh tranh trên thương trường. Thách thức là khi chủ doanh nghiệp đã xác định chuyển đổi số là vấn đề bắt buộc, họ lại không biết bắt đầu từ đâu, làm với ai, như thế nào, làm với ai cho phù hợp. Lúc này, doanh nghiệp như FPT sẵn sàng đứng ra hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp trong khâu này.

Ông Johnny Tri Dung: Đồng ý với các anh, niềm tin của chủ doanh nghiệp với công nghệ cần một thời gian, họ muốn có doanh nghiệp đi trước để cùng khai thác, bắt tay. Kardiachain luôn làm những giải pháp mẫu để doanh nghiệp hiểu được thực tế blockchain sẽ được ứng dụng thế nào. Nhưng thực tế nó cũng xảy ra nhiều vấn đề lỗi, lúc này sự chung tay của những công ty nền tảng như Kardiachain và chủ doanh nghiệp cố gắng kết nối thêm để cùng nhìn về một hướng, kết nối công nghệ thì sẽ hình thành nên một hệ sinh thái. Đây là bước tiến ban đầu hình thành một ngành công nghiệp mới cho Việt Nam.

MC Quốc Khánh:Vậy từ “sống còn” có phải nói quá không?

Ông Võ Văn Khang: Chuyển đổi số thực sự là sống còn vì cả xã hội đang chuyển đổi chứ không phải vài doanh nghiệp nhỏ lẻ. Hiện nay có nhiều doanh nghiệp sinh ra đã bơi trong môi trường số, và lấy công nghệ số làm thế mạnh cạnh tranh. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp truyền thống vẫn sống tốt dù chưa chuyển đổi số. Thậm chí trong ngắn hạn, chuyển đổi số còn cản trở phát triển. Đó mới là thứ cần trăn trở, lưu ý và chắt lọc. Đôi khi chuyển đổi số không đúng sẽ dẫn đến quá sức chịu đựng của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp phải dừng cuộc chơi, ít doanh nghiệp thành công, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp phải ra đi khi công cuộc chuyển đổi số chưa hoàn thành.

Thực tế, có đến 70% doanh nghiệp chuyển đổi số không thành công. Vì vậy, chúng ta thấy nó là xu thế, tạo ra gene cho doanh nghiệp tồn tại trong dài hạn. Trong ngắn hạn không có nó chúng ta có thể tồn tại rất tốt nhưng trong dài hạn chúng ta có thể biến mất.

Ông Hoàng Việt Anh: Điểm tích cực, qua Covid-19, hầu hết đều xác định chuyển đổi số là bắt buộc. Quan trọng là làm thế nào để triển khai thành công. Một trong những cách đó là chia sẻ với doanh nghiệp những câu chuyện chuyển đổi số thành công lẫn thất bại ở cả FPT lẫn các khách hàng. Bản thân FPT cũng đang chuyển đổi số cho mình, trong quá trình đấy, bên cạnh những ưu điểm, chúng tôi cũng gặp nhiều vấn đề thông dụng. Quan trọng là làm sao phải chọn được một lộ trình, cách tiếp cận phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp. Chúng ta không có một mô hình mẫu chung để thành công cho tất cả doanh nghiệp mà phải lựa chọn làm sao để thay đổi phù hợp cho từng công ty. Quan trọng là làm sao tìm được đối tác có đủ năng lực, tin tưởng để cùng nhau ngồi trên chiếc thuyền vươn ra biển lớn.

Ví dụ như ngành công nghiệp game, với Axie Infinity có thể dẫn đầu thế giới. Nhưng nếu Axie Infinity chỉ đi một mình thì sẽ rất yếu. Ngay lập tức, các công ty game khác cũng kịp “bắt trend”. Ngoài tệp game thủ truyền thống còn có game thủ crypto, cùng khai thác không chỉ ở Việt Nam còn thị trường nước ngoài để mang dòng vốn về Việt Nam. Họ chung tay, đồng hành cùng nhau thậm chia sẻ kinh nghiệm ví dụ Nguyễn Thành Chung – cha đẻ Axie Infinity rất tích cực tham gia hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm cho đàn em. Từ đây hình thành lên một hệ sinh thái các lãnh đạo, các studio game hàng đầu Việt Nam và đi chung thành một trào lưu. Việt Nam hiện rất nổi tiếng trên toàn cầu trong lĩnh vực này. Sắp tới, với metaverse và những chuyển đổi khác, các doanh nghiệp có thể nhìn cùng về một hướng, có một cái bắt tay thật chặt để tiến ra thế giới. Hi vọng nó sẽ sớm xảy ra trong thời gian tới.

[ad_2]