Làn sóng Covid-19 thứ tư tiếp tục đẩy nhanh chuyển đổi số

[ad_1]

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Vinasa, khẳng định dịch bệnh kéo dài đã buộc các lĩnh vực phải chuyển mình trong tiến trình chuyển đổi số.

Tại lễ công bố Top 10 doanh nghiệp CNTT Việt Nam 2021 sáng 9/10, ông Nguyễn Văn Khoa cho biết: “Ảnh hưởng của Covid-19, đặc biệt là làn sóng thứ tư, đang gây ra rất nhiều khó khăn cho toàn xã hội. Tuy nhiên, đây cũng là động lực để các ngành, các lĩnh vực có sự chuyển mình, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, và là cơ hội, địa hạt lớn để doanh nghiệp ICT Việt Nam khai phá”.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Vinasa, phát biểu trực tuyến tại lễ công bố Top 10 doanh nghiệp CNTT Việt Nam do Vinasa tổ chức.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Vinasa, phát biểu trực tuyến tại lễ công bố Top 10 doanh nghiệp CNTT Việt Nam do Vinasa tổ chức.

Theo ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh nghiệp CNTT đã đóng góp lớn vào công tác phòng chống dịch thông qua việc xây dựng và triển khai nhiều nền tảng, giải pháp số, góp phần đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, giúp tổ chức, doanh nghiệp duy trì hoạt động, làm việc và học tập từ xa một cách hiệu quả, an toàn.

Trong khi đó, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Vinasa, cũng nhấn mạnh doanh nghiệp CNTT “cần chớp lấy thời cơ, gánh vác trách nhiệm tiên phong” trong tiến trình chuyển đổi số.

‘Vượt khó’ trong đại dịch

“Để vượt ‘bão’ Covid-19 và đón đầu sự phát triển, doanh nghiệp cần chuyển đổi nhanh chóng, nhưng phải chuẩn xác, như tính toán, nghiên cứu và tìm ra điểm nghẽn trong hoạt động của đơn vị, từ đó đầu tư giải pháp số phù hợp với năng lực, cũng như đảm bảo có đủ nguồn lực để triển khai lâu dài”, ông Cao Hoàng Anh, Phó tổng giám đốc FSI, cho biết tại sự kiện.

Ông chia sẻ, công ty đã sớm xây dựng chiến lược chuyển đổi số để duy trì hoạt động hiệu quả trong đại dịch. “Việc được vinh danh trong 3 lĩnh vực là chuyển đổi số, chính phủ điện tử và dịch vụ BPO cho thấy chúng tôi đã ‘bắt’ đúng xu thế phát triển của công nghệ hiện nay”, ông nói.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Viết Lâm, Phó tổng giám đốc Rikkeisoft, trong Covid-19, nhất là làn sóng thứ tư, nhiều ngành xuất khẩu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong quý III/2021, doanh thu lĩnh vực xuất khẩu phần mềm của công ty vẫn tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái và được trao giải Top 10 doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm.

“Đại dịch vừa là thách thức, vừa là cơ hội với ngành CNTT. Các doanh nghiệp nếu linh hoạt thích ứng, biết nắm bắt cơ hội chuyển dịch xu hướng sẽ có lợi thế, giữ được đà tăng trưởng, thậm chí phát triển tốt”, ông Lâm nhận định. “Chẳng hạn, trong giai đoạn giãn cách, nhận thấy nhu cầu chuyển đổi số tăng mạnh trong bán lẻ và thương mại điện tử, chúng tôi đã tập trung nguồn lực để đáp ứng cho những dự án ngành này. Các mảng công nghệ cao như AI và blockchain cũng được đầu tư và thu về thành quả nhất định”.

Theo ông, năm 2021 chứng kiến sự bùng nổ về nhu cầu nhân lực CNTT do hầu hết các ngành, lĩnh vực đều đẩy mạnh chuyển đổi số, thích ứng với làm việc từ xa. Sự chuyển dịch này không chỉ diễn ra tại Việt Nam mà tại cả các thị trường nước ngoài.

Trong khi đó, với vai trò là doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam, FPT cho biết tập đoàn đã đầu tư nghiên cứu và phát triển hệ sinh thái giải pháp, nền tảng chuyển đổi số Made by FPT. Trong bối cảnh đại dịch với nhiều thách thức, công ty triển khai chương trình eCovax, bộ giải pháp công nghệ tổng thể giúp các tổ chức, doanh nghiệp thích ứng linh hoạt với các diễn biến của dịch bệnh.

Tại lễ trao giải, FPT và các công ty thành viên được vinh danh 7 lần ở các lĩnh vực gồm Nền tảng chuyển đổi số; Chính phủ số; Thành phố thông minh; Dịch vụ – giải pháp CNTT; Blockchain; Hạ tầng số – Bảo mật, an toàn thông tin; và Dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số.

Dù diễn biến dịch bệnh phức tạp, FPT đặt mục tiêu đứng trong top 50 công ty hàng đầu thế giới về cung cấp dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số toàn diện vào năm 2030.

Giải thưởng Top 10 Doanh nghiệp CNTT Việt Nam 2021

Đại diện các doanh nghiệp nhận giải Top 10 Doanh nghiệp CNTT.

Đại diện các doanh nghiệp nhận giải Top 10 Doanh nghiệp CNTT.

Được Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Vinasa phát động từ đầu tháng 4, chương trình Top 10 Doanh nghiệp CNTT 2021 nhận được 194 đề cử. Sau vòng chung tuyển, 104 đề cử từ 76 doanh nghiệp, tổ chức đã được trao giải thưởng và chia theo 15 lĩnh vực khác nhau.

Theo thống kê từ Ban tổ chức, có hơn 90% doanh nghiệp tham gia đang nghiên cứu và áp dụng công nghệ mới như AI, IoT, Big Data blockchain… trong quá trình phát triển sản phẩm, giải pháp. Tổng doanh thu của 76 doanh nghiệp được vinh danh là 186.694 tỷ đồng, chiếm 60,74% doanh thu toàn ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam trong năm 2020.

“Đa phần các doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao đang cung cấp dịch vụ CNTT cho thị trường quốc tế. Đây là những doanh nghiệp đã kiên cường phát huy nội lực, năng động, linh hoạt tìm được cơ trong nguy để vượt khó”, đại diện Vinasa cho biết.

Danh sách Top 10 Doanh nghiệp CNTT theo lĩnh vực

Châu An