Lạm phát thách thức kế hoạch phục hồi kinh tế của Biden

[ad_1]

Lạm phát cao nhất ba thập kỷ đang đặt ra thách thức mới cho Tổng thống Mỹ Joe Biden khi ông thông qua gói chi tiêu 2.000 tỷ USD.

Bộ Lao động Mỹ hôm 10/11 cho biết chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 của nước này tăng 6,2% so với cùng kỳ 2020. Đây là tháng thứ năm liên tiếp lạm phát trên 5%, khi giá cả tăng vọt với các mặt hàng từ ôtô, xăng dầu đến tạp hóa, đồ nội thất.

Lạm phát làm dấy lên những lời chỉ trích mới của Đảng Cộng hòa đối với kế hoạch chi tiêu xã hội và khí hậu trị giá 2.000 tỷ USD của Tổng thống Joe Biden. Đảng Dân chủ tại Hạ viện đang hoàn thành dự luật vào tuần tới và gửi nó lên Thượng viện.

Đáp lại, Biden không đồng ý những chỉ trích dù thừa nhận vẫn ưu tiên giảm thách thức liên quan đến lạm phát và chuỗi cung ứng. Ông nói rằng dự luật cơ sở hạ tầng sẽ giúp giảm bớt tắc nghẽn giao thông và kế hoạch 2.000 tỷ mang tên “Xây dựng lại tốt hơn” của mình nhằm giúp các gia đình giảm được chi phí.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Bloomberg

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Bloomberg

“Giá tiêu dùng vẫn quá cao”, Biden phát biểu hôm 10/11 trong chuyến thăm Cảng Baltimore. “Mọi thứ từ một gallon xăng đến một ổ bánh mì đều đắt hơn”, ông nói thêm. Tuy nhiên, Biden cũng tìm cách cân bằng khi nhấn mạnh tin tức kinh tế tích cực như lương tăng và tỷ lệ thất nghiệp giảm.

Chính quyền Biden cũng tìm kiếm các cách khác để ổn định chuỗi cung ứng. Nhà Trắng sẽ phác thảo một chương trình mới trong tuần này. Theo đó, các cảng đang gặp khó khăn có thể nhận tiền trực tiếp từ các dự án khác do liên bang tài trợ để giảm bớt tắc nghẽn. Ví dụ, Cảng Savannah (Georgia) được phân bổ lại hơn 8 triệu USD để mở 5 bãi container nội địa tạm thời.

Đảng Cộng hòa đã đồng loạt bác bỏ kế hoạch chi tiêu của đảng Dân chủ và các khoản thuế đi kèm với kế hoạch đó. Họ nói rằng kế hoạch chi tiêu mới là thiếu khôn ngoan. “Lạm phát này là có thật, không phải nhất thời. Nó rất lớn và được tạo ra từ các chính sách kinh tế khủng khiếp của chính quyền Biden”, Thượng nghị sĩ Kevin Cramer bình luận.

Kế hoạch chi tiêu 2.000 tỷ USD cấp vốn cho việc chăm sóc trẻ em, vườn trẻ miễn phí, cùng với các điều khoản để giảm giá thuốc theo toa. Đảng Dân chủ có kế hoạch thông qua dự luật mà không cần sự ủng hộ của đảng Cộng hòa, nhờ một quy trình được gọi là điều chỉnh ngân sách.

Bằng cách này, họ chỉ cần một nửa nghị sỹ Thượng viện chấp thuận, thay vì 60%. Trong đó, Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ phá vỡ mọi ràng buộc của Thượng viện để dự luật có thể ban hành.

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Joe Manchin ở Tây Virginia, bày tỏ lo ngại về quy mô của gói 2.000 tỷ mới. Lý do là gói cứu trợ 1.900 tỷ USD ban hành đầu năm nay đã góp phần đẩy lạm phát lên khi thu nhập hộ gia đình tăng. Hôm 10/11, ông nhắc lại mối lo ngại về giá cả tăng và bác bỏ các tuyên bố trước đây của chính quyền rằng lạm phát cao là tạm thời.

“Khi đánh giá tất cả các mặt, mối đe dọa do lạm phát kỷ lục gây ra cho người dân Mỹ không phải là nhất thời. Thay vào đó, nó đang trở nên tồi tệ hơn. Từ cửa hàng tạp hóa cho đến trạm xăng, người Mỹ biết lạm phát là có thật và chính quyền không thể phớt lờ những khó khăn người dân cảm thấy hàng ngày nữa”, ông nói.

Moody’s Analytics ước tính gói chi cho cơ sở hạ tầng khoảng 1.000 tỷ USD, bao gồm 550 tỷ USD chi tiêu mới, cùng với 2.000 tỷ USD chi tiêu xã hội và dự luật khí hậu, sẽ cộng thêm khoảng 0,3 điểm phần trăm vào lạm phát trong giai đoạn 2022 – 2024 .

Đảng Cộng hòa đang nhắm vào chủ đề lạm phát trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm tới. “Các cử tri sẽ quy trách nhiệm cho các đảng viên Đảng Dân chủ về việc gây ra cuộc khủng hoảng lạm phát này. Họ tạo ra bội chi và không có khả năng quản lý chuỗi cung ứng của quốc gia”, Mike Berg – một phát ngôn viên của đảng Cộng hòa cho biết.

Đáp lại, người phát ngôn Nhà Trắng Andrew Bates trích dẫn sự tán thành của 17 học giả từng đoạt giải Nobel kinh tế đối với kế hoạch phục hồi của Biden. Nhóm chuyên gia này cho rằng những đề xuất của tổng thống sẽ giảm bớt áp lực lạm phát dài hạn. Bates cũng chỉ trích việc cắt giảm thuế năm 2017 do đảng Cộng hòa thông qua là quà tặng cho người giàu.

Nhà Trắng chỉ ra rằng các cuộc thăm dò cho thấy người dân ủng hộ chương trình nghị sự kinh tế của chính quyền. Họ kỳ vọng việc thông qua dự luật cơ sở hạ tầng sẽ giúp khôi phục mức độ tín nhiệm đang bị giảm sút của công chúng với Tổng thống Biden.

Một cuộc khảo sát của Đại học Monmouth được công bố hôm 10/11 cho thấy 65% người Mỹ ủng hộ dự luật cơ sở hạ tầng và 62% ủng hộ kế hoạch chi tiêu của Đảng Dân chủ cho các ưu tiên khác. Cuộc thăm dò tương tự chỉ ra 42% người Mỹ tán thành hiệu suất công việc của Biden, trong khi 50% không tán thành.

Patrick Murray, Giám đốc Thăm dò ý kiến tại Đại học Monmouth cho biết kết quả cho thấy Nhà Trắng và đảng Dân chủ ở quốc hội đang “thiếu một thông điệp cụ thể và gắn kết” về cách các kế hoạch của họ giúp ích cho người Mỹ.

Lạm phát dai dẳng cũng đang làm phức tạp chiến lược của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về việc rút dần các chính sách hỗ trợ nền kinh tế được ban hành ở giai đoạn đầu đại dịch. Nó cũng làm phức tạp thêm đồn đoán về việc ai sẽ lãnh đạo Fed nhiệm kỳ tới. Hiện ông Biden chưa cho biết ai sẽ giữ chức chủ tịch Fed sau khi nhiệm kỳ của Chủ tịch Jerome Powell kết thúc vào tháng 2/2022.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Larry Summers đã chỉ trích đánh giá của chính quyền rằng việc tăng giá là nhất thời. Hồi đầu năm, ông đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ lạm phát từ dự luật viện trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD của Đảng Dân chủ.

Tuy nhiên, ông cho biết bản thân không lo ngại gói 2.000 tỷ USD “Xây dựng lại tốt hơn” sẽ tạo ra lạm phát tương tự. Bởi lẽ, gói này được giải ngân kéo dài trong 10 năm và sẽ được bù đắp bằng việc tăng thuế. Theo ông, không thông qua gói này sẽ là một sai lầm.

“Xác suất giá cả tăng hoặc giảm trong vài năm tới là như nhau. Quyết định về dự luật tiếp theo này phải dựa trên việc bạn có nghĩ rằng khoản chi tiêu đó là khoản đầu tư hợp lý vào tương lai của đất nước hay không”, ông nói.

Phiên An (theo WSJ)

[ad_2]