Kênh thanh toán dần chuyển dịch sang di động
Dũng Nguyễn
(TBKTSG Online) – Xu hướng thanh toán trong nền kinh tế đang có sự chuyển dịch theo hướng sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng nhiều hơn.
Họp báo chuỗi sự kiện Ngày không tiền mặt năm 2020. Ảnh: V.D |
Ngày 26-5, tại buổi họp báo công bố chuỗi sự kiện hưởng ứng “Ngày không tiền mặt” 2020 (ngày 16-6), do báo Tuổi trẻ phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử (Vecom), Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) tổ chức, nhiều số liệu công bố cho thấy lượng giao dịch thanh toán tiếp tục tăng vọt qua kênh điện tử.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối năm 2019, giao dịch qua kênh internet tăng 64% về số lượng giao dịch và tăng 37% về giá trị giao dịch; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 198% và 210% về số lượng và giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2018.
Trong khi đó, tỷ trọng giao dịch tại ATM giảm từ mức 62% năm 2018 xuống còn 42% vào năm 2019, trong khi giao dịch qua hệ thống liên ngân hàng tăng từ mức 26% lên 48%. Điều này cho thấy thói quen đang dần thay đổi, từ việc rút tiền qua ATM phục vụ cho việc chi tiêu hằng ngày bằng tiền mặt, đang dần chuyển sang các kênh điện tử.
Ở lĩnh vực công, thanh toán điện tử cũng đang được tăng cường. Đến cuối năm 2019 đã có khoảng 50 ngân hàng hoàn thành kết nối thanh toán thuế điện tử với cơ quan Thuế, Hải quan trên 63 tỉnh và thành phố. Có đến 95% lượng tiền nộp thuế Hải quan được thực hiện qua ngân hàng, 99% số doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử, gần 90% số tiền điện của EVN thanh toán qua ngân hàng, 30 bệnh viện đã kết nối triển khai thanh toán viện phí điện tử, một số bệnh viện đã đạt 35% số lượng giao dịch thanh toán viện phí không dùng tiền mặt.
Đáng chú ý, trong những tháng đầu năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng hoạt động thanh toán vẫn có sự tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, giá trị giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng trong quí 1-2020 tăng 21% so với cùng kỳ. Chỉ riêng 20 ngày đầu tháng 4, giá trị giao dịch đã tăng 8,85% so với cùng kỳ.
Trong đó tổng số lượng giao dịch qua hệ thống Chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử trong ba tháng đầu năm 2020 tăng 81,32% về số lượng và tăng 145,32% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), trong thời gian qua các ngân hàng đã tăng trưởng cả về chất lượng và số lượng trên kênh thanh toán mobile banking, thậm chí có trường hợp ngân hàng thanh toán qua kênh này chiếm đến 80%, trong khi tại quầy chỉ có 20%.
Theo người đại diện Vụ Thanh toán, tháng 4 vừa qua, cơ quan quản lý đã trình đề án thí điểm tiền di động (Mobile Money) và xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 23/2014 hướng dẫn việc mở tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, mở đường cho việc mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử (eKYC). Ngoài ra, cơ quan quản lý tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó đưa ra nhiều khái niệm mới về tiền điện tử hay ngân hàng đại lý.
Cũng theo số liệu của NHNN, có đến 63,7% số người trưởng thành có tài khoản ngân hàng (đã lọc tài khoản trùng). Mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ này sẽ ở mức 70%. Tính đến nay có khoảng 78 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua internet và 49 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động.
Thống kê của Visa cho thấy có đến 79% người tiêu dùng ủng hộ định hướng không dùng tiền mặt của Chính phủ. |
Theo kết quả khảo sát về hành vi người tiêu dùng của Visa, có 74% số người tiêu dùng cho biết muốn thanh toán qua công cụ không tiền mặt nhiều hơn vì phương tiện chấp nhận thanh toán không tiền mặt hiện đang tăng lên dần, giúp người dân không cần mang thêm tiền mặt theo bên mình.
Thống kê cũng cho thấy có 37% số người tiêu dùng có xu hướng sử dụng thanh toán không tiếp xúc, trong đó có đến 42% thanh toán không tiếp xúc qua thiết bị di động.
Nguồn: NHNN |
Ngày không tiền mặt do báo Tuổi trẻ đề xuất, ngày 16-6, được bắt đầu từ năm 2019 – là ngày phương tiện thanh thanh toán không dùng tiền mặt được khuyến khích sử dụng khi mua sắm, giao dịch thanh toán và người tiêu dùng sẽ được hưởng chính sách ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán và các nhà bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ.
Bà Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông NHNN cho biết, Ngày không tiền mặt là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ tại các Đề án nói trên và Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Một trong những mục tiêu đó là nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng cho công chúng. Do đó, việc truyền thông, giáo dục tài chính có vai trò quan trọng.
Để phát triển phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, theo bà Sen cần có sự đồng bộ về cơ sở pháp lý, hạ tầng tài chính và truyền thông. Trong thời gian tới, truyền thông ngành Ngân hàng tiếp tục hướng đến các đối tượng yếu thế trong xã hội, người dân chưa có tài khoản ngân hàng, đặc biệt người dân vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn, đồng thời tăng cường phối hợp các cơ quan liên quan, tổ chức chính trị – xã hội với mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau trong tiếp cận các sản phẩm dịch vụ tài chính.