Hơn 100 ngày vượt dịch khó quên của nữ CEO bốn con

[ad_1]

Bốn tháng qua, không chỉ lèo lái POPS Worldwide vượt qua mùa giãn cách ở TP HCM, Esther Nguyễn còn chăm vén tổ ấm với 4 con đang tuổi hiếu động.

“Ban đầu tôi nghĩ rằng thời gian giãn cách này cũng nhanh thôi, như những đợt bùng phát ngắn trước. Không ngờ, nó lại kéo quá dài”, Esther Nguyễn nói với VnExpress nhân dịp 20/10, khi cô nhìn lại hơn 100 ngày cùng hàng triệu người trải qua đợt giãn cách ở TP HCM.

Esther Nguyễn sinh năm 1976, là CEO POPS Worldwide. Cô được mệnh danh là “nữ hoàng nhạc số” khi công ty cô là đơn vị sản xuất và phát hành nội dung giải trí kỹ thuật số hàng đầu Đông Nam Á suốt 14 năm qua, với 235 tỷ lượt xem trên toàn hệ thống và hơn 456 triệu người theo dõi tính đến thời điểm này.

Đã có 3 lần POPS nhận được đầu tư từ các quỹ lớn. Gần đây nhất là Mirae Asset – Naver Asia Growth Fund bắt tay quỹ đầu tư tư nhân Eastbridge Partners, rót 30 triệu USD cho công ty. Bản thân Esther Nguyễn từng vào top “10 nữ CEO truyền cảm hứng tại Đông Nam Á” năm 2017 và “60 nữ doanh nhân – người sáng lập những startup làm rung chuyển giới công nghệ toàn cầu” năm 2018 của Forbes.

CEO POPS WorldWide Esther Nguyễn tại văn phòng. Ảnh nhân vật cung cấp

CEO POPS Worldwide Esther Nguyễn tại văn phòng. Ảnh nhân vật cung cấp

Năm ngoái, lĩnh vực giải trí số, một cấu phần của nền kinh tế số Việt Nam tiếp tục phát triển. Nhờ thế, POPS đã tăng trưởng 89% so với cùng kỳ 2019. Nhưng sang 2021, khi làn sóng dịch bùng phát lần thứ tư, cô thừa nhận năng suất công việc giảm và giao tiếp giữa mọi người trong công ty gặp nhiều trở ngại. “Có những chương trình mà POPS ấp ủ thực hiện nhưng rồi giãn cách khiến việc ghi hình, tổ chức nội dung… không thể nào thực hiện”.

Chia sẻ về bí quyết vượt dịch của đội ngũ mình, Esther Nguyễn cho biết kinh nghiệm đầu tiên là giữ vững tinh thần bằng cách nỗ lực giao tiếp, kết nối, động viên, truyền cảm hứng, quan tâm và cổ vũ lẫn nhau. “Mỗi ngày, trước khi bắt đầu, chúng tôi đều hỏi thăm ‘hôm nay bạn thế nào?’, sau đó chúng tôi mới bàn về công việc”, cô kể. Khi một nhân sự bị ốm hoặc phải chăm sóc một thành viên trong gia đình bị ốm, họ chia sẻ khối lượng công việc cho nhau.

Là CEO, Esther Nguyễn cũng lao vào chuẩn bị các bài thuyết trình cho các đối tác giúp các thành viên trong nhóm. “Tôi cũng làm luôn cả việc là người đi thuyết trình với các đối tác giáo dục/trường học; hoặc phải nói chuyện trực tiếp với các giáo viên để kết nối họ với dự án POPS Kids Learn”, cô nói.

POPS Kids Learn là một nền tảng giáo dục trực tuyến mà công ty cô vừa cho ra mắt trong bối cảnh trẻ em phải học online hoàn toàn vì dịch bệnh. Đó cũng chính là kinh nghiệm thứ hai của cô khi nhìn ra cơ hội trong khủng hoảng.

“Trong thời gian giãn cách vừa qua, tôi cảm thấy tuyệt vọng cho các em và muốn làm điều gì đó để giúp chúng có thể tiến bộ về mặt xã hội, tinh thần và thể chất”, Esther Nguyễn nói về lý do ra đời của nền tảng trên.

Trong vòng 2 tháng, công ty cho ra mắt dự án với hơn 150 khóa học tương tác trực tiếp ở nhiều lĩnh vực như STEM, âm nhạc, toán, khiêu vũ, nấu ăn…từ các giáo viên từ Học viện sáng tạo công nghệ Teky và Everest Education. “Chúng tôi muốn tất cả trẻ em đều có thể tiếp cận các lớp học của mình, cho phép chúng tương tác với những đứa trẻ khác để chúng không cảm thấy bị xa cách”, cô nói.

Nhưng không chỉ có công việc, Esther Nguyễn còn là một bà mẹ có 4 con đang tuổi hiếu động, với 2 bé nhỏ 2 và 4 tuổi. “Để cân bằng cả gia đình và công việc thật sự là một thử thách”, cô nói. Nữ CEO cho hay, không có sự ngăn cách của gia đình và công việc, mọi thứ cứ hòa quyện vào nhau. Vì vậy có những ngày cảm giác như không bao giờ kết thúc.

Bọn trẻ không hiểu rằng bố mẹ phải làm việc. Chúng nghĩ bố mẹ đang ở nhà nên phải chơi đùa với chúng. Con gái út của cô vẫn thường hay nói: “Mẹ ơi, hãy đặt điện thoại xuống” hay “Mẹ đừng làm việc nữa”. Vì vậy, gia đình cô phải tìm sự cân bằng, bằng cách tạo ra các ranh giới kỳ vọng cho con cái.

Gia đình của Esther Nguyễn. Ảnh nhân vật cung cấp

Gia đình của Esther Nguyễn. Ảnh nhân vật cung cấp

Dù vậy, áp lực vẫn rất lớn. “Giữa nấu nướng, dọn dẹp, chăm sóc con cái, làm việc, họp hành và mọi thứ khác, tôi đã kiệt sức thật sự”, cô thừa nhận. Esther Nguyễn nói, vào mùa giãn cách, cô phải chấp nhận rất nhiều thứ không hoàn hảo hoặc dưới chuẩn bình thường của bản thân.

Đó là ngôi nhà sẽ không được sạch sẽ hay ngăn nắp. Bọn trẻ có thể phải ăn thức ăn không tốt cho sức khỏe vì cô không có đủ thời gian nấu nướng. Cô không thể trả lời mọi email hoặc tham gia tất cả cuộc họp. “Tôi phải chấp nhận rằng các con tôi sẽ có nhiều thời gian sử dụng thiết bị hơn bình thường để tôi có thể… đi tắm. Tôi phải chấp nhận rằng tôi chỉ đang cố hết sức mình rồi!”, cô bộc bạch.

Hơn 100 ngày giãn cách, Esther Nguyễn may mắn không bị mất ngủ hay trầm cảm, nhưng sự căng thẳng và lo lắng thường xuyên luôn hiện hữu. “Thật khó để giữ được sự tích cực và thể hiện một gương mặt dũng cảm cho các con và cho cả team”, cô nói. Tuy nhiên, cô tin rằng phụ nữ là nền tảng cơ bản của một gia đình, là người gắn kết mọi thứ và mọi người lại với nhau.

“Phụ nữ chúng ta thật mạnh mẽ và kiên cường. Tôi thực sự tin vào điều đó. Chúng ta có được sức mạnh bên trong bộc phát ra lúc ta cần nhất”, cô nói. Esther Nguyễn tin rằng, phụ nữ không nên đặt ra quá nhiều áp lực mà quên mất việc chăm sóc bản thân mình. Và đó cũng là cách cô vượt qua hơn 100 ngày giãn cách.

Theo kinh nghiệm của cô, phụ nữ nên dành thêm chỉ 30 phút cho bản thân, để thiền tịnh, cầu nguyện, ngồi trong im lặng, tập thể dục, hoặc đơn giản là có thể tìm thấy sự bình yên cho mình. Phương thức này giúp cô nạp năng lượng và lan tỏa những năng lượng đó cho những đứa con.

Esther Nguyễn cũng áp dụng tinh thần san sẻ công việc trong công ty vào gia đình, nơi tất cả thành viên phải làm việc cùng nhau để hoàn thành việc nhà. “Đó là một bài học hữu ích. Vì giờ đây, đứa 2 tuổi và 4 tuổi nhà tôi đã biết gấp quần áo và cất vào tủ. Khoảng thời gian này cũng dạy chúng tự lập hơn”, cô kể.

Hôm 18/10, Esther Nguyễn và các nhân viên quay lại văn phòng làm việc. Họ bắt đầu khởi động những kế hoạch bị đình trệ vì mùa giãn cách với một tâm lý thận trọng. “Sau một thời gian lo sợ và không chắc chắn đối với tất cả chúng ta, không chỉ bản thân mình, tôi nghĩ rằng mọi người đều cảm thấy nhẹ nhõm nhưng vẫn thận trọng về ‘điều bình thường mới’. Có một cảm giác hy vọng, nhưng vẫn có một cảm giác dè dặt về việc lập kế hoạch cho bất cứ điều gì lâu dài”, cô nói.

Tuy nhiên, về mặt tổng thể, giãn cách xã hội thường giúp thị trường nội dung số phát triển mạnh mẽ. Sau châu Âu, Mỹ, thế giới chứng kiến dịch bệnh bùng phát ở các nước châu Á như Thái Lan, Philippines, Indonesia… là những thị trường mà POPS đầu tư nhiều. Nhưng đó cũng là cơ hội.

“Chúng tôi đã nhận thấy sự chuyển dịch mạnh mẽ hơn nữa sang việc tiêu thụ các nội dung trực tuyến và chúng tôi có kế hoạch tiếp tục đáp ứng nhu cầu đó”, cô nói.

Thị trường khối ASEAN với hơn 400 triệu người, doanh thu hằng năm của ngành công nghiệp nội dung số khu vực ước đạt 150 tỷ USD, trong đó nguồn thu từ bản quyền đạt 5-7 tỷ USD và lên tới 55-65 tỷ USD cho các dịch vụ nội dung số. Hiện, Việt Nam có khoảng 4.500 doanh nghiệp và hơn 70.000 lao động hoạt động trong ngành công nghiệp nội dung số.

Chia sẻ về tham vọng của mình, Esther Nguyễn cho hay vẫn muốn tiếp tục mở rộng quy mô POPS Kids Learn và trở thành nền tảng lớp học trực tuyến lớn nhất về các môn học chính thống, cũng như các lớp phát triển tài năng và kỹ năng. “Tôi muốn làm cho việc giáo dục trở nên thú vị, đầy cảm hứng và có thể tiếp cận được với tất cả mọi người!”, cô nói.

Viễn Thông

[ad_2]