Hàng trăm người sửa quốc lộ 1 từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa

[ad_1]

Tranh thủ thời tiết nắng ráo, các nhà thầu huy động hàng trăm công nhân sửa chữa, vá “ổ gà” trên quốc lộ 1 bằng đá dăm, nhựa bêtông.

Chiều 21/11, 14 đội thi công (mỗi đội trên 10 người) tiếp tục vá, sửa hơn 14.000 m2 trong tổng số 40.000 m2 mặt đường hư hỏng ở Phú Yên. Quốc lộ 1 qua tỉnh này xuống cấp nặng khiến một người tử vong vì xe té “ổ gà”.

Một đoạn hư hỏng được vá trên quốc lộ 1 qua Phú Yên. Ảnh: Phương Đông

Một đoạn hư hỏng được vá trên quốc lộ 1 qua Phú Yên. Ảnh: Phương Đông

Ông Nguyễn Phương Đông, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh này, cho biết quốc lộ 1 có nhiều hố sâu, sình lầy, nhất là đoạn qua thị xã Đông Hòa, huyện Tuy An và thị xã Sông Cầu. Những ngày qua, nhà thầu đã huy động hàng trăm người sửa chữa.

“Trời vẫn mưa nên đơn vị sửa chữa chưa thể đổ nhựa bêtông vì không thể dính bám, mà chỉ dùng đá dăm, đá cấp phối xử lý tạm thời”, ông Đông nói và cho biết dự kiến đến cuối tháng 11 mặt đường sẽ được khắc phục xong. Ngành giao thông đã đặt biển, đèn cảnh báo dọc quốc lộ 1, trung bình 10 km một chốt, và cử lực lượng điều tiết giao thông, đảm bảo an toàn cho người đi đường.

Tương tự, tại Khánh Hòa các đơn vị thi công đang sửa vá các điểm bong tróc, hư hỏng trên quốc lộ 1. Đây là một trong dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 đưa vào hoạt động hồi 2015 với nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và dự án BOT. Trong đó, Công ty cổ phần quản lý và xây dựng đường bộ Khánh Hòa là đơn vị khai thác, quản lý 80 km; Công ty cổ phần đầu tư BOT Đèo cả – Khánh Hòa quản lý hơn 37 km.

Ông Lê Thuận Đoàn (Giám đốc Công ty cổ phần quản lý và xây dựng đường bộ Khánh Hòa), nhìn nhận sau hơn 6 năm đưa vào hoạt động, quốc lộ 1 đang xuống cấp, khi gặp mưa nhiều và tác động của xe tải trọng nặng dẫn tới hư hỏng.

Mỗi ngày, công ty huy động hơn 70 nhân công, vật liệu cùng hàng chục máy móc xử lý các ổ gà, nước đọng. Tuy nhiên, việc khắc phục các hư hỏng mặt đường gặp khó khăn trong điều kiện mưa lớn kéo dài, phát sinh nhiều điểm hư hỏng.

Công nhân đào mặt đường vá sửa trước đó trên quốc lộ 1 qua thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa để xử lý bằng bêtông nhựa nóng, sáng 21/11. Ảnh: An Phước

Công nhân đào mặt đường vá sửa trước đó trên quốc lộ 1 qua thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa để xử lý bằng bêtông nhựa nóng, sáng 21/11. Ảnh: An Phước

Theo ông Đoàn, khi thời tiết ổn định, đơn vị sẽ tiến hành vá sửa kiên cố bằng bêtông nhựa nóng để xử lý triệt để, hoàn trả mặt đường như kết cấu ban đầu. “Chúng tôi đang tập trung nhân lực để đổ bêtông nhựa nóng ở các điểm khác, dự kiến việc sửa chữa hoàn thành vào cuối tháng này” ông Đoàn nói.

Tại Bình Định, hôm qua sáu mũi thi công với hàng trăm người được huy động để xử lý các ổ gà, vị trí hư hỏng, sụt lún trên quốc lộ 1. “Chỗ nào nhiều ổ gà, mặt đường sẽ được xới toàn bộ, sâu 12 cm, sau đó thảm bêtông nhựa nóng. Nơi hư hỏng lẻ tẻ sẽ được cắt vuông, thảm nhựa, lu thật kỹ”, ông Trần Thái Hòa, Trưởng chi cục Quản lý đường bộ 3.4 (thuộc Cục Quản lý đường bộ 3) nói.

Theo ông Hoà, ở dự án BOT Bắc Bình Định và BOT Nam Bình Định, hai đơn vị quản lý và bảo trì đường cũng đã huy động người khắc phục các điểm hư hỏng. Việc sửa chữa được đẩy nhanh tốc độ vì dự báo thứ 3 tuần này trời tiếp tục mưa.

Trải bê tông nhựa nóng để vá ổ gà trên quốc lộ 1 ở Quảng Ngãi. Ảnh: Phạm Linh

Trải bêtông nhựa nóng để vá ổ gà trên quốc lộ 1 ở Quảng Ngãi. Ảnh: Phạm Linh

Lãnh đạo Chi cục Quản lý đường bộ 3.1 đã có mặt tại Quảng Ngãi một tuần nay để đôn đốc việc sữa chữa quốc lộ 1 đoạn từ xã Nghĩa Phương (huyện Tư Nghĩa) đến thị xã Đức Phổ. Trước đó, mưa lớn một tuần khiến 30 km quốc lộ xuất hiện nhiều ổ gà sâu, sình lún.

Đoạn quốc lộ trên được nâng cấp, mở rộng theo hình thức BOT với tổng vốn hơn 2.100 tỷ đồng, đưa vào khai thác năm 2016. Chủ đầu tư là Sở Giao thông Vận tải Quảng Ngãi, nhà thầu thi công là liên danh Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Thiên Tân và Tổng công ty Thành An.

Những ngày qua, đơn vị thi công đã đổ nhựa ở những điểm hư hỏng cục bộ mặt đường trên toàn tuyến. Những điểm chưa kịp đổ nhựa được khắc phục bằng cách lấp tạm các bao cát. Tuyến đường còn trong thời gian bảo hành nên kinh phí sữa chữa do nhà thầu chi trả.

Xuân Ngọc – Phạm Linh

[ad_2]