Google hướng dẫn trẻ em Việt Nam lên mạng an toàn

[ad_1]

Các chỉ dẫn Be Internet Awesome giúp trẻ hạn chế các mối nguy khi truy cập mạng được Việt hóa và cung cấp miễn phí tại Việt Nam.

Bộ giáo trình có dạng file PDF với 5 chủ đề, xoay quanh các mẹo và nguyên tắc để an toàn trực tuyến gồm: Chia sẻ cẩn thận, Đừng rơi vào cạm bẫy, Bảo vệ bí mật, Tử tế thật tuyệt và Khi nghi ngờ đừng ngại lên tiếng. Ngoài ra, Google phát hành trò chơi Interland, cho phép trẻ học các kỹ năng về an toàn kỹ thuật số thông qua chơi game phiêu lưu.

Đại diện Google cho biết tài liệu này nằm trong chương trình Em an toàn hơn cùng Google, vừa được khởi động tại Việt Nam. Chương trình thúc đẩy việc sử dụng công nghệ số an toàn dành cho trẻ từ 7 đến 13 tuổi, được Google, Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Trung tâm Tư vấn Sức khỏe Gia đình và Phát triển Cộng đồng (CFC) triển khai.

Một bài kiểm tra giúp trẻ phát hiện các chiêu lừa đảo trên mạng. Ảnh: Lưu Quý

Một bài kiểm tra giúp trẻ phát hiện các chiêu lừa đảo trên mạng. Ảnh: Lưu Quý

Tại buổi ra mắt ngày 11/10, ông Nguyễn Đức Tuân, quyền Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam – Cục ATTT, cho biết: “Ở Việt Nam, Google là nền tảng phổ biến được nhiều người sử dụng, trong đó có trẻ em. Chương trình góp phần nâng cao nhận thức và trang bị kiến thức kỹ năng về bảo vệ trẻ trên môi trường mạng”.

Theo báo cáo của tổ chức DQ Institute năm 2020, trẻ em Việt Nam nằm trong nhóm có chỉ số an toàn trực tuyến thấp nhất thế giới, đạt mức 12,7 điểm, trong khi mức trung bình là 30 – 59,9 điểm. Khi lên mạng, trẻ em và thanh thiếu niên phải đối mặt với nhiều mối nguy như nội dung bạo lực, bắt nạt, tin giả, hiểm họa từ người lạ.

Trẻ có khuynh hướng ít chia sẻ với phụ huynh vì lo ngại bị phản ứng. Khi gặp phải vấn đề, trẻ thường chọn cách im lặng hoặc có hành động tiêu cực. Khảo sát của Qualtrics và Google cũng cho thấy, 71% phụ huynh lo ngại về an toàn trên mạng khi cho con học trực tuyến, nhưng hơn 1/3 số phụ huynh được hỏi chưa bao giờ nói chuyện với trẻ nhỏ về vấn đề an toàn mạng.

“Những rủi ro tiềm ẩn ở đời thực với trẻ em như bị bắt nạt, bắt cóc hay xâm hại cũng có trên môi trường mạng. Trước khi nói tới sự phát triển và sáng tạo, cần phải đảm bảo an toàn trước nhất”, bà Nguyễn Hoàng Anh, đại diện CFC Việt Nam, chia sẻ.

Lưu Quý

[ad_2]