Góc khuất của sự bùng nổ đầu cơ chứng khoán mùa đại dịch
Thư Kỳ
(TBKTSG) – Bất kể lời can ngăn của nhiều chuyên gia lão luyện, rất nhiều người, nhất là thanh niên đã lao vào nghề mua bán chứng khoán theo kiểu đầu cơ trong ngày (day trading) trong khi chưa hiểu hết mọi ngóc ngách của thế giới đầy cám dỗ này. Nạn nhân gần đây nhất là Alex Kearns đã tự kết liễu đời mình khi tưởng thua lỗ gần cả triệu đô la Mỹ.
Ảnh minh họa chụp tại sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải, thuộc khu tài chính Phố Đông ngày 28-2-2020. Ảnh: Reuters. |
Alex Kearns là sinh viên trường Đại học Nebraska. Đại dịch Covid-19 đóng cửa trường, Alex giống hàng triệu thanh niên khác, tạm thời nghỉ học ở nhà hay không có việc làm mới nảy sinh ý tưởng tham gia mua bán chứng khoán qua mạng. “Day trading” là từ để chỉ những người mua bán chứng khoán dạng nhỏ như Alex, chỉ mua bán trong ngày chứ không đầu tư lâu dài, thậm chí không để qua ngày khác. Hàng loạt công ty môi giới chuyên đáp ứng nhu cầu mua bán ngắn hạn này; rồi gần đây các công ty môi giới này cho ra đời nhiều ứng dụng để người chơi dễ dàng mua bán qua điện thoại di động.
Một hôm vào tháng 6-2020, Alex Kearns bỗng thấy tài khoản mua bán của anh trên ứng dụng của Robinhood, nhà môi giới anh chọn, thua lỗ đến 730.165 đô la. Anh viết thư để lại cho gia đình, nói “không hiểu mình đang làm gì nữa”, bởi anh nói anh “chưa bao giờ muốn chấp nhận mức rủi ro cao như vậy”. Xong anh lao vào đoàn tàu hàng và từ biệt cõi đời này khi mới chỉ 20 tuổi. Điều kinh khủng là ứng dụng cập nhật muộn, thực tế anh không thua lỗ đồng nào, tài khoản vẫn còn dương 16.000 đô la. Theo New York Times, thư anh còn đặt câu hỏi: “Làm sao mà một cậu 20 tuổi chưa có thu nhập lại có thể được phân bổ quyền tạo đòn bẩy đến gần 1 triệu đô la?”.
Cái chết phi lý này đã khiến báo chí soi lại hoạt động của các hãng môi giới đang tìm mọi cách dụ dỗ nhiều người vào mua bán chứng khoán theo kiểu tài tử.
“Day trading” là một nghề thật sự chứ không phải là trò tiêu khiển vì người tham gia phải biết nhiều loại kiến thức về chứng khoán. Thế nhưng các công ty môi giới thời kỹ thuật số đã tự động hóa mọi thứ để bất kỳ ai, dù chưa biết gì về chứng khoán cũng có thể mua bán sôi động. Các nơi này tô đậm các công cụ để “đánh bạc” như đòn bẩy (margin – vay tiền để mua bán chứng khoán); quyền chọn (options – mua bán cái quyền sẽ mua chứng khoán với một giá nhất định vào một thời điểm nhất định); đánh xuống (shorting – vay chứng khoán để bán ra khi nghĩ chứng khoán đó sẽ mất giá); buôn vàng (mua bán chứng khoán của các quỹ đầu tư vào vàng)… Để hấp dẫn người chơi, các ứng dụng cập nhật lời lỗ liên tục nên kích thích lòng tham hay sự tháu cáy y như họ đang chơi một game điện tử.
Robinhood lại câu khách bằng chiêu thức không thu phí hoa hồng giao dịch; họ trông chờ làm giàu bằng cách khác như thu phí thành viên, phí cho vay margin hay lãi trên số dư của tài khoản khách. Họ chuyên môi giới loại cổ phiếu penny stock, quyền chọn, tiền mã hóa; ứng dụng chạy cả trên nền trang web và điện thoại di động.
Robinhood cũng như các doanh nghiệp công nghệ FinTech khác, chủ yếu nhắm tới tốc độ tăng trưởng khách hàng chứ không nhắm tới lợi nhuận. Tốc độ tăng trưởng sẽ giúp họ thu hút vốn từ các quỹ đầu tư, như mới tháng 5-2020 được Sequoia Capital rót thêm 280 triệu đô la, đẩy giá trị thị trường của Robinhood lên 8,3 tỉ đô la.
Theo Financial Times, đại dịch làm bùng nổ lượng người chơi chứng khoán. Robinhood có thêm 3 triệu người dùng trong quí 1, đưa lượng khách đăng ký với họ lên đến 13 triệu tài khoản. Hơn một nửa những người chơi mới hoàn toàn chưa biết gì về day trading. Các hãng môi giới khác như Schwab, ETrade và Interactive Brokers cũng có lượng khách tăng nhanh, thêm 1,5 triệu tài khoản trong năm tháng đầu năm, gấp đôi số lượng cùng kỳ năm 2019.
Mua buổi sáng, bán buổi trưa mà hòng kiếm lời lớn thì chỉ có cách vay thật nhiều tiền, dùng quyền chọn hay chọn loại cổ phiếu đầy rủi ro, giá đang thấp, dưới 5 đô la, gọi là penny stock. Cộng các yếu tố này lại với nhau, một người tưởng chỉ bỏ 1.000 đô la vào tài khoản là yên tâm, có thua cũng chỉ thua chừng đó; thực tế anh ta có thể chịu mức lỗ vài ba trăm ngàn đô la là chuyện thường tình.
Vị phó chủ tịch hãng Berkshire Hathaway nổi tiếng có CEO là Warren Buffett, ông Charlie Munger, từng cảnh báo: “Tôi xem đó [việc dụ dỗ giới trẻ tham gia day trading] chẳng khác gì dụ dỗ một đám trẻ hít thử heroin”. Các nhà nghiên cứu từng thấy não bộ người bị heroin kích thích cũng chẳng khác gì mấy khi não của họ chờ đợi một khoản lời buôn chứng khoán ngắn hạn. Robinhood lại có màn tặng người chơi cổ phiếu miễn phí – chỉ chừng 10 đô la để khởi đầu rồi khi khách có giao dịch đầu tiên, màn hình chớp sáng một màn pháo hoa chào đón.
Andrew Lo, một giáo sư tài chính tại Đại học MIT, cho rằng giao dịch trong ngày và chơi video game ngày càng giống nhau. Đặc biệt với những ai chưa hiểu hết mọi ngóc ngách của việc giao dịch, tác động của lời lỗ lên tâm lý là rất nặng nề. Người chơi thường trải qua các cung bậc cảm xúc từ sợ hãi đến lo lắng, từ hối tiếc đến giận dữ rồi bất lực, chán chường. Leon Cooperman, nhà tỉ phú chuyên quản các quỹ đầu cơ nói với CNBC: “Họ đang làm điều ngu ngốc và theo tôi, kết cục sẽ là nước mắt”.
Trong quá khứ, để trở thành một người chuyên làm nghề giao dịch trong ngày không phải dễ. Trước hết phải có ít nhất 25.000 đô la trong tài khoản; việc đăng ký giao dịch với một hãng môi giới trực tuyến cũng mất thời gian. Nay theo Financial Times, việc đăng ký chỉ mất vài phút, hãng thường duyệt trong vòng một ngày. Ví dụ, Robinhood có dạng thành viên “vàng”, mỗi tháng chỉ mất 5 đô la lệ phí, thành viên có thể vay tiền của Robinhood (margin) để đánh lớn. Giới hạn duy nhất là quy định của liên bang buộc trong tài khoản của người đăng ký luôn phải duy trì tối thiểu 2.000 đô la để chơi “margin”.
Đặc biệt nguy hiểm là quyền chọn option, là một sản phẩm tài chính phái sinh giúp người chơi chỉ bỏ ra ít vốn ban đầu nhưng có khả năng thắng gấp trăm lần hay thua cũng gấp trăm lần mỗi khi giá chứng khoán lên hay xuống đột ngột. Cơn sốt tham gia giao dịch trong ngày rồi chơi kiểu quyền chọn làm tổng giá trị các hợp đồng quyền chọn hiện đã lên đến 5.200 tỉ đô la, gần gấp đôi mức cách đây năm năm.
Theo luật, các nhà môi giới trực tuyến phải cảnh báo cho khách những rủi ro to lớn khi sử dụng quyền chọn; họ cũng buộc phải đặt ra các mức độ giao dịch quyền chọn khác nhau đối với khách. Khách chỉ được quyền tăng lên mức độ cao hơn khi thỏa mãn những điều kiện gắt gao như kinh nghiệm giao dịch, tài sản ròng, tài sản có tính thanh khoản cao, độ tuổi… Thế nhưng trong cơn sốt kiếm tiền mùa Covid-19 vừa trói chân trong nhà vừa khó khăn tài chính, người ta tìm đủ cách để vượt qua. Bi kịch của Alex Kearns dẫn đến cái chết nhưng hàng ngàn trường hợp khác, chỉ mất hết tiền bạc, sức khỏe và chịu chấn thương tâm lý thì ít được biết đến hơn.
Đáng lưu ý là các hãng môi giới giao dịch trong ngày vươn đến cả Việt Nam; có hãng có riêng phần tiếng Việt trên trang web chào mời. Họ cũng nhắc đến quy định cách đây vài năm người tham gia phải có tối thiểu 25.000 đô la để bắt đầu giao dịch nhưng nhấn mạnh nay đăng ký với họ thì chỉ cần 1.000 đô la trong tài khoản. Loại tài khoản này được quảng bá là được quyền sử dụng đòn bẩy đến 1:500, được mua bán ngoại hối và loại hợp đồng chênh lệch (CFD) trên các chỉ số và hàng hóa.
Một nghiên cứu tiến hành ở Brazil cho biết đến 97% những người tham gia giao dịch trong ngày mất hết tiền bạc sau một năm. Chỉ 1,1% làm ra tiền và 0,5% có thu nhập cao hơn mức nhân viên ngân hàng mới vào nghề. Một nghiên cứu khác ở Đài Loan cho thấy chỉ 1% các “day traders” là có chút lãi. Một điều lạ, rất giống chơi bài ở casino, lúc mới chơi, ai cũng thắng và sau một thời gian, ai cũng thua. Thế mà nhiều hãng môi giới vẫn cứ lớn tiếng cho rằng giao dịch trực tuyến qua ứng dụng chính là “dân chủ hóa” hoạt động đầu tư. Ngược lại, tờ New York Times trích lời một nhà đầu tư cho rằng trao công cụ giao dịch trực tuyến như của Robinhood cho một thanh niên 20 tuổi chẳng khác nào giao cho cậu ấy lái chiếc xe đua Ferrari khi chưa có bằng lái xe!