Giới trẻ Hàn Quốc chơi chứng khoán để nhanh giàu

Ước mơ của Jenny Lee là sở hữu một căn chung cư ở Seoul, nơi giá nhà trung bình là gần một triệu USD một căn.

Lee năm nay 27 tuổi, từng thất nghiệp một năm và mới chỉ có việc làm tháng trước. Cô đang thuê một phòng ký túc gần Seoul. Lee không có một tấm bằng đại học danh giá để vào làm tại các công ty nổi tiếng, như Samsung Electronics. Cô cũng đang sống trong một đất nước mà sự gia trưởng vẫn còn tồn tại.

Để có tiền mua nhà, Lee tìm đến một giải pháp, đó là “lướt sóng chứng khoán”. “Tại Hàn Quốc, những người hơn 20 tuổi như chúng tôi chỉ có hai cách để làm giàu: Trúng số hoặc chơi chứng khoán”, Lee nói, “Chúng tôi biết mình sẽ chẳng bao giờ giàu lên được nếu chỉ nhờ lương. Sẽ chẳng bao giờ đủ tiền mua nhà đâu”.

Lee đang đặt cược vào cổ phiếu công nghệ của Mỹ. Cô đã góp phần vào làn sóng nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường chứng khoán trong đại dịch. Những người buồn chán khi phải ở nhà do lệnh phong tỏa, hoặc mất việc, đã thử vận may trên các ứng dụng giao dịch chứng khoán dễ dùng và miễn phí môi giới.

Nhân viên giao dịch tại KEB Hana Bank (Hàn Quốc). Ảnh: AP

Nhân viên giao dịch tại KEB Hana Bank (Hàn Quốc). Ảnh: AP

Lee là một trong trong hàng triệu nhà đầu tư cá nhân Hàn Quốc đóng góp 65% giá trị giao dịch cho chỉ số Kospi năm nay. Tỷ lệ này tăng so với 48% năm ngoái. Phần lớn nhà đầu tư ở độ tuổi 20 và 30, theo hãng môi giới chứng khoán Korea Investment & Securities. Rất nhiều người vay tiền chơi chứng khoán. Con số này tăng 33% giai đoạn tháng 12/2019 – 6/2020, Dịch vụ Giám sát Tài chính Hàn Quốc cho biết.

Điều khiến nhóm này đặc biệt, là họ kỳ vọng chứng khoán tăng sẽ giúp mình thoát khỏi nền kinh tế mà các cơ hội đã nghèo nàn từ trước khi đại dịch xuất hiện. Mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của các chaebol đã chịu ảnh hưởng khi toàn cầu hóa chậm lại. Hiện tại, việc làm thậm chí còn khó tìm hơn. Việc vay thế chấp cũng càng khó nữa.

Rất nhiều chaebol, như SK Group, đã ngừng tuyển dụng. Những người thất nghiệp trẻ (tuổi 15 – 29) chiếm 10,1% trong quý II, cao hơn hẳn tỷ lệ thất nghiệp tổng là 4,4%. Một nửa trong số 682.000 người từ bỏ tìm việc trong tháng 8 là ở độ tuổi 20 và 30, Cục Thống kê Hàn Quốc cho biết.

Lee giờ cũng đang học để thi công chức. Tỷ lệ chọi lên tới 40:1. Bù lại, cô sẽ có mức lương khoảng 1.500 USD một tháng. Nếu vào được một chaebol, lương khởi điểm của cô có thể lên 34.000 USD một năm.

Jeon Kyung-Dae – Giám đốc Đầu tư Cổ phiếu tại Macquarie Investment Management Hàn Quốc cho rằng “xã hội” là yếu tố thúc đẩy thị trường chứng khoán nhiều hơn là kinh tế. Lãi suất thấp càng khiến vấn đề tồi tệ, do làm giảm giá trị của tiền tiết kiệm.

“Người trẻ Hàn Quốc tuyệt vọng đối mặt với thị trường lao động đóng băng”, Lee Han Koo – một giáo sư tại Đại học Suwon cho biết. Giá bất động sản ngày càng tăng khiến tâm lý giận dữ cũng lên theo. “Trong tình cảnh này, chứng khoán là cơ hội có một không hai” để làm giàu.

Chính phủ Hàn Quốc lo ngại bong bóng nhà đất, nên đã can thiệp để kiềm chế đầu cơ. Từ năm 2014, giá nhà tại Hàn Quốc đã tăng liên tục, vượt quá khả năng chi trả của nhiều người. Giá trung bình một căn hộ ở Seoul là 918,1 triệu won (gần 800.000 USD). Trong khi đó, thu nhập bình quân của người dân Hàn Quốc là 32.000 USD một năm. Tỷ lệ nợ hộ gia đình trên thu nhập sau thuế tại Hàn Quốc hiện là 180% – cao nhất trong các nước thuộc OECD.

“Tôi gần như không thể mua nhà nếu không có bố mẹ giúp đỡ. Vì thế, tôi hy vọng chơi chứng khoán đủ lãi để mua nhà”, Park Sung-woo – một nhân viên văm phòng 28 tuổi tại Seoul cho biết.

Nhà đầu tư cá nhân Hàn Quốc từng tham gia bong bóng dotcom cuối thập niên 90, đổ xô mua Bitcoin năm 2017 và mất tiền vào nhiều quỹ đầu tư thanh khoản kém năm ngoái. Nhưng lần này, số nhà đầu tư cá nhân đông đảo hơn hẳn.

“Tôi có vài người bạn mua cổ phiếu công ty công nghệ sinh học, vì thích tên các hãng đó”, Jang Ho-yoon – một kỹ sư máy tính 26 tuổi cho biết. Cả 5 thành viên trong gia đình anh đều đang chơi chứng khoán.

Nếu lịch sử lặp lại, đến một lúc nào đó, giới chức Hàn Quốc sẽ can thiệp để kiềm chế đầu cơ. Chỉ số Kospi đã tăng 8% năm nay, trong khi Kosdaq (vốn tập trung vào công nghệ) lại tăng 28%, giúp chỉ số này lọt top tốt nhất thế giới năm nay.

“Trước đây, người Hàn Quốc có vài bậc thang cần leo để tăng địa vị xã hội. Đó là học hành chăm chỉ, tốt nghiệp trường danh giá, có công việc tốt trong một chaebol và cuối cùng là mua nhà Seoul”, Dong-Hyun Ahn – Giáo sư kinh tế tại Đại học Quốc gia Seoul cho biết, “Nhưng hiện tại, kể cả bằng đại học xịn và công việc tốt cũng không thể mua được nhà”.

Hà Thu (theo Bloomberg)

Nguồn