Giá vàng và chứng khoán cùng giảm

[ad_1]

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm ngay phiên đầu tuần, giá vàng cũng ghi nhận phiên đi xuống thứ 3 liên tiếp.

Báo cáo thị trường việc làm mới dù bi quan nhưng không đủ để ngăn Cục dự trữ Liên bang Mỹ – Fed siết chặt chính sách tiền tệ trong những tháng tới.

Đóng cửa phiên giao dịch, giá vàng giao ngay trên thị trường New York hạ 0,18% xuống còn 1.753,8 USD một ounce.

Biên tập viên của Gold Newsletter, ông Brien Lundin, nhận xét: “Nhà đầu tư vàng dường như đồng ý với quan điểm của thị trường rằng, báo cáo việc làm tháng 9 dù có phần kém lạc quan nhưng không đủ xấu để có thể cản trở kế hoạch siết chặt chính sách tiền tệ của Fed”.

Diễn biến giá vàng ngày 11/10.

Diễn biến giá vàng ngày 11/10.

Vào phiên cuối tuần trước (ngày 8/10), giá vàng đồng thời giảm nhẹ sau khi số liệu mới công bố cho thấy kinh tế Mỹ có thêm chỉ 194.000 việc làm mới trong tháng trước, trong khi các chuyên gia đã dự báo về con số 500.000 việc làm mới.

Lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ cũng tăng trong ngày hôm qua bởi Fed nhiều khả năng sẽ thông báo bắt đầu thu hẹp chương trình mua trái phiếu, theo phân tích của chuyên gia thuộc ngân hàng Commerzbank – ông Carsten Fritsch.

Hiện mức lương tăng lên và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống cho thấy tình hình thị trường lao động Mỹ đang khá khó khăn. Thực tế này có thể đẩy cao áp lực lạm phát.

“Khả năng Fed chuẩn bị thắt chặt chính sách tiền tệ, khi đó sẽ ngăn giá vàng tăng lên ngưỡng 1.800 USD. Giá kim loại quý hiện đương đầu với rủi ro suy giảm trong ngắn hạn nếu rớt xuống dưới ngưỡng 1.750 USD”, ông Fritsch nói.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm ngay phiên đầu tuần (ngày 11/10) bởi nhà đầu tư băn khoăn về tình trạng giá dầu tăng vọt, nhiều nỗi lo liên quan đến kinh tế và triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp trong đợt công bố kết quả kinh doanh sắp tới.

Đóng cửa phiên, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones hạ 0,7% và đóng cửa ở 34.496 điểm; S&P 500 hạ 0,7% xuống còn 4.361,1 điểm, chỉ số Nasdaq hạ 0,6% xuống 14.486,2 điểm.

Thị trường chứng khoán giảm điểm trong phần lớn ngày giao dịch, tuy nhiên áp lực bán tăng cao trong giờ giao dịch cuối cùng. Các chỉ số đóng cửa phiên ở mức thấp.

Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI trên thị trường Mỹ vượt mức 82 USD một thùng và rồi chốt phiên trên mức 80 USD mỗi thùng trong phiên 11/10. Việc giá tăng vọt không khỏi khiến cho nhiều người lo sợ về rủi ro lạm phát.

Trong nhận định mới công bố, tổ chức Bernstein phân tích: “Giá dầu cao hoặc tăng quá nhanh đã gây ra nhiều cuộc suy thoái kinh tế trong quá khứ và có khả năng lịch sử sẽ lặp lại nếu giá năng lượng tiếp tục đi lên. Giá năng lượng cao thường dẫn đến việc thu nhập khả dụng của người tiêu dùng đi xuống”. Cổ phiếu năng lượng lên điểm trong phần lớn thời gian giao dịch của phiên khi mà giá dầu tăng.

Ngày 11/10, Goldman Sachs hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2022 xuống còn 4% từ mức 4,4% trước đó; dự báo tăng trưởng năm 2021 giảm xuống còn 5,6% từ mức 5,7%. Goldman Sachs viện dẫn đến việc hỗ trợ tài khóa từ Quốc hội Mỹ sẽ giảm đi và tiêu dùng người dân đi xuống, đặc biệt trong ngành dịch vụ.

Diệu Thanh (theo CNBC, MarketWatch)

[ad_2]