GDP năm sau dự kiến tăng 6-6,5%

[ad_1]

Cho rằng kinh tế năm 2022 chịu nhiều rủi ro, thách thức từ tác động của Covid-19, nhưng Chính phủ vẫn đặt mục tiêu GDP năm sau tăng 6-6,5%.

Mục tiêu này được Chính phủ nêu ra tại báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022, ngày 12/10.

Thừa ủy quyền trình bày báo cáo, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dù lần đầu đối mặt với tác động nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng toàn cầu cả về y tế, kinh tế, xã hội, nhưng kinh tế vĩ mô vẫn giữ ổn định trong 9 tháng đầu năm nay.

Tuy nhiên, có 4 trong số 12 chỉ tiêu chưa đạt mục tiêu đề ra. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64% so với cùng kỳ năm 2020, và đợt dịch bùng phát lần thứ 4 đã ảnh hưởng nghiêm trọng khi tăng trưởng quý III giảm 6,17%, kéo tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng chỉ đạt 1,42%.

Ông Dũng cũng cho hay, kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn một số rủi ro; sức ép lạm phát tăng; xuất khẩu giảm tốc. “Xuất hiện tình trạng đứt gãy một số chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng; lưu thông hàng hóa có lúc, có nơi ách tắc cục bộ. Các thị trường tài chính, bất động sản, chứng khoán có thời điểm tăng nóng”, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư nhận định.

Dự kiến tăng trưởng cả năm nay sẽ ở mức 3-3,5% tuỳ thuộc vào khả năng mở cửa kinh tế của đất nước đến mức nào, nhưng đều là chỉ số rất khó khăn để đạt được.

Về dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đề ra 16 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường. Trong đó, tốc độ tăng GDP đạt khoảng 6-6,5%; CPI bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách Nhà nước khoảng 4% GDP…

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư. Ảnh: Hoàng Phong

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư. Ảnh: Hoàng Phong

Góp ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi mở, trong khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn duy trì tăng trưởng trong quý III và đóng góp vào tăng trưởng chung 0,35%. Do đó, cần đánh giá rõ vai trò trụ đỡ của nông nghiệp và đẩy mạnh nông nghiệp như thế nào trong thời gian tới.

Trong khi đó, khu vực công nghiệp và xây dựng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 do thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt, chuỗi cung ứng đứt gãy và phụ thuộc vào thị trường quốc tế, logistic, vận tải hàng hóa, thị trường lao động gặp nhiều khó khăn.

GDP khu vực công nghiệp xây dựng trong quý III giảm 5,02%, đưa mức tăng 9 tháng chỉ còn 3,57%. Tăng trưởng xuất khẩu các ngành dệt may, da giày chậm lại. Hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động, mất đơn hàng khách hàng đã và đang diễn ra. Khu vực dịch vụ, lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất và để phục hồi lại là không đơn giản.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là những lĩnh vực cần có phân tích cụ thể, để có giải pháp cho từng lĩnh vực, không thể chung chung. Ông lưu ý đến giải pháp cho những tháng cuối năm nay cần làm rõ các nội dung tập trung ưu tiên, đồng thời đánh giá kỹ bối cảnh năm 2022 để có kịch bản phù hợp.

Nêu rõ mục tiêu quan trọng đầu tiên là phải ổn định kinh tế vĩ mô gắn với an sinh xã hội, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, năm 2020-2021 là giai đoạn khó khăn nhất từ trước đến nay của đất nước. Vì vậy, cần phải có các gói hỗ trợ với quy mô lớn hơn, các biện pháp mạnh mẽ hơn để phục hồi kinh tế, kích cầu đầu tư, kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Chính sách tài khoá và tiền tệ đồng bộ, gắn với cải cách thủ tục hành chính,chuyển đổi số, chấn chỉnh thái độ trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và thúc đẩy đầu tư xã hội.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị Chính phủ kiểm tra, rà soát và làm rõ một số vấn đề nổi lên thời gian qua để có báo cáo Quốc hội như giá xét nghiệm Covid-19; vấn đề từ thiện của cá nhân; việc chuyển dịch lao động tại các tỉnh phía Nam, lao động về quê…Tác động của dịch Covid-19 đối với các nhóm yếu thế khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ và việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Kết luận thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, dự báo tình hình năm 2022 còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn nên cần phân tích cụ thể và có giải pháp đột phá để giải quyết. Trong đó lưu ý đến xu hướng giảm của các dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam, đầu tư tư nhân trong nước gặp khó khăn, dư địa phục hồi tăng trưởng giảm.

Việc triển khai các chính sách hỗ trợ sẽ gây sức ép lớn lên ngân sách, nợ xấu của các tổ chức tín dụng gia tăng, tình trạng lao động thất nghiệp, mất việc làm tăng cao, lao động đang rời khỏi các tỉnh, thành phố lớn, xuất hiện tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ tại một số khu vực.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp kinh tế – xã hội năm 2022 và ngân sách nhà nước tại kỳ họp thứ 2, dự kiến khai mạc ngày 20/10 tới.

Anh Minh

[ad_2]