Đường nào ‘hồi sinh’ cho ngành du lịch?

[ad_1]

Lượng khách đặt phòng đã tăng đáng kể, một số địa phương, điểm du lịch đang tất bật kích cầu du lịch, nhưng để ngành này phục hồi cần nhiều chính sách tổng thể.

Hoạt động kinh doanh của iViVu trong tháng 10 khôi phục khoảng 10% so với trước khi có dịch. Traveloka Việt Nam cũng ghi nhận lượng đặt phòng khách sạn tăng lên.

Còn tại nhiều tỉnh thành, một số địa phương bắt đầu có động thái kích cầu du lịch nội địa như Quảng Ninh, Phú Quốc, Nha Trang, Hải Phòng,… Một số nơi bị ảnh hưởng nặng như TP HCM, Đồng Nai, Tây Ninh…cũng mở các tour du lịch khép kín.

Doanh nghiệp ở vài địa phương khác bắt đầu nuôi hy vọng về “ánh sáng cuối đường hầm”. Zannier Hotels Bãi San Hô, một khu nghỉ dưỡng cao cấp ở Phú Yên tất bật triển khai các chương trình khuyến mãi mới, củng cố đội ngũ để cung cấp nhiều dịch vụ mang tính cá nhân hóa hơn nhằm phù hợp tình hình.

“Sau nhiều tháng chứng kiến quá trình kinh doanh bị gián đoạn một cách nghiêm trọng, chúng tôi đã bắt đầu nhìn thấy những tia hi vọng”, đại diện resort này cho biết.

Khách du lịch tham quan công viên King Kong tại Khu du lịch Tuần Châu, Quảng Ning ngày 3/10. Ảnh: Minh Cương

Khách du lịch tham quan công viên King Kong tại Khu du lịch Tuần Châu, Quảng Ning ngày 3/10. Ảnh: Minh Cương

Thời “hoàng kim” đã qua

Ngành du lịch Việt Nam từng tăng trưởng vượt bậc trong nhiều năm gần đây nhờ nỗ lực cởi mở trong chính sách cấp thị thực của Chính phủ. Lượng khách quốc tế tăng kỷ lục lên đến hơn 18 triệu lượt vào năm 2019, mang đến nguồn thu 33 tỷ USD, tương đương 12,5% GDP.

Nhưng đây lại là ngành “đứng mũi chịu sào” trong đại dịch khi hoạt động du lịch gần như dừng hẳn. Việt Nam chỉ đón 3,8 triệu lượt khách vào năm 2020 và tổng lượng khách đến tháng 9 năm nay còn chưa bằng 1% của năm 2019.

Nhà hàng, quán bar, beerclub tại phố đi bộ Bùi Viện, TP HCM đóng cửa tối 14/3. Ảnh: Quỳnh Trần

Nhà hàng, quán bar, beerclub tại phố đi bộ Bùi Viện, TP HCM đóng cửa tối 14/3. Ảnh: Quỳnh Trần

Theo các chuyên gia kinh tế của HSBC, do thiếu vắng khách quốc tế nên các dịch vụ liên quan, đặc biệt là lưu trú, vận tải và ăn uống, đã không thể phục hồi đúng nghĩa. Du lịch nội địa gồng gánh ít nhiều trong những giai đoạn Việt Nam kiểm soát tốt tình hình lây lan của dịch bệnh nhưng rồi cũng chịu cảnh gián đoạn đột ngột khi đợt bùng dịch chủng Delta xuất hiện cuối quý II. Dịch vụ lưu trú và ăn uống trong quý III sụt giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Khảo sát 1.853 doanh nghiệp du lịch của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) và VnExpress tiến hành trong tháng 8 vừa qua cho thấy, 96% phải ngừng hoạt động. Ở nhóm còn hoạt động, 67% mất nửa doanh thu. 54% doanh nghiệp được hỏi nói rằng họ không thể tính toán được phải đóng cửa trong bao lâu.

Hệ quả của một ngành mũi nhọn bị “đóng băng” còn ở chỗ thị trường lao động lao đao. Khoảng 10% lực lượng lao động của Việt Nam tập trung trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú, vận tải và giải trí – những ngành liên quan mật thiết đến du lịch. Thậm chí, theo HSBC, số liệu này chưa phản ánh hết bức tranh hiện thực vì có những hoạt động không được thống kê chính thống nhưng chiếm phần lớn tỷ trọng trên thị trường lao động, mà phần nhiều là dịch vụ liên quan tới du lịch.

Khảo sát của Ban IV và VnExpress cũng cho biết, 10% doanh nghiệp du lịch còn hoạt động và 43% doanh nghiệp dừng hoạt động quyết định cắt giảm từ 75% đến dưới 100% nhân sự. Tổng cục Thống kê Việt Nam cho biết, trên 2 triệu người trong ngành dịch vụ bị thất nghiệp trong quý III, thu nhập bị giảm 15% so với quý trước.

Du lịch vẫn khó trong ngắn hạn

PGS.TS Vũ Tuấn Hưng, Phó giám đốc Học Viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, chuyên gia từng có tiếp xúc nhiều với ngành du lịch, đánh giá vấn đề của ngành này không phải ở sức mua mà do dịch bệnh và chính sách.

Ông dự báo, ngành du lịch trong ngắn hạn (mùa Tết dương và Âm lịch) 3- 6 tháng tới vẫn khó khăn. Thứ nhất, làn sóng Covid-19 bùng phát trở lại ở nhiều nơi như Singapre, Mỹ, Nga và một số nước châu Âu. Do đó, nhu cầu khách du lịch quốc tế sẽ hạn chế và Việt Nam có thể cẩn trọng xem xét việc đón khách ngoại.

Thứ hai, với thị trường nội địa, trong vài tuần sau thời gian phục hồi sản xuất đến nay, số ca mắc Covid 19 cũng đang có xu hướng gia tăng. Mặc dù sẽ không có giãn cách như trước, song cũng hạn chế cho việc phát triển du lịch. “Hy vọng, với tỷ lệ tiêm vaccine phủ sớm và việc ra đời nhiều loại thuốc điều trị có hiệu quả, đến quý III và IV/2022 sẽ có sự phục hồi một phần và dần dần mạnh mẽ hơn từ năm 2023”, ông Hưng nhìn nhận.

Một số doanh nghiệp cũng ngại nói đến triển vọng mùa du lịch Tết sắp tới, dù công nhận nhu cầu đang cao. “Hiện tại, rất khó để chúng tôi đưa ra dự báo vì nhu cầu có thể thay đổi vào phút chót cũng như dựa vào các chính sách mới nhất”, đại diện Zannier Hotels Bãi San Hô nói.

Ông Nguyễn Trung Công, Giám đốc công ty iViVu nhận định, ngay khi điều kiện an toàn về sức khỏe được đảm bảo, người dân sẽ đi du lịch lại ngay mà không cần phải đợi đến dịp lễ tết. “Tôi đánh giá nhu cầu du lịch của người dân rất cao và đang bị kìm nén”, ông nói.

Cách nào để “hồi sinh”

Nhưng làm sao ngành du lịch có thể phục hồi bền vững và tận dụng nhu cầu dồn nén này? Theo chuyên gia và doanh nghiệp, sự phục hồi cần một số chính sách và giải pháp từ nhiều phía, bao gồm nhà nước, các địa phương và công ty du lịch.

Trước hết là nguồn lực tài chính để phục hồi. Ban IV đề xuất “thiết kế một chương trình vay vốn trung và dài hạn trong khuôn khổ gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 2022 – 2023 dành riêng cho các doanh nghiệp khách sạn, hàng không, du lịch và dịch vụ du lịch”. Cùng với đó, cho giảm, giãn các loại thuế, phí. Đây cũng là mong mỏi của phía doanh nghiệp.

“Sau một thời gian dài chống chọi với đại dịch, các doanh nghiệp trong ngành đều đang rất khó khăn, đặc biệt là về nguồn vốn để có thể phục hồi, tiếp tục phục vụ khách hàng. Tôi cho rằng việc khai thông nguồn vốn sẽ là tiền đề quan trọng cho các doanh nghiệp quay trở lại thị trường”, ông Công ủng hộ đề xuất này.

Ngoài ra, cần một lộ trình mở cửa rõ ràng, nắm bắt được thời cơ. Với thị trường nội địa, đại diện Zannier Hotels Bãi San Hô cho rằng, nhu cầu sẽ gia tăng vào cuối năm từ khách địa phương, do tỷ lệ tiêm chủng đang tăng và các hạn chế đi lại được nới lỏng. “Nhưng chúng tôi cũng quan sát thấy nhiều khách hàng vẫn còn do dự khi chưa có hướng dẫn du lịch đồng nhất cho cả nước”, ông này nói.

Theo PGS.TS Vũ Tuấn Hưng cần thực hiện linh hoạt các loại hình du lịch “1 cung đường 2 điểm đến” với sự kiểm soát trách nhiệm và hợp tác của các chính quyền địa phương, để thích ứng trong tình hình mới.

Với thị trường quốc tế, so với các nước Đông Nam Á, động thái của Việt Nam khá thận trọng. Từ tháng 8, Việt Nam giảm thời hạn cách ly tập trung từ 14 xuống còn 7 ngày đối với người nhập cảnh đã tiêm phòng đầy đủ. Tuy nhiên, không giống Thái Lan là mở toàn bộ đất nước với 63 quốc gia có nguy cơ thấp từ 1/11, Việt Nam sẽ chỉ mở 5 địa điểm cho khách quốc tế.

Tiến độ mở cửa du lịch của Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Đồ hoạ: Tạ Lư

Tiến độ mở cửa du lịch của Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Đồ hoạ: Tạ Lư

Đó là đảo Phú Quốc, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa và Quảng Ninh từ tháng 11. Trong đó, Phú Quốc được chọn làm nơi thí điểm mở cửa từ 20/11 đón du khách đã tiêm phòng đầy đủ thông qua các chuyến bay thuê bao.

“Nếu kế hoạch thí điểm ở Phú Quốc thành công, các chuyến bay tương tự có thể áp dụng cho các điểm đến khác như Khánh Hòa, Quảng Ninh,… hướng đến mục tiêu mở rộng đường bay quốc tế đến nhiều địa phương hơn”, bà Huỳnh Thị Mai Thy, Giám đốc công ty Traveloka Việt Nam đánh giá.

Một vấn đề quan trọng khác là bản thân ngành du lịch phải nhận ra những thay đổi trong hành vi khách hàng để có chiến lược phục hồi phù hợp. Trong đó, 4 xu hướng nổi bật Traveloka Việt Nam chỉ ra gồm: du lịch “không chạm – tức tuân thủ 5K, hạn chế tiếp xúc giữa người và đồ vật; du lịch tại chỗ (staycation); du lịch chăm sóc sức khoẻ và du lịch đề cao đến tính riêng tư.

Trong đó, du lịch đề cao tính riêng tư là một xu hướng đang được nhiều đơn vị nắm bắt. “Về xu hướng của khách hàng sắp tới, tôi cho rằng khách hàng sẽ thận trọng hơn. Họ sẽ chọn đi theo nhóm nhỏ, nhóm gia đình hoặc bạn bè riêng và tránh đi theo đoàn lớn, tránh đám đông”, ông Công nói.

Cuối cùng là bản thân ngành du lịch cũng đang cần “số hoá”. Cũng theo ông Công, dịch bệnh sẽ làm cho cung – cầu của thị trường thay đổi, nhu cầu của khách hàng cũng sẽ thay đổi nhanh chóng hơn. Vì thế, doanh nghiệp cần phải công nghệ để có đủ thông tin nắm bắt, tung ra sản phẩm phù hợp.

PGS.TS Vũ Tuấn Hưng cũng cho rằng, cần khuyến khích các mô hình trực tuyến, tạo dữ liệu tốt quảng bá Việt Nam và các địa phương, để sẵn sàng bùng nổ sau khi thế giới kiểm soát tốt hơn Covid-19.

Viễn Thông

[ad_2]