Đợt dịch mới ngáng đường chiến lược ‘không Covid’ Trung Quốc

[ad_1]

Trung Quốc vật lộn với đợt bùng phát mới do biến thể Delta suốt hai tháng qua, làm dấy lên câu hỏi mục tiêu “nhổ tận gốc” Covid-19 còn hiệu quả?

Khoảng cách giữa các đợt bùng phát lớn của Trung Quốc thu hẹp dần, từ hai tháng vào nửa cuối năm ngoái xuống còn 12 ngày vào tháng 5 năm nay, sau khi nước này ghi nhận ca nhiễm biến thể Delta đầu tiên. Dù Trung Quốc vẫn có thể đẩy số trường hợp dương tính mới tại địa phương về mức 0, song khoảng thời gian người dân sống trong tình trạng không Covid-19 ngày càng ngắn lại.

Lúc này, quốc gia có chế độ dập dịch được cho là toàn diện nhất thế giới, với xét nghiệm hàng loạt, truy vết tiếp xúc và quản lý nghiêm ngặt lịch trình di chuyển, phải đối đầu với mầm bệnh ngày càng tinh vi, có thể thành thạo xâm nhập phòng tuyến vững chắc. Dễ lây lan như thủy đậu, Delta dường như là kẻ thù khó khăn hơn đối với Trung Quốc song nước này vẫn kiên định chiến lược Zero Covid với mục tiêu loại bỏ tất cả ca nhiễm.

Đợt dịch mới nhất đã lan tới 11 tỉnh, xâm nhập vào thủ đô Bắc Kinh. Giới chức cảnh báo tình hình có thể tồi tệ hơn, đồng thời phong tỏa một thị trấn giáp Mông Cổ – nơi ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất. Ngoài ra, hôm 26/10, Trung Quốc yêu cầu 4 triệu dân của thành phố Lan Châu, thủ phủ tỉnh Cam Túc ở nhà, chỉ ra ngoài vì mục đích thiết yếu. Nước này đã ghi nhận 198 ca nhiễm chủng Delta từ ngày 17/10.

Sau đợt bùng phát ban đầu ở Vũ Hán, Trung Quốc duy trì trạng thái không ca nhiễm nCoV tới hai tháng. Điều đó cho phép nền kinh tế lớn thứ hai thế giới duy trì các nhà máy, hoạt động mua sắm của người tiêu dùng và du lịch nội địa. Trung Quốc là nước duy nhất đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế vào năm 2020.

Song việc sử dụng chiến lược cũ để ngăn chặn biến thể Delta lây lan có thể cản trở tốc độ tăng trưởng trong năm nay. Quy định phong tỏa, đình chỉ các chuyến bay và tàu hỏa, áp dụng các biện pháp mạnh mẽ ngăn chặn biến thể Delta suốt mùa hè khiến người dân giảm chi. Các đợt bùng phát kể từ đó đè nặng lên tâm lý, khiến nhu cầu và hoạt động du lịch cũng sụt giảm trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh.

Tuy nhiên, chính phủ và cơ quan y tế dường như không có ý định thoát ly chiến lược Zero Covid, ít nhất là trước Thế vận hội Mùa đông vào tháng 2 tới.

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch họng của một người dân tại thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc, ngày 20/10. Ảnh: Reuters

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch họng của một người dân tại thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc, ngày 20/10. Ảnh: Reuters

Bằng cách tăng gấp đôi biện pháp hạn chế, Trung Quốc đang đi ngược lại xu hướng toàn cầu, khi thế giới dần coi Covid-19 là mầm bệnh đặc hữu, sống chung với virus và dựa vào tiêm chủng để ngăn ngừa các ca nhiễm nghiêm trọng.

Các quốc gia từng theo đuổi chiến lược Zero Covid bắt đầu thay đổi quan điểm. Singapore và Australia nới lỏng biện pháp hạn chế. New Zealand chấp nhận đợt bùng phát mới với biến thể Delta lây lan. Tất cả vạch ra kế hoạch mở cửa với thế giới, trong đó chấp nhận thực tế rằng số ca nhiễm cộng đồng vẫn sẽ xuất hiện.

Đối với Bắc Kinh, kinh nghiệm của các nước khác giống với bài học cảnh giác hơn là ví dụ để noi theo. Huang Yanzhong, chuyên gia về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Trung Quốc, cho biết: “Chính phủ đang theo dõi chặt chẽ tình hình nước ngoài để tìm hiểu xem liệu từ bỏ chính sách ‘Zero Covid’ có đồng nghĩa với việc để số ca nhiễm tăng đột biến hay không. Trung Quốc không chấp nhận nếu mọi thứ đi theo hướng đó”.

Trung Quốc đến nay ghi nhận hơn 96.800 ca nhiễm và hơn 4.600 ca tử vong do nCoV. Họ đã tiêm vaccine Covid-19 cho hơn 74,2% dân số, trong đó 61,5% tiêm đủ liều.

Thục Linh (Theo Bloomberg, Washington Post)

[ad_2]