Doanh nghiệp Việt thay đổi nhận thức về chuyển đổi số

[ad_1]

Nhiều doanh nghiệp Việt đã quan tâm hơn đến chuyển đổi số và coi đây thực sự là cơ hội sống còn trong giai đoạn sắp tới.

Những vấn đề xung quanh việc chuyển đổi số được các lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ tại diễn đàn Bứt phá cùng Chuyển đổi số, nằm trong khuôn khổ sự kiện CTO Summit 2021 do VnExpress tổ chức, sáng 25/11. Tám lãnh đạo đến từ các lĩnh vực khác nhau, như công nghệ, bất động sản, bán lẻ, tài chính, logistic đều chung nhận định chuyển đổi số giờ không còn là lựa chọn, mà là xu hướng tất yếu của phần lớn các doanh nghiệp.

Các lãnh đạo công nghệ chia sẻ tại diễn đàn Bứt phá cùng Chuyển đổi số, sáng 25/11.

Các lãnh đạo công nghệ chia sẻ tại diễn đàn Bứt phá cùng Chuyển đổi số sáng 25/11.

Nhận thức về chuyển đổi số

Ở vai trò là đơn vị cung cấp giải pháp, ông Hoàng Việt Anh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn FPT cho biết trong 3-5 năm gần đây, doanh nghiệp Việt đang dần thay đổi nhận thức khi nói về chuyển đổi số. Đặc biệt trong đại dịch, nó đã trở thành nhu cầu cấp thiết. “Trong những cuộc trao đổi, đối thoại của chúng tôi với các doanh nghiệp, có đến 70% lãnh đạo tin chuyển đổi số là chìa khoá cho việc sống sót, phục hồi, tăng trưởng”, ông Việt Anh nói.

Theo ông, tài chính – ngân hàng hiện là lĩnh vực tiên trong trong chuyển đổi số và đã có nhiều kết quả tích cực. Bên cạnh đó, nhiều lĩnh vực truyền thống, như bất động sản, cũng đã tiến hành quá trình này.

Ông Võ Văn Khang, Phó Tổng giám đốc tập đoàn Hưng Thịnh, khẳng định “chuyển đổi số thực sự là sống còn, vì cả xã hội đang chuyển đổi chứ không chỉ vài doanh nghiệp nhỏ lẻ”. Nhận định quy trình này trong bất động sản “là một việc khó, đòi hỏi nỗ lực gấp bội so với các mô hình khác”, ông Thịnh nói doanh nghiệp của mình đã chú trọng đến chuyển đổi số từ năm 2018 và đến nay đã đi được một nửa quãng đường, tiến tới chuyển đổi số hoàn toàn.

Tập đoàn này cũng thành lập Topenland, đơn vị trong lĩnh vực Proptech, ứng dụng hàng loạt công nghệ như Big Data, AI, IoT, Blockchain, AR/VR vào các sản phẩm cũng như quá trình hoạt động liên quan đến bất động sản. “Thị trường hiện có trên dưới 100 đơn vị Proptech, giá trị thị trường khoảng 500 triệu USD. Đây chỉ là con số khởi điểm và chắc chắn là sẽ còn tăng trưởng lớn trong thời gian tới” ông Hoàng Đại Hiển Chương, Phó Tổng giám đốc TopenLand, nói.

Trong lĩnh vực bán lẻ, ông Nguyễn Thiện Phương Quang, Giám đốc ngành hàng Fado chuyên hỗ trợ mua bán hàng hóa xuyên quốc gia, cho biết: “Nhóm doanh nghiệp trước đây chưa chuyển dịch, chỉ chuyên tâm bán hàng qua kênh offline, nhưng giờ đã tập trung mọi nguồn lực để phát triển các kênh thương mại điện tử nhằm giảm sự lệ thuộc vào cửa hàng offline”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Phát triển Đối tác Kinh doanh Lazada Việt Nam, chia sẻ xu hướng chuyển đổi số còn thể hiện ở việc số người mua sắm, số gian hàng hàng trên sàn thương mại điện tử tăng vọt. Dẫn báo cáo từ Google, ông Hoàng cho biết sau đại dịch, Việt Nam có thêm 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới và 71% người Việt có mua sắm trực tuyến ít nhất một lần.

“Trong quý III/2021, số khách hàng truy cập hàng ngày, số đơn hàng, số khách mua tăng gấp hai lần, số nhà bán hàng tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Người tiêu dùng dịch chuyển việc mua sắm từ trực tiếp sang trực tuyến”, ông Hoàng nói.

Nhu cầu chuyển đổi số xuất hiện ở cả những doanh nghiệp xuất phát từ công nghệ. Ông Trịnh Văn Phương, CEO VietMoney, cho biết bản thân họ cũng đang chuyển đổi số trong vận hành. “Đến nay, tất cả các quy trình vận hành của VietMoney đều thực hiện thông qua số hóa. Chúng tôi hướng tới một văn phòng không giấy, đồng thời đã ứng dụng AI và Big Data vào định giá tài sản”.

Ông Trịnh Ngọc Bảo, Giám đốc vận hành đơn vị cung cấp giải pháp quản trị doanh nghiệp Base.vn cho biết trong những năm vừa qua, Base đã cung cấp giải pháp chuyển đổi số cho hơn 6.000 doanh nghiệp. “Rất nhiều khách hàng của chúng tôi đã thành công, tìm ra được điểm đột phá nhờ chuyển đổi số ngay cả khi họ gặp những khó khăn, thách thức nhất”, ông Bảo khẳng định.

Thách thức khi chuyển đổi số tại Việt Nam

Dù đánh giá là xu thế tất yếu, quá trình triển khai chuyển đổi số còn nhiều thách thức. “Khi chúng ta ứng dụng cái mới vào môi trường rất truyền thống sẽ luôn luôn gặp khó khăn”, ông Võ Văn Khang nhấn mạnh.

Theo ông, bên cạnh những doanh nghiệp “sinh ra đã bơi trong môi trường số”, một số doanh nghiệp truyền thống tự thấy họ vẫn sống tốt dù chưa chuyển đổi số. Thậm chí trong ngắn hạn, ông cho rằng chuyển đổi số còn tạo ra những cản trở nhất định. Đây cũng là lý do nhiều chủ doanh nghiệp chưa quyết tâm cho việc này.

Ở vai trò là người tư vấn triển khai ứng dụng blockchain, ông Johnny Trí Dũng, Giám đốc Kinh doanh và Chiến lược Kardiachain, cho biết nhiều chủ doanh nghiệp chưa có niềm tin vào những công nghệ mới. “Niềm tin với công nghệ của họ cần một thời gian, đồng thời họ cũng muốn có doanh nghiệp đi trước để cùng khai thác, bắt tay”, ông Dũng nói.

Ngoài ra, ngay cả khi đã quyết định chuyển đổi số, các doanh nghiệp còn đứng trước thách thức về việc triển khai. Từng hỗ trợ rất nhiều doanh nghiệp chuyển đổi số, ông Hoàng Việt Anh cho biết: “Dù chủ doanh nghiệp đã xác định chuyển đổi số là vấn đề bắt buộc, họ lại không biết bắt đầu từ đâu, làm với ai, như thế nào, làm với ai cho phù hợp. Lúc này, họ sẽ cần một đơn vị sẵn sàng đứng ra hỗ trợ, giúp đỡ trong khâu này”, ông Việt Anh nói.

Công bố Top 10 lãnh đạo công nghệ trẻ

Sự kiện CTO Summit 2021 diễn ra trực tuyến sáng 25/11.

Lưu Quý

[ad_2]