Doanh nghiệp hiến kế giảm kẹt xe bằng công nghệ cao

Chuyên gia, doanh nghiệp đề xuất ứng dụng Big Data, AI thu thập dữ liệu và điều tiết giao thông, tại hội thảo xây dựng chính phủ điện tử hôm 17/9 tại TP HCM.

Tại phiên thảo luận về logistics và giao thông đô thị, ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công thương TP HCM khẳng định thành phố đã xây dựng đề án triển khai 6 trung tâm logistics trên toàn thành, nhằm nâng cao năng lực triển khai dịch vụ ngành và cải thiện các vấn đề tồn đọng của logistics Việt Nam.

Tuy nhiên thực tế, ngành kho vận TP HCM nói riêng và cả nước nói chung đối diện nhiều thách thức, một trong số đó liên quan bài toán ứng dụng công nghệ trong các hoạt động thu thập dữ liệu, quản lý luồng hàng, vận chuyển, điều tiết giao thông… Sự vắng bóng của công nghệ cao trong hầu hết hoạt động kho vận khiến chi phí logistics của Việt Nam bị đội lên khá cao, chiếm 18% so với GDP. Trong khi đó ở các quốc gia trong khu vực, tỷ lệ này chỉ khoảng 9-14%.

“Từ quy hoạch đến triển khai thực tiễn còn rất xa tuy nhiên chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng thành phố đã có chủ trương quy hoạch nhằm thúc đẩy phát triển logisics thông minh trên địa bàn”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ khẳng định.

Hội thảo chuyên đề Sáng tạo, năng động trong hoạt động quản lý logistics thuộc khuôn khổ Hội thảo quốc gia về chính phủ điện tử 2020. Ảnh: Quỳnh Trần.

Hội thảo chuyên đề “Sáng tạo, năng động trong hoạt động quản lý logistics” thuộc khuôn khổ Hội thảo quốc gia về chính phủ điện tử 2020″. Ảnh: Quỳnh Trần.

Để tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực logistics, đại diện Sở Công thương TP HCM trình bày 6 nhóm giải pháp đã đệ trình Ban Thường vụ Thành ủy. Trong đó nổi bật là ứng dụng công nghệ trong vận tải, xây dựng hệ thống dữ liệu dùng chung, tăng giám sát điều tiết giao thông bằng camera, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) mô phỏng dữ liệu thực tế và xây dựng những nền tảng mở chia sẻ thông tin giữa các doanh nghiệp và cơ quan chức năng trong ngành. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng đề xuất đẩy cơ chế khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ.

Bà Nguyễn Hoàng Phương – CEO beGroup khẳng định, công nghệ giữ vai trò chủ chốt trong việc giải quyết các bài toán của giao thông đô thị, từ đó góp phần tối ưu hoạt động của logistics nội thành.

Bà Nguyễn Hoàng Phương - CEO beGroup trình bày giải pháp giải quyết ách tắc giao thông đô thị. Ảnh: Quỳnh Trần.

Bà Nguyễn Hoàng Phương – CEO beGroup trình bày giải pháp giải quyết ách tắc giao thông đô thị. Ảnh: Quỳnh Trần.

Đơn vị này giới thiệu giải pháp beMobility – dịch vụ tích hợp di chuyển thông minh trên cùng một ứng dụng. Theo đó beMobility sẽ tích hợp tất cả nhu cầu di chuyển của người dùng với các phương tiện công cộng khác nhau vào trong cùng một bước đặt dịch vụ trên cùng một ứng dụng, giúp tiết kiệm thời gian và tối ưu trải nghiệm người dùng.

Ứng dụng gọi xe be sẽ tạo lộ trình bao gồm mọi loại phương tiện công cộng để thực hiện hành trình. Tất cả việc tìm kiếm, mua vé, thanh toán cho toàn bộ lộ trình này, với nhiều phương tiện khác nhau, sẽ được thực hiện trong cùng một lần thao tác, trên cùng một ứng dụng. Người dùng sẽ được đón tận nhà, trả tận nơi bằng tất cả phương tiện công cộng có sẵn mà không phải sử dụng xe cá nhân hoặc đi bộ một đoạn đường dài.

“Nếu chúng ta giải quyết được bài toán về sự tiện lợi, tôi tin giải pháp sẽ khuyến khích người dân tích cực sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm tỷ lệ sở hữu xe cá nhân và áp lực lên hạ tầng giao thông công cộng”, bà Nguyễn Hoàng Phương nói.

CEO beGroup cũng đề xuất thành phố sử dụng giải pháp tập hợp dữ liệu lớn Big Data và trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích, dự đoán các điểm ùn tắc, lên các phương án điều hướng giao thông nhằm giảm tải lưu lượng lớn xe cộ di chuyển trong cùng một địa điểm. Hệ thống đồng thời phân tích tính hiệu quả của các tuyến đường dành cho phương tiện công cộng, từ đó, tăng hiệu quả kinh tế cho các tuyến đường này.

“Hiểu hành vi và nhu cầu của người dân cũng sẽ giúp cho cơ quan quản lý quy hoạch và phát triển hạ tầng cơ sở dễ dàng và chính xác hơn, tránh lãng phí nguồn lực nhà nước”, bà Nguyễn Hoàng Phương khuyến nghị.

Ngoài ra doanh nghiệp này cũng đề xuất thiết lập trạm BOT ảo sử dụng GPS và radar để khoanh vùng địa lý theo một vành đai ảo, từ đó lên phương án thu phí phương tiện tham gia giao thông giờ cao điểm.

Người dùng tìm hiểu tính năng trên ứng dụng be. Ảnh: Quỳnh Trần.

Người dùng tìm hiểu tính năng trên ứng dụng “be”. Ảnh: Quỳnh Trần.

Bà Nguyễn Hoàng Phương cho biết hiện beGroup đang tích cực làm việc với các cơ quan chủ quản của các đơn vị giao thông công cộng để đồng hành nghiên cứu giải pháp tích hợp vào ứng dụng. beMobility hiện mới chỉ ở giai đoạn đề xuất ý tưởng và nghiên cứu phát triển giải pháp. Nếu có sự đồng hành của các cơ quan hữu quan, giải pháp sẽ được tích hợp vào ứng dụng “be”.

Doanh nghiệp này cũng ứng dụng Big Data và AI nhằm phục vụ hàng triệu khách hàng của ứng dụng này tại 10 tỉnh thành. beGroup hiện giữ vị trí thứ hai về thị phần gọi xe công nghệ tại Việt Nam với hơn 8 triệu lượt tải ứng dụng, hơn 100.000 tài xế và 350.000 chuyến đi mỗi ngày.

Sau khi có sự thay đổi ở vị trí điều hành, chiến lược của đơn vị này cũng chuyển hướng sang đẩy mạnh hợp tác với các hãng taxi và tích cực làm việc với các cơ quan ban hành nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong giải pháp giao thông công cộng tại Việt Nam.

Cũng tại sự kiện, đại diện các doanh nghiệp tích cực tham gia thúc đẩy phát triển logistics thông minh như VNPost, Sao Bắc Đẩu, AhaMove, Lazada cũng đề xuất hàng loạt giải pháp từ thực tiễn triển khai của doanh nghiệp, nhằm góp phần giải quyết bài toán giao thông đô thị và logistics nói chung tại Việt Nam.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã thành công khi ứng dụng công nghệ cao nhằm giải bài toán giao thông đô thị và logistics. Đơn cử Singapore đã áp dụng thành công hệ sinh thái vận chuyển thông minh, nổi bật là hệ thống ERP sử dụng GPS và tần số radio để nắm bắt lưu lượng giao thông và tính phí các phương tiện tham gia vào các điểm giao thông cụ thể. Hệ thống cũng giúp thu thập lượng lớn cơ sở dữ liệu nhằm giúp chính phủ nước này thành lập đề án, quy hoạch chính xác với nhu cầu đi lại của người dân.

Singapore hiện là quốc gia ít gặp ùn tắc giao thông với tốc độ di chuyển trung bình trên các trục đường chính là 27 km/h. Trong khi đó ở London là 16km/h, ở Nhật Bản là 11 km/h và Jarkata là 5 km/h.

Trong khi đó nhiều thành phố tại Thụy Điển thu thập dữ liệu vận chuyển thông qua Bluetooth, Wi-Fi và radar trên các phương tiện tham gia giao thông. Từ đó, hệ thống đèn hiệu và bảng chỉ dẫn thông minh tự động thiết lập các phương án điều hướng nhằm giúp tài xế di chuyển mượt mà theo mỗi khung giờ, hạn chế tối thiểu tình trạng xảy ra điểm nghẽn giao thông.

Hội thảo quốc gia về chính phủ điện tử năm 2020 được tổ chức trong bối cảnh cả nước vừa đảm bảo công tác phòng dịch, vừa triển khai các giải pháp nỗ lực duy trì tăng trưởng kinh tế. Các chuyên gia đồng tình ý kiến, trong giai đoạn chuyển đổi số là cơ sở quan trọng để thúc đẩy phát triển, việc ứng dụng công nghệ cao trong hầu khắp các lĩnh vực đóng vai trò chủ chốt thúc đẩy kinh tế số và góp phần xây dựng chính phủ điện tử tại Việt Nam.

Minh Anh

Nguồn