Cuộc chiến giao thực phẩm tươi sống ở Đông Nam Á

[ad_1]

Theo TechInAsia, RedMart (thuộc Lazada) là đơn vị tiên phong ở mảng đồ tươi sống trực tuyến ở Singapore và hiện không có đối thủ. Tuy nhiên, Grab đang đẩy mạnh hoạt động ở mảng giao đồ tươi sống và mang đến áp lực không nhỏ cho Lazada. Cùng thời điểm, Shopee cũng sẵn sàng nhập cuộc.

Tài xế và xe giao thực phẩm tươi sống RedMart thuộc Lazada. Ảnh

Tài xế và xe giao thực phẩm tươi sống RedMart thuộc Lazada. Ảnh: RedMart.

Giao đồ tươi sống đang ở “thời kì sơ khai”. Các sàn thương mại điện tử từng thử nghiệm dịch vụ này trước đại dịch song không được người dùng đón nhận. Covid-19 là cú hích biến mảng này thành “mỏ vàng” mới, với tốc độ 200-250% so với cùng kỳ 2019, theo TechInAsia.

TechInAsia cho rằng thị trường đồ tươi sống có giá trị khoảng 350 tỷ USD ở Đông Nam Á, trong khi đó mức độ thâm nhập thị trường mới chỉ đạt 0,3%. RedMart, mảng đồ tươi sống của Lazada, bắt đầu hoạt động từ năm 2011 và hiện thống trị ở Singapore. Tuy nhiên, tại Philippines, mảng đồ tươi sống của Lazada có tên LazMart. Hãng không dùng đồng nhất thương hiệu RedMart cho các thị trường khác nhau bởi lý do “RedMart không phải một cái tên dễ nhớ ở Đông Nam Á”.

Cùng lúc đó, Grab hợp tác với HappyFresh (Indonesia) ra mắt GrabFresh tại Indonesia và Thái Lan vào năm 2018. Grab Ventures cũng là một nhà đầu tư vào HappyFresh. Mới đây, Grab giới thiệu GrabSupermarket, dịch vụ giao đồ tươi sống ở Malaysia. Động thái này nhằm đưa GrabSupermarket trở thành đối thủ của HappyFresh.

Grab cũng cung cấp dịch vụ giao đồ tươi sống ở Philippines và Singapore. Mảng đồ tươi sống đã mở rộng từ 2 lên 8 quốc gia trong 3 tháng qua cùng số lượng đối tác tăng 4 lần, chạm mốc 12.000 cửa hàng, trong quý 3/2020.

Giới thương mại điện tử cho rằng Lazada và Grab có mối quan hệ phức tạp. Họ cạnh tranh ở mảng giao đồ ăn ở Malaysia nhưng lại hợp tác tốt ở Việt Nam.

Người giao hàng GrabSupermartket thuộc Grab. Ảnh: GrabSupermartket.

Người giao hàng GrabSupermartket thuộc Grab. Ảnh: GrabSupermartket.

Nhiều công ty khác cũng đang nhòm ngó mảng dịch vụ này. Oway (Myanmar) bắt đầu chuyển sang giao đồ tươi sống khi Covid-19 làm ảnh hưởng đến mảng gọi xe. Hai năm trước, Gojek dừng dịch vụ giao đồ tươi sống GoMart song hiện cũng đang đẩy mạnh nỗ lực trở lại.

Nhiều công ty từng gặp khó khăn vì biên lợi nhuận ở ngành giao đồ ăn tươi sống quá mỏng. Một số muốn thành công phải làm nhiều hơn là chỉ đáp ứng nhu cầu tăng vọt đơn thuần. Các công ty cần tìm mô hình kinh doanh phù hợp và quản trị chi phí. TechInAsia nhận định hiện có 3 mô hình kinh doanh giao đồ tươi sống ở Đông Nam Á.

RedMart là đại diện nhóm sử dụng nhà kho, nơi tất cả các mặt hàng tươi sống lưu trữ và lấy từ một trung tâm xử lý tổng. Hàng hoá được đội ngũ giao hàng thuộc sở hữu của RedMart xử lý. Tương tự, hàng hoá của LazMart cũng lưu trữ trong các trung tâm xử lý hàng hoá của Lazada.

Grab cũng thử nghiệm mô hình từ đầu đến cuối tương tự với GrabSupermartket ở Malaysia. GrabMart lại hoạt động trên mô hình ký gửi. Bằng cách này, startup không trực tiếp quản lí toàn bộ kho hàng. Khi nhận đơn hàng, công ty chuyển thông tin tới nhân viên giao nhận và những người đi chợ chuyên nghiệp để thực hiện mua và chuyển đồ.

Mô hình ký gửi này giúp thực hiện dịch vụ giao hàng theo yêu cầu và linh hoạt vì không cần phải lên lịch trước cho đơn. Theo đại diện Grab, công ty đang cố gắng lấp đầy khoảng trống trong mảng giao hàng tươi sống vốn phụ thuộc nhiều vào việc đặt trước.

Một mô hình kinh doanh cũng phổ biến khác là mua chung. Với hình thức này, các nền tảng thực hiện giảm giá để khuyến khích mua hàng với số lượng lớn. Mô hình phụ thuộc vào những người “có tầm ảnh hưởng” để giảm chi phí thâu tóm người dùng, bán hàng và marketing.

Thành Dương (theo TechInAsia)

[ad_2]