Có nên lắp điện mặt trời hộ gia đình mùa mưa bão?

[ad_1]

Việc thi công hệ thống điện mặt trời hộ gia đình vào mùa mưa bão có thể bị hạn chế về hiệu quả, nhưng cũng có một số ưu điểm.

Ông Phan Tuấn (Quảng Trị) cho biết đang cân nhắc xây một hệ thống điện năng lượng mặt trời công suất khoảng 3 kWp cho mục đích thắp sáng và một số nhu cầu khác trong gia đình. Tuy nhiên, ông phân vân về việc có nên triển khai ngay trong tháng này hay đợi vài tháng nữa, vì hiện nơi ông ở đang trong mùa mưa bão, có thể gặp các hạn chế khi thi công.

Thực tế, đây cũng là băn khoăn của nhiều người đang có ý định sử dụng điện năng lượng mặt trời. Trên các hội nhóm mạng xã hội, chủ đề nhận được sự quan tâm lớn.

Các công nhân đang thi công hệ thống điện mặt trời áp mái tại Đà Nẵng trong thời tiết xấu. Ảnh: Nguyễn Hiệp

Các công nhân thi công hệ thống điện mặt trời áp mái tại Đà Nẵng trong thời tiết xấu. Ảnh: Nguyễn Hiệp

Ông Ngô Thu, có hơn 5 năm kinh nghiệm về thực hiện các dự án điện mặt trời và hiện làm việc cho một công ty tại TP HCM, cho rằng vấn đề an toàn và hiệu suất thi công là yếu tố quan trọng nếu chọn xây dựng hệ thống điện mặt trời vào mùa mưa bão.

“Thi công trong điều kiện thời tiết không thuận lợi hoặc bất ngờ gặp mưa bão có thể cản trở tiến độ, hoặc làm hư hỏng các thiết bị”, ông Thu cho biết.

Tuy nhiên, theo ông, việc thực hiện vào mùa này có một số lợi ích nhất định. Do là mùa thấp điểm về nhu cầu xây dựng điện năng lượng mặt trời, người dùng có nhiều lựa chọn về thiết bị, hệ thống, nhà thầu, mức giá… Việc thi công cũng đỡ vất vả cho công nhân vì thời tiết không quá oi bức.

Ông Thu nhận định, việc thi công vào giai đoạn này cũng linh hoạt hơn do các nhà thầu ít hoặc không bị áp lực về thời gian, giúp chất lượng công trình tốt hơn do được kiểm tra kỹ càng. Người dùng cũng có thêm thời gian kiểm thử độ bền của công trình. Ông lấy ví dụ, với mô hình điện mặt trời áp mái, thi công vào mùa mưa sẽ thích hợp để kiểm tra vấn đề chống thấm, giúp các kỹ thuật viên nhận ra và xử lý vấn đề sớm.

Trong khi đó, ông Việt Dũng, kỹ thuật viên tại một công ty chuyên về năng lượng tái tạo ở Dak Lak, cho rằng chất lượng đội ngũ thi công sẽ đóng vai trò quyết định.

“Thực tế với kỹ thuật hiện tại, việc xây hệ thống điện mặt trời vào mùa nào không còn đáng lưu tâm”, ông Dũng nêu quan điểm. “Thay vào đó, chất lượng công trình sẽ phụ thuộc vào nhà thầu, gồm linh kiện sử dụng, tay nghề lắp đặt của thợ, cũng như các tính toán về tối ưu hóa việc nhận bức xạ mặt trời”.

Theo ông, kiểm tra hiệu suất hệ thống là điểm khó khăn nhất khi lắp đặt thiết bị điện năng lượng mặt trời trong mùa mưa. “Vào lúc này, số giờ nắng và lượng bức xạ nhiệt không cao, hệ thống không thể phát huy tối đa công suất tạo điện”, ông Dũng giải thích.

Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng lắp đặt sớm có thể giúp người dùng thử nghiệm hệ thống của mình trước khi phát huy hết công năng vào mùa hè. Thực tế, ngay cả khi có số giờ nắng thấp, lượng điện do pin mặt trời tạo ra cũng đạt tầm 60-70% so với mùa nắng cao điểm, do đó người dùng vẫn có điện để sinh hoạt.

Với các lý do trên, cả ông Thu và ông Dũng đều khẳng định người dùng có thể xây dựng hệ thống điện mặt trời bất cứ khi nào mình muốn, chỉ cần đảm bảo về độ an toàn khi thi công.

“Thông thường, thời gian lắp đặt một hệ thống điện mặt trời hộ gia đình khoảng một tuần. Do đó, chỉ cần tính toán hợp lý thời gian, theo dõi dự báo thời tiết để tránh mưa bão là được”, ông Thu khuyên. “Trong trường hợp gặp mưa bão bất ngờ, có thể tạm dừng thi công để đảm bảo an toàn”.

Còn theo ông Dũng, người dùng cần chọn nhà thầu có uy tín, đáp ứng đúng tiến độ đề ra, đảm bảo chất lượng công trình và chế độ bảo hành sau lắp đặt tốt, đề phòng các sự cố có thể xảy ra khi vận hành.

Bảo Lâm

[ad_2]