Những ngày đầu tháng 10, tại văn phòng của một startup trên đường Thành Thái, quận Cầu Giấy, Hà Nội các thành viên đang tất bật sắp xếp lại không gian làm việc.
Các vị trí và khu vực có nhiều diện tích trống được bố trí sao cho tối ưu để chờ đón thêm hàng chục nhân viên mới sắp cùng về làm việc. Viễn cảnh này dường như khá trái ngược với những gì người ta hình dung về sức tàn phá của đại dịch Covid-19 hiện đang khiến nhiều doanh nghiệp lao đao…
Startup này là Hanoma – sàn giao dịch thiết bị hạng nặng đầu tiên tại Việt Nam. Ông Phạm Quang Đức – Người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty CP iLott – đơn vị sở hữu nền tảng Hanoma.vn cho biết, Covid tạo cơ hội bứt phá khá hiếm hoi cho các nền tảng kinh doanh trực tuyến như Hanoma. “Kể từ khi đại dịch xuất hiện, công ty chứng kiến sự tăng trưởng gấp nhiều lần lượng truy cập và người dùng trên nền tảng Hanoma mỗi tháng. Có thời điểm nghẽn máy chủ vì lượng truy cập quá đông” ông Đức chia sẻ với phóng viên Tạp chí Kinh tế Việt Nam và nói thêm rằng, “Đại dịch Covid dường như tạo ra cơ hội “vàng” cho các ngành kinh doanh online”.
NHỮNG THÁCH THỨC ĐA CHIỀU
Nhìn ở bức tranh chung, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và startup của Việt Nam ở các ngành khác nhau đều cảm nhận những ảnh hưởng, cả trực tiếp và gián tiếp trong thời gian diễn ra đại dịch. Chia sẻ về những quan sát của mình về tác động của đại dịch Covid với các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, ông Phạm Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số cho biết, đứt gẫy chuỗi cung ứng toàn cầu khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam lao đao vì tắc nghẽn nguồn nguyên liệu đầu vào.
Sức mua thị trường giảm sút khá mạnh trong thời kỳ Covid vì người tiêu dùng chỉ mua sắm những thứ thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày của họ như nhu yếu phẩm. Nhiều doanh nghiệp và startup trong các lĩnh vực dịch vụ lưu trú, dịch vụ gắn với khách nước ngoài như vận chuyển, tổ chức tour trải nghiệm, hay cung cấp các dịch vụ cho hoạt động hội họp, đào tạo… đối mặt với tình trạng không có doanh thu kéo dài.
“Bình thường các startup đã gặp khó khăn trong việc tạo nguồn thu, trong thời kỳ Covid khả năng cân đối giữa nguồn thu và chi phí càng khó khăn gấp bội, và sức hấp dẫn của họ trong con mắt các nhà đầu tư cũng vì thế suy giảm nghiêm trọng”, ông Tuấn nói.
Nửa đầu 2020, sự bùng phát đại dịch Covid-19 khiến nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho startup Việt giảm 22%, từ 284 triệu USD nửa đầu năm 2019 xuống còn 222 triệu USD nửa đầu 2020 theo báo cáo của quỹ Do Ventures; số lượng nhà đầu tư không có nhiều biến động, số ít nhà đầu tư mới tham gia thị trường…
GẠN LỌC CÁC CƠ HỘI
Covid giống như một phép thử lớn với các doanh nghiệp. Theo ông Tuấn, Covid đã chứng minh doanh nghiệp nào càng linh hoạt về mô hình kinh doanh, càng đa dạng về sản phẩm, dịch vụ, đặc biệt là chủ động chuyển đổi số sớm thì càng đứng vững và vượt qua đại dịch. Những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo thường sở hữu sẵn bộ gen có tính thích ứng cao cho phép họ dễ dàng điều chỉnh quy trình hoạt động, thay đổi sản phẩm, dịch vụ để phù hợp với tình hình mới.
Đơn cử như ELSA, startup Việt có trí tuệ nhân tạo top 5 thế giới để học phát âm và giao tiếp tiếng Anh chuẩn bản xứ còn quyết định tài trợ 100% học phí gói học ELSA PRO thời hạn 3 tháng để học nói tiếng Anh chuẩn bản xứ thông qua ứng dụng ELSA Speak dành cho toàn dân Việt Nam trong mùa dịch COVID-19.
Theo bà Văn Đinh Hồng Vũ, nhà sáng lập của ELSA, đây không hề là một quyết định dễ dàng, vì ELSA là một startup, nên có rất ít nhân sự. Để có thể đảm bảo chất lượng của ứng dụng cho việc số lượng học viên tăng đột biến trong một thời gian ngắn, toàn bộ đội ngũ của ELSA sẽ phải hoạt động gần như 24/7 để duy trì hệ thống, cũng như chăm sóc và phản hồi cho học viên kịp thời…
Theo ông Tuấn phân tích, hành vi khách hàng thay đổi đột ngột trong thời kỳ Covid cũng là cơ hội cho những doanh nghiệp có khả năng thích nghi cao so với những DN chậm thay đổi. Ví dụ trong thời kỳ Covid, khách hàng có xu hướng nhạy cảm hơn về giá và lựa chọn mua sắm trực tuyến thay vì đến mua trực tiếp ở cửa hàng.
Do Ventures dự báo triển vọng đầu tư vào startup Việt Nam nửa cuối năm 2020 và năm 2021 vẫn ở mức cao. Trong đó, 50 quỹ đầu tư đang hoạt động tại 6 thị trường lớn ở Đông Nam Á cho biết, Việt Nam vẫn là ưu tiên hàng đầu trong 12 tháng tới. Vốn rót vào các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giao hàng bách hóa, giáo dục trực tuyến và giải trí dự kiến sẽ gia tăng trong nửa cuối năm.
Nguồn Vneconomy
Xem thêm:
BẢN TIN KHỞI NGHIỆP TRẺ
Đăng ký thành công
Có lỗi xảy ra