Châu Âu thúc đẩy ra luật mới sau bê bối Facebook

[ad_1]

Liên minh châu Âu EU đang đẩy nhanh việc ra các quy định nhằm vào Big Tech sau các tiết lộ về Facebook của cựu nhân viên Frances Haugen.

Các nhà hoạch định chính sách và lập pháp của EU tuần trước đã gặp Frances Haugen – người tiết lộ hàng loạt tài liệu nội bộ của Facebook – để trao đổi các vấn đề về mạng xã hội này. Sau cuộc họp, nhiều quan chức cho rằng EU phải nhanh chóng có hành động cứng rắn, như tăng tốc phê chuẩn một dự luật được đề xuất từ năm ngoái với mục tiêu siết các dịch vụ truyền thông xã hội.

Bà Frances Haugen gặp gỡ các nhà lập pháp tại Nghị viện châu Âu ở Brussels (Bỉ) hôm 2/11. Ảnh: AP

Frances Haugen gặp gỡ các nhà lập pháp tại Nghị viện châu Âu ở Brussels (Bỉ) hôm 2/11. Ảnh: AP

Theo dự luật, EU sẽ yêu cầu các nền tảng công nghệ lớn phải tìm kiếm các giải pháp và giảm thiểu rủi ro từ nội dung bất hợp pháp. Nếu không, những công ty đứng sau phải đối mặt với khoản tiền phạt nặng nề.

“Châu Âu rất nghiêm túc trong việc điều chỉnh môi trường số đang ngày càng phát triển nhưng được ví như miền tây hoang dã”, Thierry Breton, một quan chức EU, cho biết. Liên minh đang chạy đua để sớm ra một loạt các luật kiểm soát công nghệ trong nửa đầu năm tới. “Tốc độ là tất cả”, ông nói.

Trong cuộc điều trần trước EU hôm 8/11, các nhà lập pháp hỏi Haugen về tài liệu nội bộ của Facebook. Tương tự các tuyên bố trước đó, nội dung mà Haugen trình bày cho thấy mạng xã hội của Mark Zuckerberg nhận thức rõ các vấn đề mà nền tảng gây hại cho người dùng nhưng vẫn làm ngơ để chúng tồn tại.

Tại Anh, các nhà lập pháp đang xem xét dự luật về an toàn trực tuyến, trong đó cơ quan quản lý có thể đưa ra mức phạt 10% doanh thu toàn cầu hàng năm của các công ty vi phạm. Chính phủ các quốc gia thành viên EU cũng đang thảo luận bộ quy tắc chung cho Big Tech.

Những tuần gần đây, bà Haugen đã gặp gỡ các quan chức Anh và Đức để thúc đẩy các luật mới nhằm tăng tính minh bạch và giám sát cách các công ty truyền thông xã hội xử lý nội dung. Cuối tuần này, bà sẽ đến Paris bàn về vấn đề tương tự. Tại mỗi điểm dừng chân, bà đều nhấn mạnh Facebook đã “làm quá ít” trong việc hạn chế hệ thống quảng bá nội dung cực đoan và gây chia rẽ.

Facebook nhiều lần phản bác Haugen. “Đúng, chúng tôi là một doanh nghiệp và tạo ra lợi nhuận, nhưng ý tưởng chúng tôi làm như vậy để gây hại mọi người hoặc gây hiểu lầm là không chính xác”, Monika Bickert, Phó chủ tịch phụ trách chính sách nội dung của Meta, tên mới của công ty Facebook, viết trên blog hôm 8/11.

Theo một số nhà lập pháp, sau khi tham khảo tài liệu nội bộ của Facebook, dự luật truyền thông xã hội mới của EU sẽ được mở rộng hơn so với hiện tại. Ví dụ, Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) đề xuất nên xử lý nội dung có hại tiềm ẩn, nhưng sẽ được điều chỉnh để tập trung nhiều hơn vào cách các công ty đề xuất và truyền bá nội dung.

“Hy vọng của tôi là những bổ sung mới sẽ củng cố sức mạnh của DSA và mở rộng kiểm soát rủi ro”, Alexandra Geese, thành viên Nghị viện châu Âu, cho biết. “DSA phải có tham vọng và hoạt động hiệu quả”.

Trong phiên điều trần với EU, Haugen nói dự luật truyền thông xã hội mới “có tiềm năng trở thành tiêu chuẩn vàng ở quy mô toàn cầu” và “truyền cảm hứng cho các quốc gia khác, trong đó có Mỹ, theo đuổi các quy tắc mới nhằm bảo vệ nền dân chủ”.

Từ tháng 9, Haugen đã tiết lộ một loạt thông tin nội bộ của Facebook trên các tờ báo hàng đầu ở Mỹ, xoay quanh việc thuật toán xếp hạng thúc đẩy sự chia rẽ, Instagram gây tác động tiêu cực đến người dùng tuổi teen và gần đây là việc có khoảng 360 triệu người nghiện Facebook.

Bảo Lâm (theo WSJ)

[ad_2]